Hà Nội và Sàigòn khác nhau ở những điểm gì? Có thể thấy được những hình ảnh ấn tượng, cô đọng và hài hước khi “soi” Sài Gòn và Hà Nội qua cùng một lăng kính.
< Trên đường phố Hà Nội có nhiều gánh hàng rong. Trên đường phố Sài Gòn có nhiều xe đẩy bán hàng rong.
Một bộ ảnh đồ họa có tựa đề The Difference Between Hanoi and Saigon (tạm dịch: Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn) của tác giả Lê Duy Nhất đang rất được lòng cư dân mạng khi mô tả nét khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn bằng một cách thể hiện ấn tượng.
< Ở Hà Nội có nhiều gánh hàng hoa, xe đạp chở hoa bán rong. Sài Gòn dường như không có hình ảnh này. Người Sài Gòn thường mua trong các tiệm hoa tươi.
Bài viết giới thiệu cùng bạn đọc bộ ảnh The Difference Between Hanoi and Saigon của chàng trai 27 tuổi này. Dĩ nhiên là phần chú thích thể hiện quan điểm riêng của tác giả bộ ảnh.
< Mâm ngũ quả bày lên bàn thờ trong những ngày Tết Nguyên đán của người Hà Nội và người Sài Gòn cũng rất khác nhau.
< Tết đến, xuân về, Hà Nội có hoa đào, Sài Gòn có hoa mai.
< Người Hà Nội có “thú” ăn phở trong các quán vỉa hè, bên lề đường, trong ngõ phố cổ. Người Sài Gòn thường thưởng thức phở trong tiệm ăn, nhà hàng.
Lê Duy Nhất quê Thanh Hóa, đã chuyển vào sống và làm việc tại Sài Gòn hơn 10 năm. Ý tưởng thực hiện bộ ảnh đồ họa The Difference Between Hanoi and Saigon nhen nhóm trong đầu chàng trai 27 tuổi này sau khi tham gia một cuộc thi thiết kế đồ họa liên quan đến hình ảnh và văn hóa Việt Nam.
< Hình ảnh bữa sáng ở Hà Nội gắn liền với tô phở nóng hổi, ở Sài Gòn gắn liền với ly cà phê.
< Trong bữa cơm, các gia đình ở Hà Nội thường có “phép tắc” mời cơm. Ở Sài Gòn, điều này không mấy phổ biến.
Duy Nhất chia sẻ rằng bản thân anh gặp không ít khó khăn khi lựa chọn ra những nét khác biệt “dễ thương” để đưa vào bộ ảnh: “Trước đây đã có nhiều bài so sánh Hà Nội và Sài Gòn theo cả hướng tiêu cực và tích cực. Mình thì chỉ mong muốn giới thiệu cuộc sống hai miền, không hề có ý định khen chê miền nào cả”.
< Hà Nội có bún chả. Sài Gòn có cơm tấm.
< Người Sài Gòn ăn ngọt và cay hơn người Hà Nội.
Lý giải về quyết định viết chú thích ảnh bằng tiếng Anh, Duy Nhất chia sẻ: “Mình chọn ngôn ngữ này bởi nó có vẻ súc tích, cô đọng hơn. Vừa có thể giới thiệu về văn hóa Hà Nội, Sài Gòn hay cả Việt Nam với bạn bè quốc tế và cũng để “né” những từ ngữ tạo cảm giác phân biệt vùng miền”.
< Người Hà Nội thích uống trà nóng. Người Sài Gòn thích uống cà phê đá.
< Ở Hà Nội, địa điểm lý tưởng để “buôn chuyện” là những quán trà đá, trà chanh vỉa hè. Ở Sài Gòn, địa điểm lý tưởng để “tám chuyện” là những quán cà phê bệt.
< Người Hà Nội thường tiếp khách bằng trà. Người Sài Gòn thường tiếp khách bằng nước suối, nước ngọt.
< Những cơn mưa ở Hà Nội có thể kéo dài dầm dề. Mưa ở Sài Gòn đến nhanh và tạnh nhanh.
< Có vẻ như văn hóa công việc “cấp trên, cấp dưới” giữa Hà Nội và Sài Gòn cũng có rất nhiều điều khác biệt.
< Giọng nói chắc chắn là điểm khác biệt đặc trưng nhất giữa người Hà Nội và người Sài Gòn.
< Trong văn hóa ứng xử, dường như người Hà Nội thiên về sự khéo léo, văn hoa trong lời ăn tiếng nói. Trong khi đó, người Sài Gòn đề cao sự thẳng thắn, không vòng vo.
< Ngay cả chiếc “mũ đồng phục” của cảnh sát giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn cũng có kiểu dáng rất khác nhau.
< Cỗ cưới ở Hà Nội thường ăn buổi trưa. Tiệc cưới ở Sài Gòn thường ăn buổi tối.
< Đàn ông Hà Nội thường đi nhậu sau lúc tan sở, xế chiều, xẩm tối và cố gắng về nhà trước khi quá khuya. Đàn ông Sài Gòn có thể nhậu thâu đêm suốt sáng.
< Người Hà Nội có vẻ thức dậy sớm hơn người Sài Gòn.
< Ở Hà Nội thông dụng loại taxi 4 chỗ. Ở Sài Gòn, taxi 7 chỗ lại thông dụng hơn.
< Khái niệm “xe đẹp hay xe xấu” ở Sài Gòn không mấy phổ biến như ở Hà Nội.
< Phong cách ăn mặc ở Hà Nội theo quy chuẩn hơn. Ở Sài Gòn thoải mái hơn.
< Hà Nội có nhiều hồ lớn trong nội thành hơn Sài Gòn.
< Một điểm tương đồng giữa Hà Nội và Sài Gòn đó là tắc đường.
< Nhịp sống của Sài Gòn có vẻ hối hả hơn Hà Nội.
< Những đồ vật khiến người Hà Nội và người Sài Gòn hoài cổ cũng rất khác nhau.
Theo như Lê Duy Nhất thì khi đã yêu Hà Nội, Sài Gòn hay một thành phố nào khác, có lẽ sẽ không mấy khó khăn để vượt qua rào cản văn hóa, thích nghi và hòa nhập với môi trường sống, người dân của thành phố đó.
Du lịch, GO! - Theo Linh San (báo Thanh Niên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét