Là chợ, siêu thị hay chỉ một góc chợ nhưng ở đó người nước ngoài có thể tìm thấy một góc quê hương của họ nơi đất khách. Còn người Việt, không phải đi đâu xa vẫn có thể làm quen với phong vị xứ người ngay tại Sài Gòn.
Ăn đặc sản xứ người
Chợ Lê Hồng Phong lâu nay được biết đến với một cái tên khác là “chợ Campuchia”, nằm trong con hẻm nhỏ nhưng buôn bán khá sầm uất. Không gian chợ giống như một ngôi chợ miền quê, hàng hoá cũng giống như bao ngôi chợ bình dân khác. Điểm nhấn của chợ là các món ăn tạo nên tên gọi khác cho chợ. Muốn ăn bún bochóc, người ta sẽ chỉ ngay đến quán bà Tư Xê, nằm ngay mặt tiền chợ.
< Chợ Lê Hồng Phong lâu nay được biết đến với một cái tên khác là “chợ Campuchia”.
Chị bán hàng ở quán này cho biết: “Muốn ăn bún bochóc phải đến sớm, chín giờ sáng là bán hết”. Quán này ngày chay nghỉ bán. Bún bochóc có hương vị mắm bòhóc, thơm sả, ăn với cá lóc, rau súng, dưa chuột, giá…; giống bún mắm miền Tây nhưng hơi là lạ. Không chỉ có bún, quán bà Tư Xê còn bán các loại khô cá Biển Hồ, lạp xưởng, mắm bòhóc và nhiều gia vị đặc trưng của người Campuchia.
Những con khô cá tra Biển Hồ treo lủng lẳng, mỡ rỉ thành giọt trông thật ngon hay miếng khô rắn mỏng tang, vàng ươm thật hấp dẫn. Nếu muốn biết tên hết các mặt hàng bày trên sạp chắc phải mất cả buổi. Chợ có bán nhiều loại chè nhưng chè Thái gây tò mò nhất, “chè Thái này của tui mới là chè “xịn”, các loại chè Thái khác đều không chính gốc”, bà chủ quán chè khẳng định. Trừ cái vị nước cốt dừa béo, thơm sầu riêng, ăn lạnh thì chè “xịn” này hoàn toàn khác hẳn chè Thái thường thấy. Nguyên liệu chính có một viên lòng đỏ trứng muối vàng ươm, vị mằn mặn, rồi trứng tráng mỏng xắt sợi, kem sữa trứng hấp trong trái bí rợ. Ngoài ra, chợ còn bán các loại giày, dép đính đá lấp lánh, quần áo, trang sức… theo lối phục sức của người Khmer.
Thích món Hàn chính gốc, bạn có thể ghé chợ Phạm Văn Hai. Bên cạnh dãy cửa hàng quần áo, giày dép, ngay góc đường Tân Sơn Hoà, người thích ẩm thực xứ Hàn có thể mua các loại thực phẩm, gia vị Hàn Quốc. Tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các loại mì, nước xốt, giấm,... và không thể thiếu món kim chi. Để khám phá hết không gian Hàn Quốc, các cửa hàng như Onsan bán thực phẩm Hàn Quốc, cửa hàng Good morning Seoul bán kim chi, gia vị và thực phẩm dinh dưỡng tươi sống. Green garden bán gia vị, đồ khô, càphê, kem số một xứ Hàn. Có cả quán “giò heo hầm thuốc bắc” của xứ kim chi. Hay vào du lịch Đại Nhật để tham gia tour du lịch kết hợp chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc…
Từ Đông sang Tây
Điểm mua sắm hàng Tàu được giới người Hoa và du khách Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong chọn lại là chợ An Đông. Không biết có liên quan cụ thể nào giữa các đám cưới chồng Đài Loan hay không mà ngay tại mặt tiền chợ này có ba quầy bán trầu cau Đài Loan. Có lẽ mặt hàng này khó bảo quản nên quầy chỉ ghi số điện thoại của người bán. Khu vực lầu một, tầng trệt của chợ bán các loại vải, trang sức, mỹ phẩm và tầng hầm là nơi tập trung đồ khô, chạp phô, bách hoá.
Đồ khô đủ các thứ từ bào ngư, vi cá, yến sào, hải sâm, gân nai, bong bóng cá,... cho đến bánh, mứt, khô, nấm các loại. Trong chợ có các loại trà cao cấp như Ô Long, Thiết Quan Âm, hoa hồng,…
Nếu thích trà chính gốc Đài Loan, bạn có thể băng sang đường, ghé vào tiệm Hải Triều để mua. Tại trung tâm ăn uống của chợ, ở tầng hầm, có nhiều món phục vụ gu ẩm thực xứ Đài. Thậm chí, một kênh truyền hình chuyên ẩm thực của Đài Loan từng đến chợ này để quảng bá cho món chè ba màu.
Chợ Sài thành, còn có chợ Nga. Theo giải thích của một tiểu thương, cái tên chợ Nga do khu này thường bán hàng xuất khẩu đi Nga.
Chưa có chợ Nhật, nhưng thích đồ Nhật, có thể tới siêu thị mới mở Akuruhi bán đủ loại thực phẩm khá lạ của Nhật như bột cá, rượu Shochu, cá Ayu, củ cải muối chua, mì Zauo Soba, cá bào, dưa leo chua,… Bạn có thể tận mắt xem đầu bếp chế biến sushi và thưởng thức khoảng 20 món sushi tại đây.
Du lịch, GO! - Theo Minh Cúc (SGTT), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét