Hàng triệu lượt người và phương tiện mỗi ngày qua lại hầm đường bộ Hải Vân trên đường thiên lý Bắc Nam, nhưng chắc chắn ít người biết được những “bí mật” phía trong đường hầm này.
Đi tìm “bí mật” trong đường hầm Hải Vân
Qua nhiều lần hẹn, cuối cùng Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý hầm đường bộ Hải Vân Cao Bá Giang mới gật đầu đồng ý cho tôi theo chân những công nhân lau dọn hầm Hải Vân dưới sự “hộ tống” của chính ông…
Hỏi chuyện về những “bí mật” trong đường hầm, ông Giang nửa gật, nửa lắc và bảo rằng chẳng có gì bí mật nào cả! Nhưng không thể nói hết được!
Để vận hành hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á này, ngay từ khi khởi công, một ê kíp kỹ sư Việt Nam đã phải lên đường sang Nhật Bản và các nước có hầm đường bộ để học cách khai thác quản lý. "Nhìn thì đơn giản, nhưng phải vận hành hàng trăm thiết bị điện tử tự động để đảm bảo cho đường hầm thông suốt không bị ách tắc khi có sự cố xảy ra", ông nói.
Ông Cao Bá Giang cho tôi đi trên chiếc xe đặc chủng dọc 7 km đường dẫn vào hai cửa hầm chính ở phía Bắc và phía Nam. Sau đó tôi được ông “áp tải” đi bộ dọc theo hầm vào lúc cửa hầm đóng để làm vệ sinh và duy tu bảo dưỡng.
Ở hai đầu đường dẫn này tuyệt đối cấm xe mô tô các loại vào ra. Chỉ có xe ô tô mới được phép vào. Nhưng được kiểm tra và giám sát chặt chẽ bằng những cặp mắt thần điện tử và bằng quan sát của lực lượng chuyên trách bí mật. Tất cả các phương tiện trước khi vào hầm từ chở quá tải, đến độ cao của xe, rồi con người trên xe…tất cả mọi di biến của các phương tiện và người trên xe đều được giám sát an ninh từ xa một cách nghiêm ngặt.
Việc giám sát từ xa các loại xe ô tô vào đường hầm chỉ là một phần nhỏ trong công tác vận hành an toàn cho hầm đường bộ Hải Vân. Để mỗi một chuyến xe vượt qua gần 7 km hầm cần phải phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp với thiết bị hiện đại nhất hiện nay…
Hàng loạt các biện pháp giám sát phương tiện vào ra đường hầm trong suốt 23/24 giờ mỗi ngày đã được lên phương án một cách cụ thể. Đúng như lời ông Giang “bật mí”, là theo từng cấp độ được xử lý nhanh nhạy của người chỉ huy trong ca trực vận hành chỉ trong chưa đầy 1 phút.
Hé lộ những con số “khủng”
Để quản lý vận hành an toàn hầm đường bộ Hải Vân là cả một quy trình và sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan lẫn hệ thống thiết bị điện tử hiện đại nhất hiện nay. Dọc theo hơn 6,280 km đường hầm vào lúc 4 giờ sáng cũng đủ thấy choáng ngợp trước hệ thống ánh sáng.
Để đảm bảo ánh sáng cho xe qua lại an toàn, trong hầm được lắp đặt 3.140 bóng đèn cao áp được nhập từ nước ngoài có tổng công suất 65 MW. Theo ông Giang, tổng số tiền đã tiêu thụ điện năng cho chiếu sáng đường hầm bình quân một năm là 25 tỷ đồng.
< Các kỹ sư đang theo dõi hoạt động trong đường hầm Hải Vân qua màn hình.
Ngoài hệ thống chiếu sáng, việc xử lý không khí trong đường hầm cũng không kém phần quan trọng. Nếu hệ thống thông gió cũng như hệ thống lọc không khí ngừng hoạt động, sẽ rất nguy hiểm cho hành khách khi đi qua hầm, có thể bị chết ngạt ngay lập tức.
Để đảm bảo không khí trong đường hầm, ngoài cửa thông gió được đào thông lên đỉnh núi Hải Vân dài hơn 1.810 m để lấy không khí, trong đường hầm còn lắp đặt 3 trạm xử lý không khí với 23 quạt thông gió. Mỗi quạt có công suất 50 KW. Các quạt thông gió này giống như động cơ cánh quạt trên máy bay gắn trên trần hầm với công suất 50 kW sẽ hút và đẩy không khí đến trạm xử lý.
< Quạt thông gió trong hầm Hải Vân.
Bình quân mỗi giây đồng hồ hệ thống lọc và hút cung cấp 280 m3 không khí sạch cho đường hầm. Ngoài ra 3 trạm lọc không khí bằng tĩnh điện, mỗi trạm có công suất 1,5 MW có nhiệm vụ hút lượng không khí bẩn, rồi xử lý đưa ra ngoài đồng thời cung cấp không khí sạch cho đường hầm.
Những con số “khủng” của hệ thống thiết bị lắp đặt trong đường hầm chỉ là rất nhỏ so với hệ thống mắt thần quan sát được cho là bộ não điều khiển hoạt động của đường hầm này…
Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền tỉnh Thừa Thiên-Huế với thành phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam. Hầm khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 8 năm 2000, và được khánh thành vào ngày 5 tháng 6 năm 2005.
- Đường hầm chính: dài 6.280 m, rộng 10 m, độ cao xe cho phép đi qua là 7,5 m.
- Đường hầm thoát hiểm: dài 6.280 m, rộng 4,7 m, cao 3,8 m.
- Đường hầm thông gió: dài 1.810 m, rộng 8,2 m, cao 5,3 m.
Để bảo đảm an toàn giao thông và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong hầm được trang bị các hệ thống: đèn chiếu sáng, thông gió, báo cháy và chữa cháy, điện thoại khẩn cấp, phát thanh radio, camera quan sát (52 cái) cũng như hệ thống giám sát và điều khiển giao thông.
Công trình còn chứa hầm lọc bụi tĩnh điện dài 153 m, rộng 10,2 m, cao 6,7 m. Sau gần 5 năm xây dựng, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành với đường hầm chính dài 6,3 km, hầm phụ chạy song song dài 6,3 km, hầm thông gió dài 1,9 km, 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng với 15 hầm ngang, tạo thành một hệ thống đường hầm hoàn chỉnh có tổng chiều dài khoảng 15,1 km (Theo Wikipedia).
Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét