Cảm giác nghe gió lướt bên tai khi đi phượt trên những chiếc xe mô tô ba bánh thật khó tả. Nó vừa bồng bềnh phiêu lãng, vừa vững chãi, mạnh mẽ. Động cơ gừ gừ rồi rùng lên, đoàn xe kiêu hùng vọt đi như những con chiến mã…
Cú lật úp kiểu “đấu bò”
Vừa xuống dốc cầu, lại gặp ngay một cua tay áo. Một gói đồ trên xe đi ở vị trí số bốn buộc không kỹ văng ra đường. Người cầm lái phanh gấp để quay xe lại. Cú phanh không chuẩn làm đầu xe chúi xuống. Chiếc xe cồng kềnh bỗng từ từ dựng đứng lên, và chầm chậm úp ngược ra phía trước. Rầm!
Xe đi thứ năm lập tức dừng tiếp ứng. May không sao cả. Bác tài đã kịp nhảy ra, còn người ngồi trong thùng thì bị… úp gọn bên trong. Lật xe lại, người bò ra. Một bên đèn xi nhan vỡ vụn, thùng xe móp ép vào bánh. Những xe khác cũng quành lại hỗ trợ. Vài phút sau, tiếng động cơ lại gầm lên, rồi tất cả lại xé gió lao đi.
Đó là cú úp mới nhất trong chuyến đi xuyên Đồng Tháp Mười vào cuối mùa lũ vừa rồi. Phương, tay lái thuộc dạng “lụa” nhất của Hội Mô tô ba bánh (sidecar) Sài Gòn lý giải: “Có lẽ do cuống, tài xế đã cắt côn và bóp phanh trước làm xe mất cân bằng. Với mô tô ba bánh, xuống dốc vào cua mà cắt côn đột ngột rất dễ “tèo”. Mà cái xe này lạ lắm, lật úp là cứ lật từ từ, y như phim quay chậm!”. Anh em trong hội gọi vui đây là cú úp kiểu “đấu bò”. Nếu bình tĩnh, người ngồi trên xe sẽ không sao cả. Bởi đơn giản, ngay cả khi úp ngược, chiếc mô tô ba bánh vẫn rất vững!
Buổi tối, khi dừng chân ở Tam Nông, cú úp lúc sáng lại được cả đoàn mang ra mổ xẻ. Vừa để học hỏi, lại vừa để trêu chọc nhau tếu táo. Hùng Cao, một thủ lĩnh của hội, cười tỉnh queo: “Chọc vậy cho nhớ, không ai giận gì đâu. Lái không chuẩn, có ngã vậy mới nhớ đời, lần sau lái tỉnh hơn thôi”.
“Thích như chế ngự mãnh thú”
Thượng tá Bình, một thành viên được cả hội kính trọng gọi bằng chú, cũng là một tay lái cứng cựa, nói về cảm giác khi điều khiển chiếc “xít đờ ca” (tên gọi sidecar ở miền Bắc hồi chiến tranh chống Mỹ): “Loại xe này vừa to, vừa mạnh, rất khó lái, vì nó chông chênh. Chạy trong thành phố rất căng thẳng vì đường đông, dễ va quệt. Đi đường xa, lúc mới tập lái cảm thấy hai tay mỏi nhừ như sắp rụng. Nhưng khi đã thuần thục, thấy nó rất an toàn, đường xấu cỡ nào cũng vượt được. Vào cua, tay lái cứng vẫn chơi 60-70 km/ giờ. Lái nó sảng khoái như vừa chế ngự được một con mãnh thú”.
Những chiếc mô tô ba bánh của Hội Sidecar Sài Gòn đều có động cơ từ 650 phân khối trở lên. Hội hiện thời có 50 xe, với khoảng 100 thành viên với đủ nghề nghiêp. Họ tụ lại vì niềm đam mê phiêu du trong những chuyến phượt khắp các miền đất nước. Tất cả các xe đều có nguồn gốc từ các nước XHCN viện trợ trong chiến tranh, giờ đều đã thuộc dạng “năm mươi năm vẫn chạy tốt”. Người chơi xe đầu tiên của hội là Hùng Cao, cựu cầu thủ bóng chuyền đội Seaprodex. Đó là năm 1989. Rồi có thêm vài anh em nữa nhập hội. Đến năm 1995, là đợt hội viên thứ hai tham gia. Nhóm còn lại, đa phần là những người trẻ, gia nhập hội vài năm nay.
Mơ Côn Đảo, vọng Trường Sa
Chuyến đi mà nhiều thành viên nhớ mãi là chuyến xuyên Việt hồi hai năm trước. Bão Meji tràn vào. Anh em bèn quyên góp, đi cứu trợ đồng bào lũ lụt Quảng Bình. “Vất vả lắm, toàn ăn bờ ngủ bụi, có những hôm đi xuyên đêm. Từ Sài Gòn lên Gia Lai, ra Bờ Y. Cứu trợ xong, tất tả đi Huế, rồi ra Hương Khê (Hà Tĩnh). Từ đó phi lên Mai Châu, qua Phù Yên (Sơn La) rồi đi Hà Giang. Vỏn vẹn trong một tuần, mỗi khi nhớ lại vẫn như thấy mưa quất vào mặt” - thượng tá Bình bảo.
Là những chiếc xe được ra đời phục vụ cho chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, những chiếc mô tô ba bánh rất khỏe. Đường lầy, dốc, ô tô có thể bó bánh, còn mô tô ba bánh cứ phăm phăm. Và Hội Sidecar Sài Gòn đã dọc ngang nhiều miền đất nước. Tây bắc, Đông bắc, Tây nguyên, khúc ruột miền Trung, đông và tây Nam bộ.
Đi để thấy đất nước mình đẹp. Đi để sẻ chia những cảnh đời và học hỏi bạn đồng hành, biết nhiều phong tục tập quán. Ở những lúc chuyển mùa, nhiều cung đường thật đẹp. Sen tàn cúc lại nở hoa, lúc cuối thu là mùa dễ “ngứa chân đi”. Hoặc sang xuân, khi những rừng hoa mận Tây Bắc rực lên, thật khó mà không thu xếp hành trang.
Có gì còn nuối tiếc? Trần Đức Kha, hội trưởng, cười nhẹ: “Anh em vẫn còn một điều muốn từ lâu mà chưa làm được: ra Côn Đảo thắp hương cho chị Sáu và những liệt sĩ nằm ở đó. Vận chuyển xe ra đó khó quá”. Còn thượng tá Bình nheo mắt: “Đã mơ thì mơ luôn nhé! Mình mong anh em sẽ được cùng xe ra chào quốc kỳ và bia chủ quyền ở Trường Sa”.
Du lịch, GO! - Theo Vũ Thượng (iHay), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét