Không có vẻ đẹp huyền bí, lộng lẫy được tạo bởi những khối thạch nhũ như các hang động có nguồn gốc đá vôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, những hang dơi tại khu vực rừng giá tỵ nằm dọc quốc lộ 20 (thuộc địa bàn 2 huyện Định Quán và Tân Phú - Đồng Nai) còn giữ được nhiều nét nguyên sơ.
< Chỗ rộng nhất của hang dơi.
Nhóm hang động này đang được nhiều người biết đến khi nắm giữ một kỷ lục mới về hang động có nguồn gốc dung nham tại khu vực Đông Nam Á.
Từ những thông tin do Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin (Đức) cung cấp, chúng tôi đã tìm đến các hang dơi tại khu vực này để cùng trải nghiệm và tìm hiểu những nét hoang sơ, mang nhiều màu sắc huyền bí tại đây.
Bí ẩn hang Dơi
Ông Đỗ Hữu Đức, Trưởng trạm giống nông nghiệp La Ngà (thuộc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Nam bộ), cho biết, nằm sâu bên trong lòng đất, ngay dưới khu rừng giá tỵ chạy dọc theo hai bên quốc lộ 20 có 7 hang dơi.
< Miệng hang rộng đủ để nhiều người chui qua cùng lúc.
Ẩn khuất trong nương rẫy của nhiều hộ nông dân thuộc các xã: Phú Lợi, Phú Tân (huyện Định Quán) còn có thêm 4 hang dơi nữa. Những hang động này đều có điểm chung là hầu như chỉ có dơi sinh sống. Có lẽ vì thế mà khi phát hiện, người dân nơi đây gọi chúng là những hang dơi.
Dẫn chúng tôi vào thám hiểm hang dơi nằm trên phần diện tích đất canh tác của một gia đình thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán), ông Nguyễn Văn Trạng (ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán), cho biết: “Tôi đã từng hướng dẫn cho nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khảo sát các hang dơi ở khu vực này từ năm 2005. Tuy nhiên, tôi cũng không dám mạo hiểm tìm hiểu hết những hang động nơi đây bởi mỗi hang còn đang ẩn chứa nhiều điều huyền bí.
< Sơ đồ miêu tả ngăn hang Dơi 1 (vòng cung bên trên - cave 1) và hang Dơi 2 (cave 2). Hình tròn ở giữa là đoạn đứt gãy mà nếu tính cả đoạn này, hang Dơi 1 là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á.
Càng đi vào sâu bên trong mức độ hiểm nguy, cộng với môi trường sống khắc nghiệt (thiếu khí oxy, thiếu ánh sáng, chênh lệch nhiệt độ với môi trường bên ngoài…) càng lớn. Do đó, nếu không có những thiết bị hỗ trợ cần thiết, thì rất dễ làm chùn chân, thậm chí gây nguy hiểm cho bất cứ ai muốn khám phá các hang động nơi đây”.
Để chuyến đi vào hang dơi được an toàn, ông Trạng phải chuẩn bị một loại đèn soi đội đầu và một cây đèn măng-sông lớn. 3 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu tiến vào hang dơi nằm trên phần đất của ông Trạng. Miệng hang ở đây rộng hơn 3 m, 2 - 3 người có thể chui vào cùng lúc. Mới vào bên trong, mùi hôi đặc trưng của phân dơi ngay lập tức xộc vào mũi.
Bên trong hang, nhiều đoạn rộng gần chục mét, cao hơn 4m, nhưng cũng có đoạn lối đi hẹp, thỉnh thoảng lại có những ụ đất, đá chắn ngang khiến cả đoàn phải khom người, rồi bò mới qua được. Trên suốt quãng đường dài hơn 300 m (tính từ miệng hang), đâu đâu cũng thấy những con dơi treo mình trên trần hang. Bị ánh đèn soi chói mắt, chúng đồng loạt vỗ cánh bay loạn xạ.
Theo tài liệu báo cáo khảo sát vừa thực hiện tại các hang động này của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, các nhà khoa học còn tìm thấy sự sống phong phú với nhiều chủng loại động vật khác, như: các loài động vật thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, nhiều loài ếch nhái, động vật có vú, cùng những rễ cây to của rừng giá tỵ ăn sâu xuống đây.
Ở km 123 và km 122 Quốc lộ 20, đi về phía bên trái, vào khoảng 150 m (tính theo hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt), chúng tôi đã có chuyến thám hiểm tại 3 trong tổng số 7 hang dơi nằm bên trong khu rừng giá tỵ (thuộc huyện Định Quán). Tại những hang này, bên cạnh những miệng hang lớn còn có những hang rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người có thể trạng trung bình chui lọt qua.
“Tất cả những hang dơi nằm ở bên trong khu rừng giá tỵ và các hang dơi khác nằm trên phần đất của các hộ dân trong khu vực có đặc điểm giống nhau, là đều được hình thành từ những dòng chảy dung nham núi lửa hoạt động từ thời xa xưa với vô số những con dơi trú ẩn bên trong. Trong đó, có nhiều hang đã được phát hiện là ăn thông với nhau” - ông Trương Bá Vương, thành viên đoàn khảo sát (Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), cho biết.
Cần được bảo tồn
Hệ thống hang động tại Đồng Nai không nhiều. Tuy nhiên, theo tài liệu của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, chỉ tại địa bàn thuộc 2 huyện Định Quán và Tân Phú, đoàn đã tiến hành khảo sát tổng cộng được 11 ống/hang dung nham với tổng chiều dài 1,8km.
“Trong số này, hang động dài nhất được tìm thấy là hang dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra 2 hang: hang dơi 1 và hang dơi 2 (tại km 122). Trong đó, hang dơi 1 có chiều dài là 426 m, nơi được ghi nhận là rộng nhất của hang này có chiều cao lên tới 4 m và chiều rộng 10 m” - ông Vương cho biết thêm.
< Scutigère: Loài Thereuopoda longicornis (Fabricius 1793)
Đây quả là một sự ưu ái của thiên nhiên đối với khu vực 2 huyện miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển và bảo tồn những món quà thiên nhiên ban tặng và còn mang nhiều nét nguyên sơ, mới lạ này rất cần các nhà khoa học, các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu làm rõ và có hướng bảo vệ thích hợp. Bởi hiện nay, theo phản ánh của nhiều hộ dân, hàng ngày vào lúc chập choạng tối, khu vực này có nhiều đoàn người xách theo đèn pin, lưới mắt cáo tìm đến các cửa hang để bắt dơi.
Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết, trước kia thịt dơi chỉ dùng để chế biến thức ăn của người dân trong những ngày nông nhàn. Nhưng hiện nay, những món ăn chế biến từ thịt dơi đã trở thành đặc sản. Chính vì bị đánh bắt thường xuyên nên nhiều đàn dơi đã chọn cách chuyển đến các hang động tại những địa phương khác để sinh sống. Điều này đã làm cho một số hang trong vùng không còn cảnh sinh sống đông đúc của dơi như trước.
< Amblypyge: Loài Phrynichus orientalis - Weygoldt,1998
Ông Trương Bá Vương (Nghiên cứu viên, Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), thành viên đoàn khảo sát:
Với kết quả tìm được thì hang động dơi tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán sẽ trở thành hang dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á tính cho đến thời điểm hiện nay (dài hơn ống dung nham Gua Lawah có chiều dài 400 m của Indonesia). Phát hiện này dự kiến sẽ được Hội Hang động Berlin xuất bản thành một báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh, bao gồm: phần bản đồ và phần mô tả về các hang động. Dự kiến sẽ được xuất bản trên ấn phẩm Speleological Berlin Speleoclub của hội.
Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch):
< Loài Dơi, có thể loài cf. Hipposideros pomona
Đã từng dẫn nhiều đoàn học sinh, sinh viên của nhiều trường đại học trong khu vực Đông Nam bộ đến tìm hiểu và nghiên cứu tại hang dơi ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, tôi nhận thấy những địa điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm hang động. Đây là hoạt động sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể biến mong muốn đó thành hiện thực thì đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu khoa học cần thực hiện nhiều đợt khảo sát để đánh giá mức độ an toàn, tác động của du lịch đối với môi trường sinh thái.
Du lịch, GO! - Theo Văn Truyên (Đồng Nai Online), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét