Mùa này khô lắm, không có một giọt nước mưa, bầu trời trong xanh đến lạ, dòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn chảy mang theo bao câu chuyện cổ xưa. Đêm thâu, đâu đó trong buôn tiếng cồng chiêng vẫn cứ bùng bi ngân vào rừng thẳm… Rượu rót tràn ly, múa hát canh thâu tiễn chân một người già Tây Nguyên về với tổ tiên, về với cõi vĩnh hằng…
Dòng Sêrêpôk chảy ngược
Đoạn sông Sêrêpôk đẹp nhất có lẽ là đoạn thác 7 nhánh chảy qua địa phận xã Krông Ana. Những tảng đá to tướng nằm lô nhô chắn dòng chảy tạo nên một con thác vô cùng đẹp. Chúng tôi tới đây nhằm đúng mùa khô. Người dân ở đây bảo rằng, vào mùa mưa nước nhiều thì đẹp lắm. Dòng nước chảy cuộn chồm qua những tảng đá khổng lồ tạo thành 7 nhánh vô cùng thú vị.
Sêrêpôk là con sông kỳ lạ nhất ở nước ta. Dòng sông khởi chảy từ nam Trường Sơn gồm 2 dòng sông Krông Nô (đực) và Krông Na (cái). Krông nô có dòng chảy dũng mãnh, ngầu đục phù sa, còn Krông na thì êm đềm, hiền hoà, trong vắt. Khi 2 dòng hợp nguồn tạo thành Sêrêpôk cuồn cuộn, vượt qua bao thác, ghềnh. Đặc biệt là sông không đổ ra biển theo quy luật muôn đời mà lại đổ ngược dòng về thượng nguồn phía tây Trường Sơn. Trên dòng chảy của mình, Sêrêpôk đã ôm vào lòng bao nhiêu thác ghềnh huyền thoại như Đray Nur, Đray Sáp, Trinh Nữ… giữa đại ngàn. Phía bên kia dòng Sêrêpôk là khu rừng quốc gia Yok Đôn rộng 115.00 ha, phía bên này sông là những buôn làng của người Êđê, Mnông lặng lẽ từ nghìn đời nay. Cái nắng, cái gió Tây Nguyên và tiếng cồng chiêng mê hoặc đã làm nên một miền đất huyền thoại lạ kỳ.
Trên dòng Sêrêpôk có rất nhiều những hòn đảo nhỏ, xanh mướt mát những cây si già. Công ty du lịch làm những chiếc cầu văng dây cho du khách lên đảo. Một không gian hoang sơ giữa non nước hữu tình khiến ai cũng mê mẩn bởi vẻ đẹp thần tiên. Những nguời sống ở thành phố bụi bặm, ồn ào tới đây dù chỉ một lần sẽ vô cùng ấn tượng.
Kể chuyện Buôn Đôn
Chúng tôi di chuyển tới trung tâm Bản Đôn - một trong những địa danh nổi tiếng nhất giữa vùng Tây Nguyên này. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, già làng Nthu Knul đưa bộ lạc vượt sông Sêrêpôk tìm nơi định cư, thành lập bản. Khi bà con nhìn thấy những hòn đảo trên dòng sông này có đất tươi tốt, có thể sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và sắn thú rừng thì dừng chân lập buôn trên các đảo, tạo nên một làng đảo. Theo tiếng Êđê thì đảo có nghĩa là đôn, làng là bản và Bản Đôn đã ra đời từ đó.
Già làng Nthu Knul đã dạy dân nghề săn bắt voi rừng hoang dã đem về thuần chủng để chúng phục vụ cho cuộc sống của con người. Và Bản Đôn đã trở thành địa danh huyền thoại về nghề săn bắt voi và cũng là nơi có nhiều voi nhất cả nước. Lại nghe kể rằng, ngày xửa ngày xưa, gia đình nào ở Bản Đôn cũng có ít nhất 1 con voi, nhà nhiều thì có cả chục con. Một thời con voi được lấy làm đơn vị tính toán, trao đổi, phạt vạ trong cuộc sống con người. Chẳng hạn, người chồng mà bỏ vợ thì phải nộp phạt một con voi… Hiện nay giá một con voi trưởng thành từ 300 tới 400 triệu đồng. Mới đây một công ty du lịch ở Buôn Đôn thuê một con voi của dân cho du khách cưỡi, con voi bị chết, chủ voi yêu cầu bồi thường 400 triệu đồng.
Muốn được cưỡi voi quanh Bản Đôn, du khách phải trả giá 50.000 đồng cho 15 phút. Và có thể đi cả ngày cũng được, cứ giá đó mà trả tiền.
Đám ma cụ Dạ Măng
Tin cụ bà Dạ Măng (88 tuổi, người Êđê) chết được loan báo đi rất nhanh trong bản Jiang Lành và những bản xung quanh. Cụ Dạ Măng có tới 12 người con nên đám ma của cụ rất lớn và long trọng. Cụ ra đi lúc sáng sớm ngày 29-11-2012. Người cháu trưởng của cụ là Y Măng Kađốc chủ trì toàn bộ lễ tang. Ngay buổi trưa ngày 29, anh cho mổ 2 con lợn mỗi con gần 1 tạ làm cỗ cho bà con tới chia vui với gia đình. Trên mỗi bàn đặt 2 bát thịt và mấy chai rượu "quốc lủi”, ai tới cứ việc uống, ăn tự nhiên, ngồi thâu đêm tới sáng. Buổi tối thì bắt đầu thắp hương viếng, con cháu ngồi xung quanh quan tài, các cụ ngồi hát, nam thanh niên thì đánh cồng chiêng, con gái thì nắm tay nhau nhảy….
Tiếng cồng chiêng âm vang dội vào núi rừng nghe hùng tráng và huyền bí. Tối khuya thanh niên trong những bản xung quanh kéo tới nhảy múa rất vui, rượu chảy như suối, bất kể quen hay lạ, cứ tới đám là uống, là nhảy múa suốt đêm. Cháu trưởng Y Măng Kađốc tranh thủ giới thiệu về phong tục làm đám ma của người Êđê. Anh cho biết: Người già mà chết là việc vui trong gia đình, trong buôn, ai tới cũng uống rượu cho vui như thế. Anh mời: "Ngày cúng Giàng cho cụ vui lắm, cố gắng tới dự nhé”. Tôi nhận lời với anh và cũng muốn một lần chứng kiến tang lễ của người Êđê. Y Măng dạy tôi đánh chiêng góp vui trong đêm tang lễ đầu tiên của bà ngoại anh.
Sáng sớm ngày lễ cúng Giàng cho người quá cố, đám thanh niên mổ một con bò khá to, lấy đùi, đầu và một miếng thịt cùng với một hũ rượu đặt ngay giữa nhà. Y Măng cho biết sẽ tổ chức cúng Giàng liên tục (từ ngày 30-11 cho tới chủ nhật ngày 2-12) mới đưa cụ ra mả. Mỗi hôm cúng Giàng lại mổ một con bò hoặc con trâu làm cỗ cho dân làng ăn uống. Cụ Dạ Măng có 12 người con, trong đó có 6 con gái, chỉ những con gái mới góp trâu, bò làm tang lễ, con trai đi lấy vợ không có của hồi môn gì nên góp tuỳ tâm.
Khách tới đám tang khá đông, cỗ bưng lên, không kể là mâm mấy người, cứ ngồi vào ăn. Món đặc sản của người Êđê trong những bữa tiệc là món nộm lòng bò, gần giống với món tiết canh của người Kinh.
Theo kế hoạch của Y Măng thì sau 15 ngày kể từ lúc mai táng sẽ làm lễ bỏ mả - nghi lễ quan trọng nhất đối với người Êđê. Đại lễ này sẽ diễn ra dòng dã trong 3 ngày. Thời gian làm lễ bỏ mả tuỳ thuộc vào từng gia đình tang chủ, ai có điều kiện thì để lâu hơn từ 1 tới 3 tháng. Kể từ khi mai táng cho tới lễ bỏ mả thì ngày nào tang chủ cũng phải mang đồ ra mộ cúng cho người chết. Quy mô tổ chức lễ bỏ mả thể hiện đẳng cấp, gia thế của tang chủ. Nhà càng giàu thì tổ chức càng to. Nhà nào nghèo thì làm đơn giản thôi. Tuyệt đối không có sự chê trách hay ganh tị, so sánh với nhau.
Mỗi khi có người chết thì cả buôn đều tới chia sẻ. Với quan niệm chết là về với tổ tiên, được lên thiên đàng nên cái chết đối với người Êđê thật đơn giản.
Du lịch, GO! - Theo Daidoanket, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét