Tai nạn do rắn cắn thường gặp trong khi đi phượt rừng núi, làm rẫy, làm đồng hoặc do mưa bão gây ngập lụt...
Đây là tai nạn bất ngờ khiến nạn nhân và người xung quanh lúng túng. Do tác hại khác nhau của nọc độc từng loại rắn, cho nên khi một người bị rắn cắn, các bạn hãy cố gắng xác định đó là loài rắn gì? Độc hay không độc? Nếu là rắn độc thì nó thuộc loại nào để khẩn trương ứng cứu.
DỰA VÀO VẾT CẮN
- Rắn độc: rắn độc thường để lại hai vết răng nanh sâu, ít chảy máu nhưng rất đau nhức và sưng tấy, nọc càng ngấm thì càng đau và sưng nhiều, chỗ hai vết nanh bầm tím.
- Rắn không độc: Vết cắn của rắn không độc thì để lại đầu của hai hàm răng, nhưng không thấy dấu của răng nanh, vết cắn chảy máu.
Một loại rắn độc đều có một cấu trúc răng và móc độc khác nhau, cho nên vết cắn để lại trên mình nạn nhân cũng khác nhau, nếu có kinh nghiệm, dựa vào dấu răng, người ta có thể chẩn đoán loại rắn đã cắn. Ví dụ như dựa vào địa hình, địa thế:
DỰA VÀO ĐỊA THẾ
Theo tập tính và nơi ở của rắn, chúng ta thường gặp:
- Rắn hổ nơi đồi núi, gò đống, bụi rậm, nơi cao ráo... Khi cắn, thường ngóc cao, bành cổ, thở phì phì.
- Rắn mai gầm thường sống nơi ẩm ướt, ban đêm thường kiếm ăn theo bờ ruộng ẩm.
- Rắn lục xanh thường sống nơi bờ cỏ, bụi cây.
- Rắn chàm quạp thường sống ở các vùng đất đỏ, đồn điền cao su, rừng cát ven biển hay nằm bên lề đường, ban đêm khi gặp người đi ngang thì phóng tới cắn và ngậm rất chặt, phải đá mạnh chân mới văng ra, cắn xong răng còn dính lại. Ban ngày, chàm quạp chỉ cắn khi cần tự vệ, cắn xong là bỏ chạy ngay nên không để lại răng.
DỰA VÀO TRIỆU CHỨNG CỦA NẠN NHÂN
Thành phần hóa học của mỗi loại nọc rắn khác nhau, do đó tác động sinh học trên cơ thể nạn nhân cũng khác nhau.
Người ta thường phân biệt nọc rắn thành hai nhóm chính:
1. Nhóm độc tố máu (hermorragin): Tác động chủ yếu liên hệ tim mạch, gây phân giải hồng cầu, đông máu và chảy máu, làm co huyết quản, gây trụy tim... Gồm nọc của các loài thuộc họ Rắn lục (viperideae),rắn rung chuông (crotalidac).
2. Nhóm độc tố thần kinh (neurotoxin): Tác động chủ yếu liên hệ thần kinh, hô hấp. Gây liệt tay, liệt cơ hoành, cuối cùng ngạt thở và chết... Gồm các loại Rắn biển (hydrophydac) Rắn hổ (elapidac)
Một số phương pháp cấp cứu khi bị rắn cắn:
CƠ BẢN
Khi bị rắn độc cắn, hãy bình tĩnh, càng ít cử động chổ bị rắn cắn càng tốt. Nếu bị cắn ở chân thì không nên đi lại, ngay cả một bước (nếu điều đó có thể được). Cấp cứu nạn nhân theo trình tự sau:
1- Đặt garrot* cách vết cắn 5-10 cm về phía tim. (Để cho máu lưu thông nuôi phần dưới) rồi cột lại.
2- Tẩy nọc tại chỗ bằng nước xà phòng, nước vôi, nước phèn, nước có chất chua, chất chát, thuốc tím...
3- Dùng dao nhọn, bén sạch, rạch rộng chỗ 2 vết nanh thành 2 hình chữ thập. Hút máu độc ra ngoài bằng cách nặn tay, dùng ống giác hơi, ống giác cao su, ống tiêm 10cc hoặc dùng miệng (nếu miệng không có vết trầy xướt, sâu răng... )
Lưu ý: Nếu vết cắn đã trên 30 phút thì không cần hút, vì không ích lợi gì mà đôi khi còn có hại thêm
Các bạn có thể dùng “cục hút nọc” bào chế từ một miếng sừng hươu nai hầm lâu trong nồi kín, đặt tại vết cắn để trung hòa lượng nọc.
Tác dụng của nọc rắn nhanh chóng và chỉ xảy ra trong môi trường trung tính hay axit, vô hiệu lực trong môi trường kềm. Do đó các chất sau đây có tác dụng làm hư hủy nọc rắn: Cloramin T, thuốc tím, tanin, saponin, papain (trong mủ đu đủ), bromelin (trong quả dứa) than hoạt tính, dịch tụy tang, nước vôi, nước javel...
ĐIỀU TRỊ
- Tiêm huyết thanh kháng nọc (nếu có - mà thường thì khó có ngay).
- Cho nạn nhân uống rượu hội* và viên hội. Rượu hội thì cứ 10-30 phút uống một chung. Viên hội thì viên đầu cho nạn nhân nhai ra xác đắp vào vết cắn và ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 viên, liên tiếp trong 3 ngày.
Vì rượu hội là một bài thuốc rất hiệu nghiệm, chữa được hầu hết các loại nọc rắn, các bạn nên chuẩn bị sẵn trước khi đi thám hiểm hay vào những nơi hoang dã.
Các vị thuốc tự nhiên theo kiểu, vớ được gì dùng nấy:
Đắp thuốc tại chỗ:
Dùng các cây cỏ có tanin như: Ổi, Sim, Mua, Lựu, Sung, Trà (chè)
Làm ấm cơ thể:
Bằng các loại cây như: Quế, Gừng, Tía tô, Tỏi, Đại hồi, Đinh Hương, É Tía, Lá Lột, Kinh Giới, Trà Đậm.
Chống co thắt phế quản:
Dùng các cây như; Cà độc dược, Bối mẫu, Bán hạ, Nam Mộc Hương.
Chống đau nhức:
Đắp lại tại chỗ những vị thuốc tươi có chất nhầy như; Bông Bụp; Muồng trâu, Mồng tơi, Bồ ngót, Rau Lang, Nhớt họng gà...
Chống viêm nhiễm về sau:
Lá Móng tay, Phèn đen, Vú bò, Xuyên tâm liên, Cam thảo nam, cỏ Lưỡi rắn, Mần trầu, Nghệ, Vòi voi, Sài đất, Đọt sậy.
Khai thông đường dẫn thoát (gan, mật, ruột)
Hà thủ ô, Muồng trâu, Đại hoàng, Nghề răm, rau Má, rau Sam, cỏ Tranh, Dứa dại, Bìm bìm, Rau Đắng
THÍCH HUYỆT*:
Trường hợp rắn độc cắn vào bàn tay. Làm cho bàn tay và bàn chân sưng phù, càng to... Hãy dùng kim lớn (kim tam lăng hay kim tiêm lớn bằng thép không rỉ) thích cho dịch độc tiết nhanh ra ngoài, tránh gây hoại tử.
- Bàn tay sưng phù thì thích vào huyệt Bát tà (bên tay sưng).
- Bàn chân sưng phù thì thích vào huyệt Bát Phong (bên sưng).
Vị trí huyệt Bát tà: Ở các khe ngón tay trên chỗ thịt trắng đỏ giao nhau, mỗi tay có 4 huyệt.
Vị trí huyệt Bát Phong: Ở các khe ngón chân bờ trên chỗ thịt trắng đỏ giao nhau, mỗi chân có 4 huyệt.
Phương pháp thích: Sát trùng kim thích và vùng huyệt. Bàn tay hay bàn chân bên sưng để xuôi. Tay phải cầm kim thích nhanh vào các huyệt định châm, mũi kim hướng lên mu bàn tay hay bàn chân. Tùy theo sưng to hay nhỏ để quyết định thích sâu hay cạn (từ 5-15 mm). Làm cho dịch độc (có thể lẫn cả máu) chảy xuống là được. Sau khi thích xong, dùng tay nhẹ nhàng ép cho dịch chảy xuống. Nếu sau đó, dịch độc tăng làm sưng trở lại thì tiếp tục thích như trên. Một ngày có thể thích 2-3 lần. Sau 1-2 ngày sẽ bớt sưng.
Khi thích huyệt, đồng thời nên cho uống các bài thuốc giải nọc.
CÁC MÔN THUỐC NGOẠI KHOA
- Nếu giết được con rắn, sau khi đã thực hiện các biện pháp cấp cứu, mổ ruột con rắn lấy gan và mật đắp lên vết cắn, sẽ nhanh chóng giảm đau
- Bắt 7-9 con rệp nuốt sống với nước sôi để nguội, sau 10 phút sẽ giảm đau nhức. Những người đi rừng thường bắt rệp bỏ vào chai nhỏ mang sẵn theo trong mình, nếu bị rắn cắn thì lấy ra uống đồng thời bóp nát vài con rệp bôi vào vết cắn để cấp cứu.
- Dùng dịch âm đạo của phụ nữ bôi lên (Có thể các bạn sẽ cười nhạo hai cách trên đây, nhưng tác giả đã thấy tận mắt trên 3 người được cứu bằng những phương pháp này).
- Tìm một trong những cây sau đây, nhai hay giả với muối, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết cắn: Bồ cu vẽ, Bảy lá một hoa, Chua ngút, rễ và lá Đu đủ, Răm nghề, Cát đằng, ban nhật, Ớt...
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là:
ĐỀ PHÒNG RẮN CẮN
Thông thường thì rắn không chủ động tấn công người, trừ trường hợp phải tự vệ. Rắn hay ẩn núp trong các lùm cây, bụi cỏ, đống lá ủ, trên các cành cây, ven bờ nước... Khi di chuyển trong các khu vực nghi ngờ có rắn, các bạn nên:
- Cẩn thận xem chỗ mà mình sắp đặt chân xuống
- Dùng cành cây khua khắng vào bụi rặm trước khi thọc tay chân vào để lấy vật gì hay hái trái cây.
- Mang giày ống hoặc mặc quần áo rộng, dài, dày...
- Cẩn thận trước khi mang giày hay mặc quần áo, vì rắn có thể ẩn núp trong đó.
- Tìm hiểu các tập tính và biết các phân biệt các loại rắn, nhất là rắn độc.
- Biết các sơ cứu và điều trị khi bị rắn cắn.
* Rượu hội: gồm ngũ linh chi 24g, xuyên bối mẫu 24g, sinh nam tinh 24g, bạch chỉ 24g, xuyên sơn giáp 24g, quế chi 24g, bạch thược 24g, bạch đậu khấu 24g, hà thủ ô đỏ 40g, phèn xanh 24g, hùng hoàng 40g, rượu 400 1500ml. Tán thô các vị thuốc. Ngâm với rượu trong 10 ngày, mỗi ngày lắc kỹ 2 - 3 lần. Chiết lấy nước rượu trong để dùng.
Hoặc các vị thuốc trên cho vào sắc kỹ 2 lần, ép lấy nước, bỏ bã. Nước thuốc cô lại còn 300ml, lọc cho thêm rượu 500 để có 1,5 lít rượu. Chữa rắn cắn. Ngày uống 30 - 60ml rượu hội (khoảng 1 - 2 chén nhỏ hay 2 - 4 thìa canh). Sau 10 - 30 phút uống thêm 1 thìa canh. Có thể uống 150 - 200ml trong 1 ngày. Ngoài việc uống rượu còn dùng gạc tẩm rượu hội đắp lên chỗ rắn cắn.
* Thuốc hội: rệp 200 con, phèn chua 20g, hùng hoàng 20g, hạt cau khô 10 hạt, củ chuối hột tươi 200g, lá trầu không tươi 10 lá, cỏ mực 200g, dây cứt quạ tươi 200g, rượu trắng 2 lít. Cho các dược liệu trên giã nát, ngâm trong rượu trắng, thỉnh thoảng quấy, đảo. Sau 7 ngày, chiết lấy rượu, để lắng dùng dần. Người lớn: 1 thìa cà phê, trẻ em bằng nửa; cứ nửa giờ uống 1 lần. Có thể chế thành viên, mỗi viên 0,5g, mỗi lần uống 2 viên, ngày uống 6 - 8 lần.
* Đặt garrot là cách xử lý từ xưa nay, tuy nhiên theo Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì:
- Không nên đặt garô vì sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.
Vậy nếu đặt garô thì cần nới ra cách khoảng 10 phút hay ít hơn
- Không nên trích, rạch, crâm, chọc, hút nọc độc tại vùng vết cắn vì có thể gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm).
- Không nên chườm đá hay chườm lạnh.
Tóm lại, khi bị rắn cắn nếu đã nhận diện là do rắn độc, cần khẩn trương sơ cứu và tìm cách nhanh nhất chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc trung tâm chống độc.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phuot.vn, SK & ĐS, Giadinh.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét