Ít ai biết rằng người Mông ở Sa Pa, Lào Cai lại có một nghề rất độc đáo là đi săn cá trên dòng suối Mường Hoa vào dịp cuối năm và nắng mới đầu xuân. Những cuộc đi săn cá vào dịp này vừa mang ý nghĩa biểu tượng vừa để kiếm miếng ăn.
Vào khoảng 9 h sáng, khi cái nắng đầu xuân ở Sa Pa trải vàng từng bừng, trời xanh bát ngát, từng đám mây vội vã trôi trên nền trời bởi những ngọn gió vi vu thôi. Dòng Mường Hoa mùa cạn nước những vẫn lấp lánh vươn mình giữa thung lũng. Đi theo đám trẻ người Hmông ở thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em nói là đi săn cá với “bộ đồ nghề” chẳng giống ngư dân chút nào.
Mỗi em vác một chiếc xà beng dài khoảng 60cm, một cái đó tre và một cái ống đựng cá làm từ chai nước suối Lavie. Các em đã bật cười khi tôi hỏi, đi đánh cá sao không mang lưới mà lại mang xà beng? Lý A Giơ cho biết, đánh cá ở đây phải có xà beng mới bắt được cá! Chú muốn xem thì đi xuống suối theo chúng cháu.
Những cảnh đánh bắt “độc nhất vô nhị”
Lục tục cả gần chục đứa trẻ độ tuổi từ 10 – 13 tuổi, kéo nhau xuống suối, chúng đi dàn thành hàng ngang trên mặt suối, khua nước đuổi cá.
< Vào ngày cuối năm hoặc đầu năm, nghề săn cá ở Mường Hoa rất tưng bừng.
Thấy động cá chui vào các khe đá, lũ trẻ bắt đầu dùng xà beng bẩy đá và đặt đó chặn xung quanh, cứ 2 -3 đứa quây một tảng đá rồi cùng xục xà beng ra sức bẩy.
Cá bị dồn mạnh lên chạy lao toán loạn ra, có lẽ cá suối thường tìm hang tìm lỗ để ẩn lấp nên chúng cứ nhằm vào miệng đó mà bơi thẳng vào đó. Không đầy 3 phút lũ trẻ quây xong một tảng đá và tóm gọn được 2 chú cá bống.
< Từng nhóm dàn hàng ngang truy tìm cá dọc suối.
Nhóm săn cá lục tục xử lý hết hòn đá này đến hòn đá khác và tiến ngược theo dòng chảy của suối. Với những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt như múa trong dòng suối, các tay thợ săn nhìn thấy con cá nào thì con đó rất khó có thể chạy thoát thân.
Ngược lên theo dòng suối, qua cầu Lao Chải khoảng 500 m, chúng tôi bắt gặp một đoàn khoảng hơn chục người Hmông, độ tuổi từ 13 -20 cũng đang say sưa đánh bắt. Vì khu vực này nước sâu hơn, nên bộ đồ nghề của nhóm này ngoài xà beng và đó tre, họ có thêm cả chài và vợt xúc. Những tấm thân phơi trần trong nắng đang thi nhau mải miết quăng chài và xúc, gặp chỗ nước nông họ lại thục xà beng mà bẩy đá chặn đó.
< Ở những điểm nước sâu thì ngoài xà beng còn cần thêm vợt.
Đi theo đoàn săn cá không đầy 2 tiếng, tôi thấy ai cũng có đến vài lạng chiến lợi phẩm đep lủng lẳng bên hông, nào là cá bống, cá áp đá và cả cá Anh Vũ tiến vua ở vùng Hồ Tây, Hà Nội nữa.
Những tay săn cá ở vùng sơn cước này có kinh nghiệm và con mắt hết sức tinh tường, họ chỉ cần nhìn mầu nước, mầu trời là biết chỗ nào có cá và loại cá gì mà không phải lội xống. Hạng A Di, nói cho chúng tôi biết mầu nước xanh, có tăm sủi lên là dưới đó sẽ có cá chép, cá bống ăn sát đáy suối. Mầu nước trong đáy có rêu thì những khe đá đó có cá áp đá, cá anh vũ. Hôm nào trời nắng sẽ có các loại cá ăn tầng giữa, trời mà âm u lâu ngày, đến hôm nắng cá sẽ bơi ra từ hang đá, khe đá nhiều hơn, đây là cơ hội đi sắn rất tốt.
< Đôi khi chỉ cần thanh trúc, chiếc đèn pin là có thể đâm được cá.
Nói xong, Di và Lý A Sáu chăm chú nhìn vào một khe đá đang có tăm nước sủi lên, và vệt cát mới đùn ra. Ngay lập tức 2 cu cậu nhẩy xuống thục xà beng bẩy đá và chặn đó, trong nháy mắt đã tóm gọn 2 chú cá bống béo lẳn.
Đánh bắt theo “quy ước” của làng
Tôi đem thắc mắc về cái sự đánh bắt độc đáo của những tay săn cá về hỏi ông Lý A Châu, thôn Lý Lao Chải.
Ông Châu cho biết, đi săn cá cũng phải tuân thủ những quy định của làng. Trước kia người dân có cả cách săn cá bằng lá độc (là loại lá cơi, khi thả nước lá cơi xuống suối, tất cả các loại cá đều dính độc nằm ngửa bụng lên), sau này có người kinh mang bình điện đi đánh cá, khiến cho cá chết sạch cả lớn lẫn bé.
< Dòng suối Mường Hoa.
Sau này Nhà nước cấm đánh bắt như thế. Người dân cũng thấy đánh bắt như thế là hết cá, nên khi họp thôn, dân bản đã ra quy định đánh bắt cá phải bảo vệ được nguồn cá nếu không sau này sẽ không còn cá suối mà bắt. Do vậy, người dân chỉ đánh bắt cá bằng những cách mà anh đã nhìn thấy thôi.
Quả đúng như lời ông Châu nói, tôi thấy các tay săn cá kia đã thả những con cá quá bé ra nếu như chúng có rơi vào tay họ. Đây quả thực là những hành vi đánh bắt rất đáng trân trọng. Họ rất có ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bên dòng Mường Hoa lấp lánh kia.
Ông Châu cho biết thêm, về mùa nước lũ, người dân không đi bắt cá, nên lúc đó cá có thời gian đẻ và lớn rất nhanh. Đến mùa nước cạn họ mới đi bắt cá, đặc biệt vào những ngày nắng ấm, cả dòng suối Mường Hoa như một ngày hội của những tay săn cá.
Chiến lợi phẩm trở thành đặc sản cho du khách
Sau khi đánh bắt xong, những tay “thợ săn” lên khỏi suối Mường Hoa đã có khách đến hỏi mua ngay. Cá suối luôn là món đặc sản của phố núi nên rất đắt hàng, giá của nó cũng cao chẳng kém khoảng 100 - 300 nghìn đồng/kg, tuỳ vào từng loại cá to nhỏ khác nhau. Theo anh Ngọc, chủ nhà hàng Liên Ngọc ở Lao Chải, cá này mang về nhà hàng trên Sa Pa, giá thấp nhất cũng vào 300 nghìn đồng/kg, còn cá to có thể lên tới 500 nghìn đồng/kg.
Dòng Mường Hoa lộng lẫy từ ngàn đời, vẫn đem đến cho cư dân bản địa những nguồn lợi phục vụ kế mưu sinh một cách hữu ích. Chỉ tiếc rằng Mường Hoa đang bị cắt sẻo bởi những con người vô lương tâm, để xây dựng nhà hàng, quán xá, công trình thuỷ điện, khai thác cát sỏi… chỉ vì cái tư lợi trong những năm gần đây.
Chia tay những tay thợ săn cá, tôi rất vui vì cái sự may mắn được chứng kiến những cảnh săn cá độc đáo của họ. Cũng thật đáng trân trọng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của những cư dân bản địa này. Nếu đem so sánh với cánh đánh bắt ở dưới xuôi thì lại thấy chạnh lòng cho cái ý thức của người đánh bắt vùng xuôi…
Du lịch, GO! - Theo Sở VH-TT-DL Lào Cai, VTC News
0 nhận xét:
Đăng nhận xét