Những “đàn gia súc” của Hoàng Vần Thùng đang vần vũ di chuyển biến thành đá, là những đống đá lớn hiện nay còn lại ở xã Xuân Minh.
Đúng như Vần Kim Hưởng nói, anh có thể là người Làng Giang (Thông Nguyên, Hoàng Su Phì, Hà Giang) đầu tiên đặt chân lên Thăm Kỳ trong hàng chục năm nay. Các hang núi khác cách Thăm Kỳ vài trăm mét thì bà con rất hay leo vào khám phá, nhưng Thăm Kỳ là nơi được đặc biệt kính cẩn.
Theo truyền thuyết và tâm thức của người Tày mà già làng Nguyễn Văn Minh ghi chép lại, chủ nhân của kho vàng trên núi đá Thăm Kỳ là ngài Hoàng Vần Thùng (Hoàng Văn Đồng), “vua” của người Tày.
Không ai nhớ rõ vị thủ lĩnh này sinh sống trong thời nào, chỉ biết rằng rất xa xưa, tương truyền Hoàng Vần Thùng sinh ra đã có tài lạ, sức khỏe hơn người, có chí làm vua nên quyết đi tìm, cùng thủ lĩnh Nhạc Thái Nhĩ thi thố tài năng.
Ông cưỡi voi lớn đi trước, dùng phép lạ đem rất nhiều trâu bò dê ngựa theo sau. Dọc đường, dừng chân nghỉ thì thấy có một người đàn bà có chửa đi tới, ông bèn hỏi: “Có thấy đàn trâu đàn dê của tôi đi sau không, đến đâu rồi?”. Người đàn bà chửa đáp: “Ố, không thấy đâu. Nhưng đá lớn thì nhiều lắm, đang lăn đuổi theo phía sau kìa”. Lập tức, những “đàn gia súc” của Hoàng Vần Thùng đang vần vũ di chuyển biến thành đá, là những đống đá lớn hiện nay còn lại ở xã Xuân Minh (Hoàng Su Phì).
Ông Hoàng Vần Thùng đi thi thố, thiếu quân, bị lừa mà thua cuộc. Ông bị truy sát đến tận Làng Giang bây giờ, phải vào hang Thăm Kỳ ẩn náu. Sau này ông chết, tất cả những thứ còn lại của ông đều bị hóa đá như voi đá, thuyền đá, thùng đá, kho thóc đá… nằm rải rác ở Hoàng Su Phì.
< Vần Kim Hưởng không dám lại gần tượng voi thiêng.
Xác của vua Hoàng Vần Thùng bị mang đi qua bên kia biên giới. Nhưng hễ dừng chân thì quan tài liền bị mối đất vây quanh; treo lên cây thì nửa đêm cột mối cũng dựng cao lên cả mét.
Đến đất Mã Quan, người ta đành phải treo quan tài lên thật cao. Điều kỳ lạ nữa, hễ nghe thấy tiếng Tày thì trong quan tài lại phát ra những tiếng rên rỉ tang thương như hờn oán.
Về sau, người Tày cho rằng những người đang có chửa xung khắc với vua Hoàng Vần Thùng, nên người tham gia nghi lễ thờ cúng ông đều không được liên quan gì tới người có chửa. Không chỉ thường dân, ngay cả thầy cúng chủ lễ có người thân của phụ nữ có chửa cũng bị loại khỏi buổi cúng.
Liên quan đến vua Hoàng Vần Thùng, ngoại trừ hang vàng huyền bí, còn có con voi đá được người Tày địa phương cực kỳ sùng kính. Đó là con voi vàng của vua Hoàng Vần Thùng cưỡi, khi ông mất thì biến thành một khối thạch anh hình voi khổng lồ màu trắng vàng hiện nằm trên đất Làng Giang.
< Chiếc thuyền hóa đá trên suối Làng Giang.
Dẫn tôi đến thăm voi đá, Vần Kim Hưởng chỉ dám đứng xa thầm thì nói khẽ, mà không dám lại gần. Định ghi hình anh ta bên voi đá, nhưng Vần Kim Hưởng lắc đầu tránh xa ra ngoài.
Vẫn bằng chất giọng nhỏ nhẹ, trầm trầm, già làng Nguyễn Văn Minh kể cho khách nghe câu chuyện mà người dân Làng Giang nào cũng biết: “Tượng voi đá trước kia nằm trong khuôn viên um tùm cây cối, râm mát. Trước mặt voi là một hồ nước rộng lớn, trong xanh thấy đáy.
Một ngày, có cặp vợ chồng trẻ ở bản bên đi qua Làng Giang. Thấy rừng cây xanh mát, bèn ngồi lại nghỉ ngơi, ra hồ nước rửa tay chân. Rồi họ cùng ào xuống hồ tắm táp nô đùa. Sau đó, họ trèo cả lên mình voi, rồi tựa vào vòi voi mà làm cái việc các cặp vợ chồng trẻ hay làm khi cao hứng.
< Tượng voi đá bị đất cát vùi lấp nhưng vẫn được người dân Làng Giang kính ngưỡng.
Trở về nhà, cả hai lăn ra ốm. Đến hỏi thầy cúng. Thầy cúng bảo, do làm những việc báng bổ voi thiêng, nên bị thần trừng phạt. Thương vợ, cơn giận bừng bừng nổi lên, người chồng vùng chạy đến voi thần nặng lời phỉ báng, rồi vác chày vác đá đánh voi, đập gãy vòi voi.
Theo già làng Nguyễn Văn Minh, tượng voi đá vốn to lớn sừng sững, cao chừng 4-5m, có đầy đủ đầu, vòi, tai hệt như voi thật. Khoảng năm 1959, ở Làng Giang có trận sạt lở đất lớn, vùi lấp phần lớn tượng voi, nên hiện nay chỉ cao chừng vài mươi phân như vậy. Chiếc vòi voi bị gẫy bây giờ vẫn nằm nguyên vẹn dưới đất, ngay trước đầu voi. Còn gia tộc của người trai đó đến nay không còn một ai thờ tự. Người ta tin đó là hậu quả của việc báng bổ voi thiêng của thần giữ của núi Thăm Kỳ.
Không tin lắm vào câu chuyện đậm màu sắc hoang đường ấy, chúng tôi tìm đến ông Hoàng Ngọc Lâm, 85 tuổi, người Tày, nguyên Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì để tìm hiểu thêm. Bà ngoại của ông Lâm vốn là người Tày ở Thông Nguyên, nên từ bé ông đã sống ở vùng này, thông hiểu rất nhiều phong tục, sự tích.
“Từ ngày còn nhỏ xíu, tôi đã được người già khuyên răn phải kính cẩn với những ngọn núi quanh vùng, vì ít nhiều chúng đều gắn bó với ngài Hoàng Vần Thùng. Thăm Kỳ cùng một ngọn núi khác ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được coi là hang vàng của thần.
Nhưng về gia tộc bị tuyệt diệt vì xâm hại tượng voi đá, tôi đã đi tìm hiểu quanh vùng, hỏi người Mông, Dao, Tả Pan… nhưng không ai biết được trường hợp cụ thể nào cả. Dường như chỉ là đồn đại”. Theo hồi ức của người già uy tín ở vùng đất Hoàng Su Phì này, trước kia, ông từng biết về một thầy cúng tên là Vương Pú Ương, cả đời thờ phụng hương khói cho con voi này. Ông Pú Ương dáng người mập lùn, sống khép kín trong ngôi nhà dựng bên tảng đá hình voi.
Nhưng ông cũng chan hòa với dân bản, có lần còn ham vui trong đám cưới tới mức say rượu lăn cả xuống suối. Khi ông Pú Ương mất đi, ở tuổi 80, không còn ai coi sóc, nên voi mới bị xâm hại. Rất có thể khi chiếc hồ rộng bị đất núi lở ra bồi lấp thành bãi bằng, bà con hay tụ tập đánh cù đánh quay, vô tình làm gãy vòi voi chứ không phải như trong câu chuyện về cặp vợ chồng táo gan nọ.
< Ông Hoàng Ngọc Lâm tin rằng kho vàng Thăm Kỳ chỉ có trong tâm thức.
Ông Lâm cũng từng tìm hỏi về con cái của Pú Ương, nhưng trải qua nhiều biến thiên, gia tộc của ông Ương không còn người nữa. Chỉ có người con gái út của ông Pú Ương là già Đơi, lấy chồng bên xã Nậm Lìn, cũng đã mất năm 2000, ở tuổi 90.
Từng đi khắp các thôn bản của huyện Hoàng Su Phì, tiếp xúc với nhiều đồng bào dân tộc ở Hà Giang và các vùng đất khác, ông Hoàng Ngọc Lâm cho rằng, Hoàng Vần Thùng không chỉ là vua của người Tày, mà cả người Clao, La Chí, Nùng… đều coi ông là vị vua huyền thoại. Mỗi dân tộc đều có những truyền thuyết khác nhau về thân thế và sự nghiệp của nhà vua. Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, người Tày ở Hoàng Su Phì coi hóa thân của Hoàng Vần Thùng ở ba ngọn núi thiêng, là Khau Phia (“Sừng đá”, ở xã Tuyên Nguyên), Khau Cùn (“Sừng dại dột”, xã Xuân Minh) và Khau Chang (“Sừng giữa”, ở Cổng trời Nậm Ty). Cả ba đều là những thần núi bảo hộ cho người Tày, đến nay vẫn được người dân tôn kính.
< Núi lớn Thăm Kỳ.
Điều đó cũng có nghĩa, một con người huyền thoại, do trời đất sinh ra, được phong thần hóa thánh, thì những sự tích hay di sản còn lại của ông cũng ít nhiều liên quan tới tín ngưỡng, tâm linh. Trở lại câu chuyện “hang vàng thần thánh”, trừ trường hợp được khai quật toàn bộ hàng ngàn tấn đá vỡ dưới chân Thăm Kỳ, có thể tạm coi là kho vàng trong sự ngưỡng vọng, trong tâm thức của người tày địa phương mà thôi.
Du lịch, GO! - Theo VTC, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét