Được vùng vẫy giữa làn nước trong vắt, nằm trượt trên máng nước tự nhiên, ăn uống trên những chòi tranh băng ngang khe suối, khám phá thế giới cây cỏ, chim muông...
Trượt nước trong rừng
Bạn sẽ có một ngày nghỉ sảng khoái khi đến thác Trượt (thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Từ TP Huế, lên xe máy theo quốc lộ 1 về hướng nam, khoảng 45 phút đã đến thị trấn Phú Lộc, tiếp tục rẽ phải đi tiếp 15 phút nữa là đến thác Trượt. Ngọn thác Trượt nằm ngay trong vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã, dưới chân một dãy núi cao gần 1.500m, giữa vùng rừng rậm xanh tươi ngút ngàn.
Một dãy chòi tranh dã chiến vây quanh hồ nước lớn nằm ngay giữa dòng suối là nơi khách nghỉ ngơi dừng chân, dọc khe suối cũng có mấy chòi tranh nằm sát mép nước. Chúng tôi chọn căn chòi có sàn gỗ chỉ cách mặt nước chưa đến hai gang tay để đóng quân rồi hồ hởi cởi bỏ đồ đạc, vùng vẫy bơi lặn trong hồ nước mát lạnh, trong suốt tận đáy.
Gọi là thác Trượt bởi giữa lòng thác có một tảng đá lớn, nơi dòng nước bào mòn thành một máng trượt tự nhiên. Lớp rêu mỏng bám trên đá lâu năm vừa tạo độ trơn cho máng, vừa làm chức năng mátxa cho những cái lưng trần lướt trượt bên trên... Từ trên cao, từng nhóm khách già trẻ lớn bé thích thú chờ đến lượt thả mình chảy theo dòng nước chảy ngoằn ngoèo rồi rơi “ùm” xuống hồ nước bên dưới trong tiếng reo vang của mọi người. Cảm giác mạo hiểm, lâng lâng, sảng khoái đến khó tả...
Chơi chán trò trượt thác, mọi người rủ nhau ngược dòng suối vào sâu trong rừng, thế giới của đá và rễ cây đầy hình thù. Trong những vũng nước lớn là hàng đàn cá đầy sắc màu, bơi mà như búng, thoắt ẩn thoắt hiện...
Cả giờ chinh phục con suối, cả nhóm thấm mệt. Trở lui về chòi, chủ quán cũng vừa dọn ra đĩa gà nướng lá chanh kèm theo xôi, lại thêm mấy vỉ cá suối nướng thơm phức... Đám trẻ ăn như tranh. Cô bạn vừa ăn vừa thò chân xuống vẫy nước trong sự thích thú. Thỏa cơn đói, mọi người lăn ra ngủ trong không khí trong lành, tiếng nước róc rách chảy bên dưới tạo cảm giác thật dễ chịu...
Thiên nhiên kỳ thú
Sau giấc ngủ trưa, cả nhóm chuẩn bị ngược lên đỉnh thác Thủy Điện ở đầu nguồn thác Trượt. Tên gọi Thủy Điện bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1970, khi một nhà máy thủy điện mini được xây dựng để dẫn nước về chạy máy phát bên dưới.
Nhà máy hết “sứ mệnh” vào đầu thập niên 1990 khi điện lưới quốc gia được kéo đến quanh vùng.
Đường lên đỉnh thác dốc lên dốc xuống quanh co, khi xuyên qua bụi cây gai um tùm, khi dốc dựng đứng, phải níu cây cỏ mới lần tới được đỉnh. Mọi người đi chậm do anh bạn mải mê ghi hình cỏ cây và các loài côn trùng bắt mắt đầy trên đường đi. Ngạc nhiên cũng phải, bởi vườn quốc gia Bạch Mã hiện có gần 900 loài côn trùng, trong đó đa dạng nhất là bộ cánh vảy với 310 loài. Đẹp nhất là thế giới của hàng chục loài bướm đủ màu sắc, rập rờn rực rỡ cả một góc rừng.
Nửa giờ xuyên rừng, vừa nghe tiếng thác nước rì rầm đổ xuống cũng là lúc thác Thủy Điện hiện ra trước mắt. Bao mệt mỏi tan biến khi quang cảnh thoáng rộng tuyệt đẹp mở rộng trước mắt.
Rời thác, chiều muộn về lại Huế, chúng tôi ghé một quán ăn ven chân đèo Mũi Né đoạn nhô ra đầm Cầu Hai. Các loại cá nước lợ như cá hanh, cá dìa, cá ong, cua đầm hay tôm đất của vùng đầm phá rất tươi có sẵn tại quán đủ hấp dẫn... để anh bạn lên kế hoạch với một tour “lên rừng xuống biển” vào tháng sau. Tour tương tự, chỉ khác là buổi chiều sẽ ghé biển Cảnh Dương gần cảng Chân Mây để đón hoàng hôn và ăn hải sản do người dân vừa mới đánh bắt...
Nhìn từ phía đông sườn núi, những ngọn núi xanh ngắt như uốn lượn trong đầm Cầu Hai trước khi vươn ra biển lớn. Gặp một nhóm khách Anh đang say sưa ngắm cảnh, hỏi ra mới biết họ lên đây từ sáng sớm, vào sâu trong rừng để “nghe... chim hót”. Một ông khách còn khoe ở vùng rừng núi này có đến hơn 330 loài chim, rất nhiều trong số đó có tiếng hót rất lạ!
Du lịch, GO! - Theo Thái Lộc, Ngọc Hiền (Tuổi Trẻ), Hoangtuden
0 nhận xét:
Đăng nhận xét