Rồi tôi cũng đến được vùng đầm lầy nguyên thủy cuối cùng của Nam Bộ, cách TP Hồ Chí Minh cỡ 150 km đường bộ về phía tây bắc để nếm trải những giờ phút ghê rợn trên chiếc thuyền con thèo đảnh lênh đênh giữa bàu nước xanh ngằn ngặt với hàng đàn cá sấu hoang dã, có con dài ba mét nặng hơn tạ.
Hồi nhỏ đọc tiểu thuyết của Nhà văn Đoàn Giỏi, tôi cứ lật đi lật lại Chương 15- Phường săn cá sấu và tự hỏi lấy đâu ra lắm cá sấu thế. Nay nghe anh em kiểm lâm rồi người Mạ bản địa ở xã Tân Phú (huyện Tà Lài, tỉnh Đồng Nai) kể, lại đọc thêm tài liệu của dự án bảo tồn Bàu Sấu, mới mường tượng được cá sấu ở vùng Đất Rừng Phương Nam của Võ Tòng có lẽ từng nhiều như muỗi thật. “Bắt cá sấu như bắt cá lóc rộng trong khạp. Bàu nào cũng có”.
Mới sau năm 1975 đây thôi, màn đêm buông xuống, Bàu Sấu từng được mô tả là hằng hà những đốm sao sa đỏ hồng khi cầm đèn lia trên mặt nước. “Bị chiếu đèn pin, mắt chúng rực lên đỏ au như hai hòn than và im thin thít.
Vì thế, đám thợ săn cá sấu rất nhàn”, Hồ Huy Hạnh - một kiểm lâm thế hệ 8X ở Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu, nói - “Để điểm danh đàn cá sấu đang bên bờ tuyệt chủng, chúng cháu chỉ việc cầm đèn pin soi vào ban đêm”.
Tự thuở khai thiên lập địa, người ta đã săn cá sấu nhờ sức hấp dẫn của những thớ thịt trắng, giòn và thơm như thịt gà ta.
Nhưng chỉ hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, cá sấu tại Bàu Sấu mất sạch sau mấy ngàn đêm mặt nước Bàu Sấu sáng rực ánh đèn thợ săn. Chính xác là năm 1996 các nhà bảo tồn tuyên bố cá sấu ở Bàu Sấu tuyệt chủng. Kèm theo đó là sinh cảnh xung quanh bị tàn phá không thương tiếc.
Chút hoang sơ còn sót lại ở Bàu Sấu giờ trở thành điểm phượt số một. Từ trụ sở Vườn đến Bàu Sấu phải xuyên 15 km rừng. Cung đường này được dân phượt xếp vào hàng thử thách. Ai nấy dặn nhau phải chuẩn bị tinh thần trước khi quăng gạch. Ai ưa luyện gian khổ bằng đi bộ, phải mất bốn tiếng với điều kiện có hướng dẫn viên bản địa đi kèm.
Từ khi 10 km đầu tiên được thảm bê tông đủ cho một ô tô nhỏ đi, có thể rút ngắn thời gian xuyên rừng nhờ đi xe đạp hết tiếng rưỡi. Đoạn năm cây số còn lại, xe đạp được dựng bên gốc cây. Đoàn người lầm lũi bước vào rừng sâu bắt đầu cuộc trekking.
< Kiểm lâm Chiến lái mũi thuyền vượt qua biển bèo, thức ăn khoái khẩu của cá sấu.
Hơn tiếng sau, từ rừng âm u, mở tung trước tầm mắt là một biển nước mênh mông. Không khí từ mặt Bàu Sấu thổi lên mát rượi. Thiên đường đã mất nay lại hồi sinh của cá sấu xiêm (Crocodylus siamensis) đây ư? Hồ Huy Hạnh cùng Hoàng Quốc Huy, dân tộc Tày, di cư từ Cao Bằng, vừa trở về từ chuyến tuần rừng 10 km trên những con đường còn khó hơn đường chúng tôi vừa trải qua.
Ngày nào các anh cũng trekking như thế. Cơm trưa xong, Hạnh và kiểm lâm Nguyễn Văn Chiến chèo thuyền kayak đưa tôi ra giữa Bàu Sấu. Không một tiếng động trong thinh không. Một sự yên ắng đầy bất trắc.
Vừa ra khỏi bờ được mấy tay chèo, Hạnh phát hiện một cá sấu to nằm trên cồn trước mặt. Thuyền lướt nhẹ về hướng đó. Con cá sấu màu xám này có vẻ ngoài trễ nải, lười nhác.
Nom như kỳ đà nhưng thân dài, mõm thuỗn như cái kẹp. Hàm dưới đầy răng dài và nhọn. Một cú phập bằng hai hàm của nó được đánh giá có sức nặng tương đương trọng lượng của nó. Cái đuôi duỗi dài trên trảng cỏ vẫn lộ ra dáng vâm vức với một gờ phía trên.
Thuyền phải vượt qua đám bèo lục bình trước khi cập được bờ cồn. Không kể thức ăn động vật gồm chuột và cá, lục bình cùng cỏ dại là hai loại rau khoái khẩu của cá sấu. Kiểm lâm Hạnh và Chiến ra sức lấy mái chèo gạt bèo. Bèo dày đến mức có thể đứng và nhảy lên được.
< Cầu gỗ ngập trong nước, nếu có anh sấu nào ở gần buồn miệng tợp một cái chắc thôi rồi...
Mái chèo đẩy cả mảng bèo lớn gây nên tiếng động nước. Sấu ta chợt cựa quậy. Dáng uể oải của nó bỗng thoắt biến mất. Cách chỗ nó nằm không xa là một xoáy nước. Tịnh không nghe tiếng tũm nào. Hạnh bảo con sấu này có thể thuộc bầy gồm bảy con. Có một bầy nhiều hơn, tới 25 cá thể.
Thuyền cập bờ cồn. Hai kiểm lâm cắm mái chèo xuống nền bèo dày đặc, giữ chắc hai đầu thuyền. Tôi tót lên mặt đất rặt bèo khô với toàn bộ sức lực. Thứ còn lại trên cồn, chỗ con sấu vừa phơi nắng, là mấy cục sét trắng phau.
Chiến cười, đấy là sản phẩm dị hóa của nó. Với thỏi dài như bánh giò to bằng cố tay người lớn, con này ước cỡ hai mét và nặng khoảng tạ. Hạnh bảo, con to nhất ở Bàu Sấu hiện nặng hơn tạ dài hơn ba mét.
Ráng chiều, chúng tôi trở về trạm. Tôi đứng lên để bao quát hoàng hôn quyến rũ. Chiếc thuyền bé tẻo tèo teo tròng trành. Hai kiểm lâm trẻ vội khua mạnh mái chèo xuống luồng nước xanh thẳm để lấy lại cân bằng. Bỗng tôi nhớ đến con sấu khổng lồ còn sót trong một cái hồ rộng trên phim Lake Placid. Lên đến bờ, thoát khỏi cảm giác ớn lạnh…
Du lịch, GO! - Theo Quốc Dũng (Tiền Phong), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét