Không còn là ô tô hay những chiếc xe mô tô phân khối lớn, giờ đây xe đạp mới là niềm đam mê mới của giới trẻ. Tiết kiệm, có thể dễ dàng di chuyển trong dòng người chật chội trên phố và đồng thời là điều kiện để có thể rèn luyện sức khỏe. Những lý do hết sức hợp lý ấy khiến cho lượng người đam mê xe đạp ngày một tăng lên.
Từ dân phượt ... tới dân công sở
Chỉ cách đây chưa lâu, nếu nhắc đến xe đạp người ta sẽ hình dung chủ nhân của chúng là những học sinh, sinh viên, các bà các chị nội trợ hay cao cấp hơn là phong trào của những người thích xe đạp biểu diễn kiểu xe đạp “ruồi”, xe X-Games... Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác, chiếc xe đạp đã thực sự phổ biến hơn và đối tượng sử dụng cũng hết sức đa dạng.
Tại Hà Nội đã có tới hơn 10 CLB xe lớn nhỏ thường xuyên gắn kết, duy trì sở thích đi xe đạp: CLB xe đạp thể thao Thăng Long, CLB Cựu chiến binh Hà Nội, CLB xe đạp Hà Nội xưa và nay, Tour de Five, N.H.O.E (Đội xe đạp địa hình chuyên nghiệp), Hội xe đạp Mountain Bike Hà Nội…
Còn trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, những người yêu thích xe đạp đã thành lập ra hàng chục các hội nhóm như: Hội những người thích đạp xe lượn phố, Hội những người thích đi chơi bằng xe đạp, Hội Ilove Bike… với rất nhiều những khẩu hiệu mà họ ưa thích kiểu như: Đi xe đạp không sợ tốn xăng, ê mông nhưng mà thích… Ngoài ra những người muốn tìm hiểu về sở thích đi xe đạp còn có thể tham khảo, cập nhật thông tin ở rất nhiều những trang chuyên về xe đạp như: xedap.vn, xedap.org, xedapdep.com.vn…
Nói về niềm đam mê xe đạp, đầu tiên phải kể đến những người thích đi phượt bằng xe đạp. Những người có cùng sở thích này đã xây dựng ra một website với tên gọi rất ngộ là: eMong.org (được dịch là “ê mông”) với mục đích tạo sân chơi cho các bạn yêu xe đạp và du lịch. Tiêu chí của website này là xe đạp - du lịch - sức khỏe - vui vẻ. Những ai yêu thích xe đạp, thích du lịch bằng xe đạp, thích đi xe đạp để tăng cường sức khỏe và có xe đạp đều có thể tham gia. Trong khi dân phượt xe máy thường chú trọng tới cự ly, khoảng cách, địa điểm thì dân phượt xe đạp lại chủ yếu chọn các cung đường nông thôn để có được những trải nghiệm mới.
Một thành viên trên diễn đàn này đã chia sẻ: Mỗi lần muốn thay đổi không khí ngột ngạt là mình lại vác ba lô đi phượt. Vừa đi ngắm cảnh, và “Pose” hình thật thích. Khi vác ba lô về lại cảm thấy tiếc nuối, nhớ nhung và lại mong chờ cho những chuyến đi kế tiếp. Qua những ngả đường, những mảnh đất, chiếc xe cũng nhuốm bụi và hòa vào với lòng người... Một điểm đam mê với những người yêu thích phượt bằng xe đạp là họ có thể thảnh thơi ngắm cảnh vật hai bên đường, đồng thời sự đơn giản của xe đạp giúp cho họ có thể dễ dàng sửa chữa khi gặp phải trục trặc. Sự ra đời của website này đã thu hút được rất nhiều thành viên tham gia và là nơi để những người này chia sẻ kinh nghiệm, niềm yêu thích được rong ruổi trên những cung đường dọc mọi miền Tổ quốc bằng chiếc xe đạp yêu quý của mình.
Nếu như dân phượt chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển là điều không khó hiểu, thì hình ảnh của những thanh niên trong bộ vest lịch lãm hay lịch sự vơi áo sơ mi quần tây cưỡi trên những chiếc xe đạp luồn lách trên phố đông người đã gây ra sự tò mò và thích thú cho không ít người. Hùng nhân viên của một công ty kiểm toán nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Làm việc trong môi trường có nhiều đồng nghiệp là người nước ngoài, ban đầu tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy họ đi làm bằng xe đạp. Dần dần qua tiếp xúc và nói chuyện tôi mới biết, đây là thói quen di chuyển của họ từ khi còn ở trong nước. Hùng đã tìm hiểu và sắm cho mình một chiếc xe đạp và sử dụng nó cùng với ô tô của mình.
Ban đầu chỉ là 1,2 buổi/tuần, nhưng giờ đây anh đã coi xe đạp như là một phương tiện chính để đi làm. Hùng tâm sự, sau hơn 2 năm di chuyển trên chiếc xe đạp, anh rất mừng khi có thêm một số bạn bè đồng nghiệp cũng đã cùng tham gia hội “ê mông” này với anh. Cũng giống như Hùng, Thắng nhân viên của một ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng đã chọn xe đạp làm phương tiện đi lại. Mặc dù mức lương có thể “nuôi” được ô tô, nhưng Thắng vẫn chọn xe đạp vì theo anh nó tiết kiệm và quan trọng nhất là giúp cho cơ thể được khỏe mạnh, tránh được những tác động của việc thường xuyên phải ngồi bàn giấy, bên máy tính cùng nhiều áp lực công việc khác.
Chọn xe tùy sở thích
Theo những người có kinh nghiệm, chất lượng của một chiếc xe đạp phụ thuộc chủ yếu vào chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe chất lượng cao thường rất nhẹ và chắn chắn với khung sườn là thép, nhôm hoặc carbon. Xe có khung sườn làm từ carbon toàn bộ trọng lượng xe chỉ khoảng 7kg. Có vô số dòng, loại, nhánh xe đạp tùy theo nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, 2 loại xe đạp đang được dân chơi yêu thích và khá phổ biến hiện nay là MTB (Moutain bike) và Fixed Gear. MTB - xe đạp leo núi hay còn được gọi là xe địa hình thể thao được chia làm 3 dòng cơ bản: Hardtail (đuôi cứng), All Mountain (xe đạp leo núi) và Freeride-DH (Xe đạp đổ đèo). Ở Việt Nam hai dòng xe là Hardtail và All Mountain được nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Loại xe còn lại ít xuất hiện hơn bởi nó rất khó điều khiển và giá thành lại cao. Những người thích chơi MTB thường chọn những loại xe nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, EU… như Bull, Foscus (Đức), Scott, Trek (Mỹ), Giant, Vicnie (Đài Loan).
Đối với Fixed Gear. Yếu tố khiến Fixed Gear trở nên khác biệt là nó… không có phanh. Xe có cấu tạo cực kỳ đơn giản, chỉ gồm có khung, yên, ghi đông, cặp bánh xe, bàn đạp, xích, moay ơ và vài bộ phận nhỏ khác. Fixed Gear có phần bánh răng của bánh sau cố định hay còn gọi là líp chết, vì vậy khi đạp tiến hay đạp lùi, bánh sau cũng chuyển động y như bàn đạp. Chính đặc tính này đã tạo nên sự hấp dẫn cho Fixed Gear, muốn phanh chỉ cần đạp ngược bàn đạp so với hướng chuyển động của chiếc xe. Fixed Gear được đánh giá là chiếc xe thể hiện cá tính của chủ nhân theo cách mà họ muốn, chính vì vậy nó luôn có màu sắc nổi bật, thậm chí là lòe loẹt trên đường phố, không có chiếc xe nào giống xe nào.
Cùng với xe đạp, là những phụ kiện đi kèm mà người chơi có thể lựa chọn như: đồng hồ công tơ mét, găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo… Để chiếc xe của mình trông hầm hố hơn hoặc có thể tạo ra chiếc xe theo ý tưởng của mình, những người yêu thích xe đạp có tìm phụ kiện riêng rẽ và tự lắp đặt như: khung xe, vành, xăm và lốp Michelin, các linh kiện bằng carbon… Nếu không quá sinh ngoại, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm đến với các sản phẩm xe đạp trong nước hiện cũng có khá nhiều kiểu dáng và mẫu mã hiện đại.
Bùng nổ các cửa hàng bán và cho thuê xe đạp
Không khó để tìm mua được một chiếc xe đạp theo sở thích. Nếu không quá cầu kỳ về chất lượng, kiểu dáng, người chơi xe có thể tìm đến các cửa hàng xe đạp ở các phố chuyên bán xe như: Bà Triệu, Thái Thịnh, Hồng Hà… Những cửa hàng này thường bày bán những chiếc xe MTB hay Fixed Gear được nhập khẩu từ Đài Loan hoặc Italia với giá thành từ khoảng 6-7 triệu. Cũng có không ít những người đam mê xe đạp đã chuyển sang mở cách shop kinh doanh và đây chính là nơi mà người mê xe có thể tìm thấy những chiếc xe độc và lạ với giá thành từ 7 triệu cho đến trên 30 triệu đồng, thậm chí có chiếc xe độc có thể lên tới con số trăm triệu đồng.
Có thể kể đến sản phẩm kết hợp của chiếc xe đua cá nhân Cervelo P4 của hãng xe đạp nổi tiếng thế giới Cervle với thương hiệu hàng cao cấp Chrome Hearts. Chiếc xe có phiên bản giới hạn với gia tiền lên đến mức 6.000 USD, tương đương khoảng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không dư dả về khả năng tài chính có thể chọn những mẫu xe được sản xuất trong nước của các thương hiệu quen thuộc như: Thống Nhất với kiểu dáng, tính năng hoạt động đa dạng kèm theo giá thành hợp lý chỉ khoảng từ 2 triệu đồng trở lên.
Đáp ứng nhu cầu yêu thích xe đạp hiện nay, không chỉ có các cửa hàng bán mà còn có rất nhiều dịch vụ cho thuê xe đạp đã mọc lên. Dễ nhận thấy nhất là ở khu vực xung quanh hồ Tây. Dịch vụ này thường rất hút khách vào những ngày cuối tuần.
Nếu không muốn phải tậu một chiếc xe đạp, chỉ cần bỏ ra từ 80.000 đến 100.000 đồng/ngày (với những chiếc xe đắt tiền thì khoảng 180 đến 200 nghìn/ngày) là bạn đã có thể có một chiếc xe đạp ưng ý cho hành trình đi chơi hoặc du lịch của mình. Khi thuê xe đạp, người thuê sẽ được tặng kèm 1 chai nước uống, được cho mượn mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp cùng với các phụ kiện như khóa dây, đèn hậu khi đi buổi tối…
Du lịch, GO! - Theo Thu Huệ (ANTĐ), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét