Khám phá suối Nước Vàng

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Những cơn mưa xứ Kinh Bắc thật kỳ lạ, có khi đuổi theo phía sau xe, có lúc lại chặn trước mặt. Lúc bên đông mưa, còn phía tây lại hửng nắng... Những chiếc xe máy “chiến” ì ạch nuốt từng kilômet đường đất đá lởm chởm trên tỉnh lộ 293.

< Núi non ở Tây Yên Tử.

Sau 2 giờ rong ruổi trên cung đường gập ghềnh từ ngã ba Lục Nam tới xã Lục Sơn, du khách sẽ đặt chân tới khu danh thắng suối Nước Vàng (huyện Lục Nam, Bắc Giang). Hình ảnh dễ bắt gặp là những dãy núi trập trùng, ngút ngát những hàng keo, bạch đàn xanh mướt. Một con suối trong veo nằm vắt ngang giữa đường như phân định rõ ranh giới giữa khu danh thắng với thôn Đồng Vành nằm kề cận.

Từ đây, để tới được suối Nước Vàng du khách cần có chỉ dẫn của người dân địa phương, men theo con đường đất chừng vài trăm mét là có thể bắt gặp dòng suối có màu vàng sánh, không hề gợn đục. Nhìn kỹ dưới lòng suối sẽ thấy những khối đá nhám kết tinh, tảng thì trắng bong, tảng có màu vàng óng ngổn ngang.

Con suối chạy dọc theo dãy núi Phật Sơn cao 800-900 m tạo nên những khúc biến tấu thú vị: có chỗ nước tuôn chảy ào ào, chỗ thì róc rách, chỗ thì lững lờ trôi êm đềm. Đưa tay hòa vào dòng nước mát lạnh có cảm giác như vừa được “gột rửa bụi trần”.

< Suối Nước Vàng óng áng như mật ong và trong vắt.

Có nhiều giả thiết khác nhau về màu vàng của dòng suối ở đây. Các nhà khoa học cho rằng do suối chảy ra từ một mỏ than lớn của Quảng Ninh hoặc có thể do quá trình phân hủy và kết tụ của cây cối hàng ngàn năm. Còn dân bản địa cho rằng do nước đọng trên những phiến đá cát nhãn màu vàng nên mới có màu như thế.

Dân gian thì truyền miệng nhau rằng nước có màu vàng vì nguồn xuất phát từ Phật. Người dân địa phương thì dòng suối không hề bị ô nhiễm bởi từ hàng chục năm qua họ vẫn sinh hoạt hàng ngày trên dòng suối mà không bị bệnh tật.

Từ hạ nguồn suối Nước Vàng, du khách tiếp tục băng qua 7 thác nước  để tới thượng nguồn thác Giót - con thác cao nhất (50m) trong hệ thống thác nơi đây. Đường tới thác Giót chỉ dài 4 km nhưng vô cùng hiểm trở vì phải băng qua suối, đu cây rừng và cheo leo trên các vách đá dựng đứng.

Bù lại sau những gian khổ ấy, lữ khách sẽ có dịp được khám phá thế giới của rừng nguyên sinh kỳ bí với những cây nấm linh chi quý hiếm, những khóm phong lan rừng thơm ngát dọc đường, những âm vang xao động của dòng suối, thác nước và chim chóc trong rừng.

Cứ đi một quãng lại bắt gặp dòng suối nước vàng óng ánh như mật ong. Dưới lòng suối là những viên sỏi trắng, đá nhám vàng. Tiếng suối róc rách, khi réo rắt khi êm đềm tạo nên những âm điệu trầm bổng của bản nhạc núi rừng.

Sau hơn ba giờ băng rừng vượt suối, cuối cùng thác Giót hùng vĩ cũng hiện ra trước mắt. Dòng thác cao ngất như dải lụa phấp phới bay trong gió. Hết lớp nước này đến lớp nước khác chạm vào đỉnh đá bắn ra hàng tỉ bọt nước mát lạnh bao trùm không gian.

< Thác Giót.

Ngắm lên dòng thác hùng vĩ mát lạnh còn thấy những lớp đá phủ rêu xanh mượt. Không khí trong lành, man mát sẽ tiêu tan những mệt mỏi, âu lo sau chặng đường bách bộ. Khách ngồi trước bậc đá phủ rêu vàng có thể liên tưởng đến việc ngồi trong căn phòng có máy lạnh, không gì tuyệt bằng.

Vậy nhưng nếu lên đến thác Giót rồi mà không đến đồng cỏ xanh thì kể như chưa đến đây! Vậy là lại balô, máy ảnh trên vai, khách tiếp tục hành trình. Con đường rừng 2,5km băng qua những bụi rậm, những rừng tre xanh mướt, mỏm đá phủ đầy rêu phong. Gần hai giờ loanh quanh trong rừng, đã có lúc bị lạc đường nhưng rồi mọi sự tốt đẹp.

Cảm giác choáng ngợp khi trước mắt là một đồng cỏ rộng thênh thang điểm xuyết những cánh hoa tím ngát và những hòn đá tảng hình thù kỳ lạ như con rùa, quả trứng, hình người ôm ấp. Đây chính là đỉnh núi Phật Sơn cao gần 1.000m so với mực nước biển. Những bãi cỏ xanh mướt lung linh trong nắng, gió mùa thu tuyệt diệu. Dân địa phương gọi đây là Sân Trời hay Lái Cỏ. Cảnh sắc nơi đây làm cho bất kỳ ai một lần đến cũng phải xao xuyến.

Đặc biệt trên những tảng đá nằm bẹp dưới đất, từ các khe tiết ra thứ nước trong vắt, nhìn từ xa có ảo giác như một dòng suối đang tuôn chảy giữa thảo nguyên, cảnh vật cứ nửa hư nửa thực...

Gợi ý:

Từ Hà Nội, khách có thể về TP Bắc Giang theo quốc lộ 1A rồi rẽ vào quốc lộ 31 đến thị trấn Đồi Ngô - Lục Nam gần 100km. Từ thị trấn Đồi Ngô qua cầu Lục Nam, đi thác Thùm Thùm rồi men theo con đường 293 gần 40km sẽ đến suối nước vàng chinh phục đỉnh Phật Sơn. Đây là cung đường ngắn nhất. Xe cần được bảo dưỡng trước hành trình và mang theo dụng cụ sửa chữa cần thiết.

Để khám phá và chinh phục con suối từ phía hạ nguồn lên miền thượng mất quá nửa ngày, sau khi băng qua gần 20 thác ghềnh lớn nhỏ, một số thác đẹp như thác Anh Vũ, thác Mây, Thác Giót, Thác Nước Vàng...

Thác nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn và lạ mắt, phía dưới mỗi thác đều có những bồn tắm thiên tạo có thể chứa đến vài chục người, là nơi để bạn có thể thỏa sức vùng vẫy, giải nhiệt cùng dòng nước mát lạnh từ trên cao dội lên cơ thể.

Sau khi đã chinh phục thác Giót, đỉnh Phật Sơn, mọi người nên chọn cách đi về theo con đường bêtông chạy từ trung tâm xã Lục Sơn đến thị trấn Chũ (Lục Ngạn) rồi về TP Bắc Giang theo quốc lộ 31, tránh đi lại con đường 293 nhiều bất trắc. Hoặc chạy theo con đường nhựa về thị trấn Đông Triều - Quảng Ninh, rồi ngược quốc lộ 18 qua Bắc Ninh về Hà Nội.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dulichbacgiang, TTO và nhiều nguồn ảnh khác

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc