Về đất quế ghé điện Trường Bà

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Người Quảng Ngãi từ lâu mệnh danh huyện Trà Bồng, Tây Trà là đất quế. Nhưng về đây không chỉ để tham quan những rừng quế bạt ngàn mà du khách còn có dịp ghé thăm điện Trường Bà - một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Cor và cả dân tộc Chăm...

< Dốc Eo Chim cao trên 1.000 mét bồng bềnh mây trắng.

Nằm ngay sát đường liên huyện Trà Bồng - Tây Trà ở thị trấn Trà Xuân, từ điện Trường Bà nhìn ra là một cánh đồng lúa xanh, sau lưng là rừng quế và con sông Trà Bồng trong xanh lững lờ trôi qua những bản làng. Trước điện là cây si già ôm choàng lấy cổng với những nhánh cây tỏa rộng che bóng, mang cho ngôi đền một nét cổ xưa, trầm mặc.

< Cổng chính Điện Trường Bà.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (quyển VIII- phần tỉnh Quảng Ngãi) của triều Nguyễn, đền Trường Bà là một trong 17 đền, miếu tiêu biểu của Quảng Ngãi. Thế nhưng, đồng bào Kinh và Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà vẫn quen gọi là điện Trường Bà.

Điện Trường Bà toạ lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Đây là một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm và là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa - huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm. Hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.

Ở gian chính điện thờ bà Thiên hậu Thánh Mẫu. Phía trong điện phối thờ hai vị nhân thần có công đi mở đất Trấn Nam dinh là phó đô tướng dương võ công thần Mai Đình Đông và Trấn quốc công Bùi Tá Hán - người có công lớn trong buổi đầu đi mở đất Quảng Nam, Quảng Ngãi.

< Một nghi thức trong lễ chánh tế của lễ hội điện Trường Bà.

Bên ngoài điện, nằm về phía Tây còn có miếu thờ Bạch hổ sơn quân. Tương truyền, xưa kia, ở vùng rừng quế bạt ngàn này có con hổ trắng mà dân làng kính trọng gọi là Ông hổ đi tu. Nhờ có ông mà các loài thú khác không về quấy phá dân làng. Khi ông hổ mất dân làng đem chôn và lập đền thờ. Cạnh đó là tượng hai con voi có bành hẳn hoi.

Theo tiến sĩ văn hóa Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở văn hóa thông tin, Chi hội trưởng Chi hội văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ngãi, điểm quan trọng là điện Trường Bà có sự giao thoa tín ngưỡng giữa dân tộc dân tộc Kinh, dân tộc Cor và dân tộc Chăm.

< Phơi quế Trà Bồng loại miếng lớn và dày được căng trên khuôn để làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo người dân địa phương, hằng năm đến ngày rằm tháng 4 âm lịch, không kể người Kinh là con em Trà Bồng ở nhiều nơi trong nước đổ về thắp hương viếng Bà mà người dân tộc Cor cũng mang quế, mật ong về bày lễ cúng bà trong tiếng chiêng, tiếng cồng ngân vang.

< Núi Cà Đam.

Về Trà Bồng, sau khi thăm điện Trường Bà, du khách thường ngược đường lên núi Cà Đam cao trên 1.000 mét so với mặt biển, tha hồ ngắm nhìn núi đồi và những rẫy quế bạt ngàn của đồng bào dân tộc Cor anh em.

Từ xa xưa, khi đường bộ chưa phát triển, quế Trà Bồng theo những chuyến ghe xuôi về cửa Sa Cần, cửa Đại Cổ Lũy chủ yếu bán cho thương lái Hoa kiều xuất ra nước ngoài.

< Đồng bào dân tộc Cor ở huyện Tây Trà thu hoạch quế.

Người dân Trà Bồng còn kể: thời  Mỹ Diệm, bà Trần Lệ Xuân từng chủ trương mở con đường từ thị trấn Trà Xuân, huyện lỵ Trà Bồng qua các xã Trà Thủy, Trà Thanh và dự định kéo dài ra Trà My (Quảng Nam) để khai thác quế. Nhưng rồi việc làm đường bất thành trước sự tấn công của bộ đội và du kích.

Quế Trà Bồng có đặc điểm vỏ dày, hàm lượng tinh dầu cao nên những năm 1980 của thế kỷ trước, xuất qua các nước Đông Âu đem lại khoảng lợi nhuận khá lớn cho dân đất này.

< Phân loại quế trước khi xuất ra nước ngoài.

Người Trà Bồng mến yêu cây quế và cũng nhờ cây quế mà có nhiều cơ hội giao lưu, mua bán với người Kinh. Và cũng nhờ chung sống từ lâu đời nên mối quan hệ làm ăn, buôn bán và tín ngưỡng có sự giao thoa và tình đoàn kết giữa hai dân tộc khá bền chặt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Cor và đồng bào Kinh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng vào ngày 28-8-1959. Sau khi Bác Hồ mất vào tháng 9-1969, đồng bào dân tộc Cor đã tổ chức lễ tưởng niệm và tự nguyện mang họ của Bác Hồ.

Du lịch, GO! - Theo Võ Qúy Cầu (TTO), YuMe, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc