Liêng Rơm – thuộc xã Quảng Khê, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) gần 30 cây số - là một trong những thác nước đẹp, quanh năm tung bọt reo vang giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Ngoài vẻ đẹp, thác Liêng Rơm còn ẩn chứa cả câu chuyện mang tính huyền thoại mà ai đến đây cũng đều muốn khám phá.
Thác Liêng Rơm còn được người Kinh đặt tên là thác "Rậm". Có lẽ cái tên thác xuất phát từ việc muốn vào thác phải băng qua rừng rậm. Để đến thác, chúng tôi phải nhờ một người dân địa phương dẫn đường.
< UBND Xã Quảng Khê.
Buổi trưa tháng 3 đầy nắng, chúng tôi băng qua những rẫy cà phê bạt ngàn rồi những trảng cỏ cháy khô. Đi chưa được bao lâu đã đụng những đoạn đường đầy ổ gà ổ voi.
Sau mấy tiếng đồng hồ đánh vật với con đường, chúng tôi tập kết bên cánh rừng già rậm rạp. Đâu đấy nghe văng vẳng tiếng thác đổ, nhưng phải tiếp tục luồn rừng trên hai con dốc đứng dưới tán cây bằng lăng và tre nứa tranh tối tranh sáng, mới đặt chân tới thác. Con đường đến thác quanh co, luồn rừng và nhiều ngã rẽ, đi vào nếu không làm dấu thì khó quay trở lại đúng đường.
Theo lối mòn xuống thác phải băng qua những vạt rừng cây cao, những vách đá dựng đứng chằng chịt rễ cây cổ thụ như những con trăn trườn mình bò ngổn ngang. Thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang, trông rất ngoạn mục.
Và bất ngờ dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ xuất hiện đổ ầm ầm xuống từ độ cao trên 50 mét. Đứng từ đây nhìn về hạ nguồn có thể thấy cả một vùng hẻm núi mênh mông xa tít, ghềnh đá nhấp nhô, những vực sâu gấp khúc đang ẩn hiện trong bụi nước như sương khói.
Dưới chân thác, ẩn hiện trong bụi nước là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Khung cảnh hoang dã, đẹp như trong truyện cổ tích. Thác được tạo thành bởi một phiến đá to, cao cả chục mét chặn ngang suối. Phiến đá như mọc ra từ sườn núi, nhô ra xa tạo một hàm ếch rộng lớn. Từ trên đỉnh phiến đá, nước đổ xuống ào ào. Người dân địa phương cho biết, vào mùa mưa, nước đổ đẹp, chẳng thua gì thác Prenn ở Đà Lạt.
Băng rừng, mồ hôi ai nấy nhễ nhại. Đến thác, có cảm giác mát lạnh khiến người ta sảng khoái. Xung quanh thác, cây cối xanh tốt. Mùa này nước không nhiều nên có thể tiếp cận được dưới chân thác, nước chỉ khoảng nửa gối. Nước từ đỉnh thác đổ xuống như một dải lụa. Đứng trong hàm ếch ngó ra, có cảm giác như đứng dưới hiên nhà ngắm mưa.
Người dân địa phương rất thích đến thác Liêng Rơm vào mùa khô để mò hến suối. Dưới đáy nước là cát pha ít sỏi nhuyễn và đất mùn từ lá cây khô, môi trường sống lý tưởng và nguồn thức ăn để hến sinh sôi, nẩy nở. Hôm chúng tôi đến, có nhiều thanh niên mang thức ăn đến đây pic-nic.
Trò chuyện với những người đến chơi thác, chúng tôi biết được câu chuyện truyền miệng của người Mạ: thác Liêng Rơm là dòng nước thiêng do một con cọp trấn giữ. Ngày xưa, ai được cọp cho một viên đá trắng như ngọc thì mới được phép mang nước về. Chỉ vào một cái hang ở phía bên phải con thác, một người nói: "Đó là cái hang của cọp ở.
Từ lâu rồi, người ta không còn thấy cọp nữa. Chắc có lẽ do già yếu và đã chết!". Nhờ vậy, dân làng mới được tự do lấy nước ở con thác này. Mang câu chuyện ra hỏi những người Mạ lớn tuổi trong Bon (tương đương bản, ấp), họ đều khẳng định đó là câu chuyện có thật. Nhưng từ lâu đời, người già trong Bon cũng chỉ biết đến do cha mẹ kể lại.
Câu chuyện nhuốm màu hoang đường nhưng thật thú vị. Có thể nói nhờ truyền thuyết đó người ta chẳng dám phá hoại thiên nhiên nơi đây và cũng không xâm phạm đến thác. Bây giờ, dù không còn cọp giữ nước thác nữa nhưng con thác vẫn còn nguyên vẹn. Những dịp lễ, người ta kéo nhau đến thác ăn uống, tắm thác rồi dọn dẹp sạch sẽ trước khi ra về.
Đến Đắk Nông, từ Liêng Rơm, du khách có thể đi nhiều thác khác trong tỉnh, khám phá những cung đường đèo dốc giữa rừng hay đến những thủy điện Đồng Nai 3-4-5 để khám phá vẻ đẹp của hồ trên núi cao. Cùng với hệ thống thác nước, Đắk Nông còn có nhiều hồ nước tự nhiên hoang sơ nằm giữa núi rừng kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên như Nam Nung, Tà Đùng tạo thành những tuyến du lịch sinh thái liên hoàn đầy hấp dẫn. Ví như hồ nước Ea Snô có diện tích hơn 80ha, là một thắng cảnh thiên nhiên kì thú gắn liền với những truyền thuyết dân gian và tập tục của cư dân trong vùng.
Du khách có thể đi thuyền thưởng lãm hình ảnh những ngọn đồi xanh nhấp nhô bốn phía, hoặc xuôi xuống thác Đrây Sáp, hay ngược dòng lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh, buôn Bu Nơr quê hương của tù trưởng Nơ Trang Lơng. Hai vị tù trưởng này đã lãnh đạo đồng bào M’nông vùng lên khởi nghĩa, chống giặc Pháp, bảo vệ núi rừng Tây Nguyên. Thiên nhiên vùng này đủ để khách trải qua kỳ nghỉ thú vị 3-4 ngày.
Du lịch, GO! - Theo NGUYỄN ĐỨC (Cần Thơ Online), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét