Làng nghề Noọng Dẻ, Nghệ An

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nằm cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 10 km, về phía Đông và cách Thị trấn Mường Xén chừng 10 km về phía Tây. Nép mình bên Quốc lộ 7A và nằm lưng chừng giữa đại ngàn Trường Sơn, Noọng Dẻ để lại ấn tượng cho những ai từng có dịp qua đây bởi những nếp nhà sàn thấp thoáng sườn non, và sắc màu thổ cẩm...

Bản là nơi quy tụ của 113 gia đình dân tộc Thái. Bao đời nay, người dân Noọng Dẻ sống dựa vào núi rừng, chủ yếu bằng nghề phát nương làm rẫy. Chị em phụ nữ còn có thêm nghề dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Thái.

Nghề dệt thổ cẩm có lúc tưởng chừng như đứng trước nguy cơ mai một bởi sự xâm chiếm thị phần của các sản phẩm dệt công nghiệp, nhưng người dân Noọng Dẻ quyết tâm giữ lấy nghề tổ tiên để lại, lớp trước truyền nghề cho lớp sau, không ai nỡ vứt bỏ khung cửi khỏi hiên nhà. Mấy năm gần đây, một số mặt hàng dệt thổ cẩm có xu hướng trở lại khẳng định vị trí của mình, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ miền núi, vùng cao.

Nhờ đó, sản phẩm của chị em phụ nữ Noọng Dẻ có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu của mình. Chị em lập thành Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và bầu chị Lương Thị Văn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản làm Chủ nhiệm. Tính đến nay, cả bản đã có khoảng 100 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đem về một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Năm 2011 vừa qua, người dân Noọng Dẻ hết sức vui mừng và phấn khởi khi được đón nhận danh hiệu Làng nghề Dệt thổ cẩm.

Sản phẩm dệt thổ cẩm (váy, áo, khăn piêu, túi, ví, thắt lưng) của chị em phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu... Tay nghề của các chị ngày càng được nâng cao, có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để thuê chị em dệt. Nhưng điều còn băn khoăn đối với nghề dệt thổ cẩm ở Noọng Dẻ là thị trường tiêu thụ còn khá hạn hẹp, mới chỉ dừng lại trong địa bàn huyện Kỳ Sơn và một vài huyện lân cận, một số ít bán cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, tuy đã được công nhận làng nghề nhưng bản Noọng Dẻ vẫn chưa có xưởng sản xuất tập trung và trưng bày sản phẩm. Trong khi đó, bản lại cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn không xa, lại nằm cạnh tuyến đường chiến lược về giao lưu kinh tế và phát triển du lịch, dịch vụ; không ít khách du lịch qua đây muốn dừng lại để chọn mua một số sản phẩm làm quà lưu niệm và dành tặng người thân, bạn bè nhưng không có gian hàng trưng bày nên đành phải đi qua.

Chị Lương Thị Văn, Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Noọng Dẻ chia sẻ: "Nếu được các ban ngành cấp trên hỗ trợ mở xưởng dệt và trưng bày sản phẩm ở ngay tại bản và gần Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thì việc tiêu thụ sẽ được dễ dàng hơn, đầu ra ngày càng ổn định và chị em sẽ sống được với nghề. Từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".

Du lịch, GO! - Theo Dulichvn, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc