Rừng dừa Bảy Mẫu (Quảng Nam)

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

nơi “hội thủy” của 3 con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng, có một rừng dừa nước ngập mặn đang là điểm đến thú vị.

Sắc xanh trong vùng lõm

Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía đông, rừng dừa nước ngập mặn Bảy Mẫu (thuộc địa bàn thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh) được bao bọc bởi sông nước. Nước trải ra giữa mênh mông trời mây. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và là một trong những phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm.

Ông Trần Bừa, cán bộ cách mạng ở thôn 2, kể: “Nhờ địa hình kín đáo mà từ thời kháng Pháp, ta đã tổ chức lực lượng du kích địa phương đánh bại nhiều trận càn của địch”.

Từng bị giặc Pháp “cày trắng” nhưng với sức sống mãnh liệt, những ngọn dừa bị chặt đi lại mọc lên xanh. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa gây cho địch nhiều tổn thất. Sau Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn khó khăn của cách mạng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam trong những đợt “tố cộng, diệt cộng”.

Đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi, rừng dừa Bảy Mẫu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa và hành quân rầm rộ khiến địch hoang mang, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự, bắt gọn một trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh.

Bà Võ Thị Hóa, nguyên cán bộ du kích Cẩm Thanh, nhớ lại: “Sau 1965, dọc theo 2 tuyến của rừng dừa là hệ thống hầm hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào được xây dựng chằng chịt với các bãi chông tre, hầm chông để ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng”. Nhằm tiêu diệt khu căn cứ địa này, Mỹ - ngụy đã tổ chức tấn công nhiều lần, kể cả dùng chất độc hóa học làm trụi lá rừng dừa. Nhưng bất chấp mọi thủ đoạn, căn cứ này vẫn gây ra nhiều tổn thất cho quân địch. Rừng dừa đã thực sự trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của Hội An và là bàn đạp để quân ta xuất kích tiến đánh nội ô Hội An, làm nên những trận thắng lừng lẫy.

Khám phá

Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập nước có thắng cảnh hữu tình. Trước những năm 1980, rừng dừa trải rộng trên các thôn 1, 2, 3, 8 của xã Cẩm Thanh với diện tích lên tới hàng trăm héc ta.

Ngày nay, tuy đã bị thu hẹp chỉ còn 58ha nhưng rừng dừa vẫn là nét đặc trưng hiếm có ở vùng sông nước. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý - bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Thành phố đã đề nghị công nhận khu di tích này và có kế hoạch quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều đặc điểm độc đáo và hiếm có”.

Tại vùng này, trên các cồn gò và các vực nước chung quanh có hệ sinh thái cỏ biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Năm ngoái, UNESCO đã công nhận Hội An - Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn này.

Khai thác du lịch ở vùng sinh thái này phải phù hợp với tiêu chí thân thiện, gần gũi với môi trường. Du khách vừa khám phá hệ sinh thái ngập nước của rừng dừa, bơi thuyền thúng, đạp xe đạp hoặc câu cá trong rừng dừa vừa tham gia thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. “Năm năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tổ chức khai thác tour du lịch khám phá rừng dừa này. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý di tích và khai thác du lịch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp” - bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An khẳng định.

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Nam, Quê Hương online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc