Thơm bùi bánh đa Kế - Bắc Giang

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Nói đến Bắc Giang là nhắc tới những đồi vải ngút ngàn Lục Ngạn, những trái cam sành căng mọng Bố Hạ, rượu làng Vân lâng lâng lòng người… Và, thật thiếu sót cho những ai đã từng đặt chân qua đây mà không thử hương vị giòn tan trên đầu lưỡi, bùi bùi thơm ngọt trong miệng của chiếc bánh đa Kế.

Có rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam làm bánh đa nhưng bánh đa Kế luôn mang trong mình hương vị riêng. Bánh đa Kế có nhiều loại như bánh ngọt, mặn, rán… nhưng loại bánh được nhiều người yêu thích nhất là bánh nướng.

Để làm ra chiếc bánh, người dân trong làng Kế thức dậy lúc 3 giờ sáng, từ khâu chuẩn bị gạo đến công đoạn nướng đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu chủ yếu là gạo tẻ nhưng phải là gạo Q hoặc gạo di truyền (do năng suất thấp nên những năm gần đây người trong vùng không gieo trồng nữa). Gạo làm bánh phải là gạo đã để lâu cho hết nhựa, đem ngâm với nước tới khi hạt gạo căng mọng, no nước mới được. Trong quá trình ngâm phải cho thêm khoai lang thái nhỏ để tạo màu và cơm nguội để bánh nở, xốp…

Gạo được mang đi xay sao cho thật mịn không có chút gợn nào, sau đó là công đoạn tráng bánh làm sao cho bánh được tròn, đều, lúc lấy ra không bị rách. Bánh được tráng làm hai lần và cho thêm vừng để có vị béo, lạc có vị bùi. bánh tráng được phơi trên phên tre hoặc nứa khi đã đủ nắng đến mức độ nhất định của một mặt bánh thì cần phải trở bánh để đảm bảo đồng đều hai mặt. Sau đó, bánh được nướng, đây cũng là công đoạn cuối cùng để đến với người tiêu dùng. Bánh được nướng trên than hoa (than củi) nhiệt trong bếp phải giữ đều.

Đối với bánh đa Kế, một chiếc bánh đạt tiêu chuẩn bao gồm: bánh phải chín đều, mép bánh không được quá lửa và phải có độ cong. Vẫn là nguyên liệu công thức này, các làng bên cũng đã thử làm nhưng bánh đa Kế lại có sự khác biệt về hương vị, phải chăng đó là do sự khéo léo tài tình của người làng Kế.

Công việc tráng bánh thường được gói gọn đến 3 giờ chiều, thu nhập bình quân mỗi người 100 ngàn đồng/ngày. Đối với những ngày mưa mọi người phải đem bánh đi sấy, nếu trời mưa trong nhiều ngày thì công việc làm bánh chỉ có 10 ngày. Do thu nhập không ổn định, nhiều gia đình đã bỏ nghề hoặc kiếm thêm nghề phụ trong những lúc nông nhàn.

Chị Nguyễn Thị Đỗ xã Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang cho biết: Đã có lần định bỏ nghề đi chợ buôn bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng về sau do không quen và không nỡ từ bỏ cái nghiệp của ông cha nên chị lại quay về với nghề làm bánh đa. Tuy vất vả một chút nhưng chị cảm thấy thoải mái, thấy nghề làm bánh thân thiết hơn. Những năm gần đây, gia đình chị và nhiều hộ trong làng đã cùng nhau trồng thêm đào, tầm xuân, hoa… để phục vụ những ngày rằm và đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Làng Kế ẩn mình sau những lũy tre già, nép mình bên dòng sông Thương hiền hòa, vẫn còn đây cây đa, mái đình, bến nước… Nhờ sự đoàn kết và phát huy truyền thống làng nghề, trong cuộc thi bình chọn sản phẩm tiêu biểu, do Sở Công thương tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2012 tại Bắc Ninh cùng với 26 tỉnh phía Bắc và 6 tỉnh phía Nam, bánh đa Kế đã được bình chọn và vinh danh nhận cúp.

Xã Dĩnh Kế có 11 thôn nhưng nghề làm bánh đa tập trung chủ yếu ở 5 thôn, nhiều nhất là thôn sau, kế đó thôn chợ, thôn phố, thôn chùa và thôn tiêu với 58 hộ.

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phunuonline), ảnh internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc