(Tiếp và hết) Về gần tới nhà trọ, chúng tôi gặp nhóm du khách người Pháp cùng ở nhà nghỉ Narin đang lạc đường. Họ nhận ra Ulf liền chạy tới hỏi đường về. Ulf nói không biết và chỉ tay vào tôi. Tôi lấy bản đồ ra và chỉ đường và rủ họ cùng đi bộ. Nhóm này gọi xe tuk tuk, rủ tôi và Ulf lên xe. Ulf từ chối. Năm phút sau, chúng tôi bước vào sảnh nhà nghỉ thì thấy mấy người Pháp đang ở đó, chẳng hiểu sao, người nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Tôi lôi mấy thứ mua ở chợ Nga ra khoe. Ulf luôn miệng khen buổi đi chợ này thú vị khiến mấy tay phục vụ ở nhà nghỉ xúm lại “hớt” chuyện. Một nhóc khen tôi đẹp, dễ thương rồi hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi bảo hắn đoán thử. Thằng nhỏ bảo tôi khoảng 17 tuổi. Tôi lắc đầu...
Hắn tăng lên 19. Tôi lại lắc đầu. Hắn nghi ngờ: “Miss à, tăng lên hay là giảm xuống?”. Tôi bảo tăng lên, thế là hắn làm như... đếm số, cứ 20, 22, 24, 25 rồi 30 làm mọi người cười ngất. Tôi bảo giảm xuống chút và gật đầu khi hắn nói 28.
Hắn ngạc nhiên nói, "Sao nhìn cô trẻ quá?!". Trong mắt hắn thì tôi khoảng 17, 18 tuổi thôi; rồi hắn hỏi tôi thấy hắn thế nào, có yêu hắn không? Ulf ngồi đó xen vào: “Nhóc thấy cô gái này dễ thương không?”. Hắn bẽn lẽn: “Rất đẹp”. Ulf trêu: “Vậy thì làm bạn trai cô ấy đi, cô ấy chưa có bạn trai”. Thằng nhóc mặt sáng rỡ: “Miss, cô nghĩ thế nào?”. Tôi nhún vai: “Tôi có bạn trai ở Việt Nam rồi. Tôi thấy em rất đẹp trai, rồi em sẽ gặp được cô gái em thích thôi, chứ tôi già rồi”.
Chủ nhà nghỉ Narin
Bà chủ nhà nghỉ thấy rộn ràng cũng chạy tới "tám" với Ulf; bà là người cởi mở và thú vị. Ulf đưa bọc hạt sen tặng bà ta (anh chàng này "láo" thật, hạt sen tôi mua về ăn mà). Bà chủ nhà vừa đi, ông chủ nhà lại chạy đến, hình như cái nhà trọ này hội tụ những người rất thích "tám" thì phải. Ông chủ nhà kể rằng trước đây ông là giảng viên trường sĩ quan quân đội Campuchia, đã về hưu với quân hàm đại tá.
Ông khoe mình đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới; quan điểm của ông là cực ghét những người kiếm tiền rồi cất, không dám ăn xài, không biết đi du lịch, đến chết vẫn không biết thế giới là gì! - “They keep their money in pocket until death and they still don’t know how the world in” (trích nguyên văn). Rồi ông lan man khoe thằng con trai bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ bên Pháp (nói tới đây ông chạy vô phòng lấy cái laptop mới cáu đem khoe hình con trai và con dâu). Thằng con trai ông đen thui xấu mù, nhưng con dâu ông quả là rất đẹp. Tôi thấy có một tấm hình nhìn ông còn rất trẻ, hỏi ông chụp hồi nào, ông bảo cách đây 20 năm, trong hình thấy có chiếc xe hơi, chưa kịp hỏi thì ông đã khoe ông có xe hơi cách đây 20 năm rồi, là một trong số ít những người có xe thời đó. Ông nói tiếng Anh lưu loát, nhiệt tình và là một ông già... lắm chuyện!
Thấy mệt, tôi chào mọi người, về phòng nghỉ ngơi. Ulf nói, tối nay cuối tuần anh ta sẽ đi ăn nhậu ở bar. Vậy là tối hôm đó tôi không mượn điện thoại để gọi được vì Ulf đi chơi về khuya.
Ông Tây tin dị đoan
Sáng hôm sau, Ulf ngồi sẵn ở sảnh nhà nghỉ chờ tôi ra và rủ đi ăn sáng ở chợ Olympic. Vô quán cháo gà, ăn tô cháo nóng hổi mà Ulf cứ khen ngon miết, lại còn khen rẻ nữa. Anh ta nói, khi nào tôi về hắn sẽ ra đây ăn một mình để nhớ đến tôi. Ăn xong đi dạo vòng vòng chợ. Tôi nghĩ bụng nhất định hôm nay phải mua cho được món quà về cho người yêu. Mua đồ cho nam giới khó, vì đa số trong chợ toàn đồ cho nữ. Có cái USB hình trái tim rất đẹp, nhưng giá tới 20 đô la, mắc quá! Cái này bên Việt Nam khoảng 200.000 đồng là cùng.
Đi hoài vẫn chưa mua được gì, chợt thấy có gian hàng bán áo cặp rất đẹp. Tôi rất thích một cặp áo màu đen, có hình trái tim dễ thương, nghĩ bụng sẽ mua về tặng anh một cái, cái kia tôi sẽ dùng. Mới hỏi giá thử giá bán thì Ulf ở đâu xộc xộc bước tới bảo: “Đừng mua cái này, không được đâu”. Chưa hiểu vì sao Ulf nói vậy, tôi nghĩ: “Sao lại không được? Thích thì mua chứ”; nhưng tôi chưa kịp trả giá đã bị Ulf nắm tay lôi đi. Vừa đi, Ulf vừa giải thích gì đó, nhưng tôi không thèm để ý mà chỉ nghĩ đến cặp áo đen và tìm cách nào lừa anh ta buông tay ra là tôi chạy ngược lại gian hàng đó ngay.
Ra tới cổng chợ, Ulf vừa buông tay là tôi chạy vào trở lại chỗ gian hàng hồi nãy, nhưng anh ta cũng chạy theo và kéo tôi quay ra lại. Lúc này, ngạc nhiên về thái độ khác thường của Ulf - bình thường, anh ta rất lịch sự và luôn chiều theo ý tôi - nên tôi mới để ý nghe: “Miss à, tôi thấy cô là một người nhạy cảm và tinh tế mà sao có thể làm một việc bất cẩn và ngớ ngẩn như vậy? Sở dĩ tôi nói cô đừng mua cặp áo đó vì phát âm không được hay lắm. Trên áo người nam ghi chữ LO (đọc là lu) còn áo người nữ là VE (đọc là vi)". Ulf phát âm nhấn mạnh chữ LO, nghe hơi giống chữ lose (mất mát), tôi chợt hiểu ra vấn đề, nên bỏ ý định mua cặp áo đó luôn. Hoá ra cái ông Tây còn mê tín, dị đoan hơn cả tôi nữa đấy.
Thấy tôi có vẻ tiếc cặp áo đó, Ulf dẫn tới một gian hàng túi xách ba lô và bảo: “Cô nên mua túi xách hay ba lô tặng cho bạn trai, để sau này hai người cùng du lịch với nhau, chứ một cô gái xinh đẹp đi chơi xa một mình thì nguy hiểm quá”. Tôi hỏi giá cái ba lô thì thấy đắt quá, mà chẳng phải là hàng xịn gì. Tôi nói với Ulf: “Thôi, ba lô thì về Việt Nam mua cũng được. Bên đó nhiều ba lô đẹp và bền, cái này tôi không vừa ý lắm”. Rồi chúng tôi đi bộ về, vì đã quen thuộc đường nên về tới nhà trọ khá nhanh. Vào nhà, tôi mượn điện thoại của Ulf để gọi về gia đình...
Cuộc chia tay bất ngờ
Lúc ấy khoảng 11 giờ, tôi lại mượn điện thoại đặt vé xe về Sài Gòn, chuyến cuối cùng trong ngày lăn bánh lúc 2g30', xong mới báo cho Ulf biết. Anh ta trố mắt kinh ngạc: “Cô đùa à? Cô đã nói sẽ ở đây thêm vài bữa mới về mà. Cô đã đi được mấy chỗ đâu?”. Tôi giải thích: “Đúng là dự định của tôi là vài ngày nữa mới về, nhưng hồi nãy gọi điện về mới biết có việc quan trọng ở nhà, tôi phải về ngay. May chứ không gọi về thì gia đình cũng chẳng làm sao báo tin cho tôi được”. Vậy là tôi chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa tôi phải ra bến xe. Ulf cũng im lặng nhìn ra ngoài hiên ngắm trời ngắm đất, lát sau anh ta gọi bữa ăn trưa cho cả hai.
Ổ bánh mì xào tỏi thơm phức, nhưng tôi chỉ ăn được một chút. Ulf nhìn tôi, vẻ ái ngại. Chợt một ông già từ đâu bước tới nói chuyện với Ulf. Ulf lại chỉ sang tôi và giới thiệu với ông già ấy: "Cô bé này từ Việt Nam đến, làm giáo viên". Tôi cúi đầu chào ông già. Ông cứ thao thao bất tuyệt một hồi và tự giới thiệu ông là nhà báo Mỹ chuyên viết ký sự về châu Á, ông từng có một thời gian dài ở Việt Nam hồi còn chiến tranh. Một lát sau, thêm vợ chồng chủ nhà nghỉ cũng xuất hiện, vậy là hội "tám" đông đảo, náo nhiệt. Tôi bèn kêu mệt, xin phép về phòng nghỉ ngơi để thoát khổi cái "chợ dưa lê" ấy.
< Chú Ulf đeo túi xách tiến tôi ra tận bến xe khách về Việt Nam. Ảnh chụp trước cửa nhà nghỉ Narin - còn gọi là TAT guest house.
Ulf dặn tôi nghỉ một chút, 1 giờ phải ra sảnh để anh ta đưa tôi ra bến xe. Tôi về phòng nhưng không ngủ được, trong lòng bồn chồn, lo lắng. Đồ đạc thì đơn giản, gọn gàng nên tôi chỉ tắm xong là xách ba lô đi. Mới 12g30 tôi đã ra sảnh và thấy Ulf còn ngồi đó. Anh ta hối thúc tôi vào phòng kiểm tra kỹ hành lý rồi làm thủ tục check out. Tôi làm theo lời Ulf như một đứa trẻ vâng lệnh cha.
Ulf hỏi tôi có muốn uống gì không để anh ta mua cho, rồi dặn tôi là sau này đi du lịch, cần nhớ làm thủ tục check out sớm, thà xong việc ngồi chờ xe cũng được chứ đừng rề rà rất dễ trễ giờ. Ulf nói rất nhiều với thái độ ân cần, nhẹ nhàng nhưng tâm trạng tôi lúc đó nôn nao, bất ổn nên không tập trung nghe được. Nhưng có một câu nói làm tôi chú ý: “Tao già rồi, nếu còn trẻ, nhất định hôm nay tao sẽ theo mày về Việt Nam và chiến đấu với thằng nhóc của mày để giành lấy mày đấy. Mày là một cô gái xinh đẹp, cực tốt trong số người tốt mà tao gặp”. Ngập ngừng một chút, Ulf nói tiếp, rành rọt: “Dù gì tao cũng đáng tuổi cha chú của mày, hay mày gọi tao là chú nhé. Uncle Ulf”.
Nghe câu này, tôi như tỉnh người ra. Đúng là chuyện ngôn ngữ giao tiếp khác nhau (cộng thêm tư duy văn hóa giao tiếp có sự chuệch choạc) nên tôi không nghĩ đến điều tế nhị này. Quả thật, về tuổi tác, Ulf hơn tôi đến 18 tuổi, nếu là người Việt với nhau thì tôi đã gọi Ulf bằng chú, xưng cháu khi nói chuyện. Nhưng do ông ấy là người nước ngoài, nói chuyện bằng tiếng Anh - chỉ xưng hô bằng đại từ ngôi thứ nhất (I, Me) và thứ hai (You) nên thậm chí khi nói, trong đầu tôi thường nghĩ theo tiếng Việt là "tao, mày" và "hắn". Kể ra thì cũng là cái dở. Mấy hôm nay, nói chuyện, đi chung với Ulf, tôi chưa thực sự có tâm trạng này mà chỉ nghĩ đó là một "tên bạn" đi bụi, tình cờ gặp thôi. Không ngờ Ulf có suy nghĩ nghiêm túc và nói rất chân thật.
Tôi cười và gọi: “Chú Ulf”. "Ông chú" nghe vậy, khoái chí lắm (trông y như là con nít) dốc nốt ly bia rồi nhìn lên đồng hồ, thấy đã 1 giờ: “Cô nhóc, đi thôi, phải đi sớm để phòng hờ lạc đường trễ xe”.
Mấy người trong nhà nghỉ có vẻ quyến luyến. Thằng cháu chủ nhà còn đưa tôi xuống lầu và đòi chụp hình với tôi trước khi chia tay. Chú Ulf muốn gọi tuk tuk đi cho đỡ nắng, nhưng tôi cản lại: “Không, cháu biết đường tới bến xe, chỉ đi bộ khoảng 20 phút thôi, giờ còn cả tiếng rưỡi nữa xe mới chạy, đi bộ đến đó cũng còn sớm chán”. Ulf lưỡng lự: “Tôi sợ cô nhóc của tôi sẽ mệt”. Tôi nói dứt khoát: “Không sao, đi thôi”. Ulf xách dùm tôi cái ba lô nặng và bịch thức ăn, tôi đi tay không nên vừa đi vừa chạy nhảy. Tới bến xe vẫn còn hơn cả tiếng đồng hồ mới khởi hành.
Có 1 quán phở Việt sát nhà xe, Ulf rủ tôi vào đó ngồi chờ xe. Tôi đã mua một chai nước khoáng ướp lạnh rồi nên không gọi nước. Ulf gọi bia, vừa uống vừa dặn dò, truyền đạt kinh nghiệm đi giang hồ. Ulf nói, nếu tuần sau không phải qua Thái thăm bạn gái thì hôm nay sẽ đi Việt Nam với tôi luôn, rồi chốt một câu: “Tóm lại, một cô bé xinh đẹp như cháu không nên đi du lịch một mình thế này. Mùa đông năm sau, chú sẽ sắp xếp công việc qua Việt Nam thăm cháu”.
Chợt Ulf hỏi tôi: “Muốn uống thêm một lon, tiếng Việt nói sao?”. Tôi nói: “Cho thêm một lon”. Ulf quay lại gọi cô bán hàng (người Việt) tới và nói: “Chỏ thểm mốt lỏn”. Cô gái nghe hoài không hiểu, đến khi tôi phiên dịch thì cô này ngớ ra và bảo: “Nói tiếng Việt thế, ai nghe ra nổi?!”.
< Chú Ulf đưa ngón tay cái lên chào tạm biệt "cô nhóc" Việt Nam.
Ulf lại bảo tôi chọn nước uống; tôi nói, không cần đâu vì tôi có rồi. Nhưng ông ta nói: “Để chú mua cho cháu một ly nước trước khi cháu về”. Thấy ông ấy rất thực lòng, nên chọn một chai Sting. Lúc ấy, 2g10’ dù còn 20 phút, nhưng Ulf bảo đi qua bên nhà xe xem xe đến chưa, kẻo trễ (đúng là người già kỹ tính thật). Qua nhà xe thì xe đến rồi, chú Ulf vác ba lô cho tôi đến tận cửa xe mới chịu.
Tôi lên xe kiếm chỗ ngồi, đứng lên ngó xuống dưới thấy chú Ulf vẫn chưa về và đứng ngoài nắng, vẻ mặt buồn. Tôi lấy máy ra chụp ông tấm ảnh cuối và hét lớn đến nỗi cả xe đều nghe: “Tạm biệt chú Ulf!”. Ông giơ tay đưa ngón cái lên trời, ý nói cô là "number one".
Thấy mãi ông vẫn đứng đó, chưa về, tôi vẫy tay tạm biệt. Vừa lúc xe xuất bến, ngoảnh lại tôi thấy dáng ông lủi thủi bước về một mình, tôi thấy rất xúc động. Mấy ngày nay, tôi đi đâu ông cũng đi theo, giờ nhớ lại, tôi thấy ông như một người cha bảo vệ đứa con gái ham chơi. Sau chuyến đi này, tôi nhận ra rằng trước nay mình vẫn có những định kiến hời hợt và sai lệch về những du khách Tây ba lô nói chung.
Hết
Kỳ 1 - “Gà công nghiệp” xuất biên.
Kỳ 2 - Thử thách đầu tiên.
Kỳ 3 - Đêm đầu tiên ở Phnom Penh.
Kỳ 4 - Lang thang, hết chùa tới chợ.
Kỳ 5 - Cuộc chia tay bất ngờ.
Du lịch, GO! - Theo Vy Vân (Thesaigontimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét