Tìm về “cánh đồng bất tận”

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Long An xưa nay gần như chỉ được coi là nơi “quá cảnh” cho du khách thập phương đến ngao du miền Tây nam bộ.

May mắn thay, từ khi bộ phim Cánh đồng bất tận được công chiếu, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười ở Long An trở thành một địa điểm tham quan nghỉ dưỡng nổi tiếng. Bởi trung tâm này là nơi quay bộ phim trên.

Và nhờ đó, ngày càng nhiều phượt thủ rủ nhau tìm về trung tâm nghiên cứu này để khám phá cánh đồng bất tận.

< Rất nhiều người chọn những quán nước võng như thế này làm nơi dừng chân nghỉ ngơi trên đường đi miền Tây. Nước dừa tươi cứ như một thứ nước thần kỳ có thể xua đi mọi mệt mỏi.

Từ TP.HCM, tôi bắt đầu hành trình tìm về "cánh đồng bất tận". Đi theo tỉnh lộ 10, qua khỏi Cầu Xáng (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) là đến địa phận tỉnh Long An.

Chạy xe dưới cái nắng chói chang dọc đường khói bụi, tôi đành phải ghé vào một quán "võng" ven đường để nghỉ chân dù lòng háo hức được sớm gặp cánh đồng trong mơ ấy.

Sau ít phút tiếp sức bằng nước dừa ngọt lành, tôi tiếp tục men theo tỉnh lộ 10, đến ngã ba Hòa Khánh (trước đây được gọi là ngã 4 Đức Hòa - một di tích lịch sử cấp quốc gia), rồi qua cầu Đức Hòa, đến đường N2. Trên đoạn đường này, tôi đã được dịp chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp đồng quê của vùng đất Long An hiền hòa.

< Cảnh quê hữu tình dọc hành trình tìm về cánh đồng bất tận.

Để đến “cánh đồng bất tận”, bạn cứ chạy dọc đến gần cuối đường N2 sẽ thấy một ngã 3 đi vào xã Bình Phong Thạnh (cuối đường N2 là quốc lộ 62, ngã 3 này cách quốc lộ 62 khoảng 12km). Bạn rẽ vào con đường này, chạy khoảng 12-15km thì hỏi đường đến “khu dược liệu ông Ba Bé” ( là “tên thường gọi” của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười) thì ai cũng biết và sẵn sàng chỉ đường cho bạn.

< Lần đầu tiên đi phà ở miền Tây như thế này, cảm giác vừa thú vị lại vừa… hồi hộp.

Dù đi bằng đường nào, bạn cũng sẽ đến một cây cầu nhỏ tên là Trục Dầu Tràm. Đến đây, bạn gửi xe ở nhà một cô chú gần cầu rồi đi tắc ráng vào “khu dược liệu ông Ba Bé”. Hôm ấy, người “đưa tắc ráng” cho tôi là một bé gái chừng 14, 15 tuổi, rất thông minh, tháo vát lại xinh xắn và nhiệt tình. Sau khi thuyết minh về “khu dược liệu”, em còn đề nghị làm hướng dẫn viên miễn phí cho tôi, dẫn tôi tham quan khu vực gần đó.

< Cô bé (đội nón lá) đang hướng dẫn khách lên tắc ráng. Tắc ráng (hay vỏ lãi) là phương tiện di chuyển trên sông phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Sau 15 phút lênh đênh sông nước, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười đã hiện ra trước mắt. Ngồi trên tắc ráng, bạn sẽ thấy bên trái là một trường tiểu học khang trang do bác Ba Bé (giám đốc trung tâm) góp tiền xây dựng, còn bên phải là Ngũ Giác Đài - nơi thờ hai vị tổ sư nam dược là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời là nơi nghiên cứu của ông Ba Bé.

Đến nơi, tuy không hẹn trước nhưng tôi vẫn được chị Mai – là phụ trách của Trung tâm, trợ lý đắc lực của bác Ba Bé - tiếp đãi rất nhiệt tình.

Tôi được chị mời một ly nước lá vối – loại lá được hái từ cây vối trồng tại Trung tâm, giúp chống mệt mỏi. Sau đó, chị căn dặn nhà bếp làm cơm trưa cho tôi. Trò chuyện với chị trong lúc đợi cơm, tôi được biết Trung tâm chủ yếu chỉ trồng, nghiên cứu dược liệu và phục vụ điều trị nghỉ dưỡng, họ không chủ trương làm du lịch sinh thái nên rất hạn chế đón khách du lịch. Chị dặn tôi nếu lần sau có đến, nên liên lạc trước với chị hoặc bác Ba để họ sắp xếp, ví như hôm tôi đến thì bác Ba Bé đang bận tiếp một đoàn khách khác.

Ngoài ra, khi liên lạc trước với chị, bạn cũng có thể biết được thời điểm bạn đến có phải là thời gian thích hợp để tham quan hay không. Bạn muốn chiêm ngưỡng cánh đồng bàng xanh ngắt (chính là “cánh đồng bất tận” trong phim), bạn muốn ngắm sen súng nở rực, bạn muốn nhìn hàng hàng lớp lớp các loài chim và cò bay về trú đông làm tổ, tất cả đều phải chọn đúng mùa mới thưởng lãm được những hình ảnh đẹp nhất.

Rất tiếc là tôi không liên hệ trước và cũng đến không đúng thời điểm nên đã không được thấy những cảnh đẹp lung linh mà tôi đã từng xuýt xoa khi xem phim. Mặc dù vậy, cảnh vật nơi đây vào thời điểm không rực rỡ nhất cũng đủ tuyệt vời để tôi thỏa lòng mong chờ.

Tôi chào tạm biệt bác Ba Bé và chị Mai sau khi thưởng thức một bữa cơm rất “miền Tây” mà tất cả mọi nguyên vật liệu của bữa ăn đều được nuôi trồng tại Trung tâm, mỗi loại rau lá hầu như đều có vị thuốc, mỗi loại cá tôm đều tươi ngon.

Trở về thành phố, tôi vẫn không quên cảm giác nhẹ nhàng thả hồn nơi miền sông nước, vẫn không quên những người con miền tây nam bộ thiệt thà mến khách. Và tôi chợt nhận ra rằng, Long An  không chỉ có gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thơm Bến Lức hay đậu phộng Đức Hòa, mà nơi này còn làm rung lên những cảm xúc xuyến xao kỳ lạ, đáng để ta trải nghiệm và yêu thương…

Đôi nét về Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười - hay còn gọi là cánh đồng bất tận.

- Cách TP.HCM 110 km, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

- Có diện tích 1.041 hecta, trong đó có 800 hecta rừng tràm nguyên sinh, là khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam.

- Ngoài tràm, Trung tâm cũng sưu tầm, nuôi trồng hàng trăm loài cây cỏ khác nhau để nghiên cứu chiết xuất các loại tinh dầu mang dược tính cao. Khi đến đây, bạn nên mua về một ít tinh dầu dùng thử.

- Giám đốc trung tâm là dược sĩ Nguyễn Văn Bé, còn gọi là “ông Ba Bé” hay “ông Ba đất phèn”. Năm 1982, ông nghỉ làm cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Y Dược, để vợ con ở lại TP.HCM để xuống nơi đồng không mông quạnh này, biến hàng ngàn hecta đồng hoang trở thành kho dược liệu khổng lồ mà giới chuyên môn trong nước và thế giới đều đánh giá rất cao.

- Trung tâm là một trong bảy nhà cung cấp hương liệu của hãng dầu gió xanh nổi tiếng Eagle.

- Nơi đây là trường quay bộ phim “Cánh đồng bất tận”, đồng thời cũng là địa điểm xây dựng phim trường của bộ phim nổi tiếng “Cánh Đồng Hoang” năm 1979.

Du lịch, GO! - Theo Phượt ký của Phạm Như Quỳnh (iHay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc