Nằm giữa thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), Kiến An Cung được những người Phước Kiến xây dựng từ hàng trăm năm nay. Những dòng người Phước Kiến (Trung Hoa) sang định cư tại đây, phần lớn là di thần nhà Minh bỏ xứ tha hương từ thế kỷ XVIII do không thần phục triều Mãn Thanh.
< Mặt trước Kiến An Cung.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Phước Kiến là một trong ba cộng đồng gồm Kinh, Hoa và Khmer sống chan hòa bao đời nay; nhưng họ luôn giữ được bản sắc văn hóa, tâm linh suốt nhiều thế hệ sinh sôi, trưởng thành trên đất khách. Kiến An Cung là một minh chứng về năm hóa tâm linh của họ.
Kiến An Cung là tên chữ, tên dân gian thường gọi là chùa Ông Quách. Theo tư liệu, Kiến An Cung do một người Hoa có tên Huỳnh Thuận vận động bà con người Phước Kiến ở Sa Đéc đóng góp tiền bạc xây dựng, từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành. Việc xây công trình này nhằm hai mục đích. Thứ nhất là đáp ứng và duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc họ; thứ hai là họ có một nơi để hội họp, bàn bạc, liên kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống nơi đất mới Sa Đéc.
Không giống như người Tiều (Triều Châu) thờ Ông Bổn (Bổn Đầu Công Trịnh Hòa, một viên quan nhỏ đời Minh, thế kỷ 15, có công tổ chức đưa người Trung Hoa vượt biển di dân) hay người Quảng Đông thờ Quan Đế Thánh Quân (Quan Công); Kiến An Cung của người Phước Kiến thờ Ông Quách và nhiều vị thần khác. Ông Quách là cách gọi gần gũi ngài Quách Thành Vương Công, tức là thần Bảo An Quản Trạch Tôn Vương thời Ngũ Đại hậu Tấn bên Trung Hoa. Ông Quách người gốc huyện An Khê, tỉnh Phước Kiến, là một người có ý chí nghị lực, chăm sóc mẹ già một cách hiếu đễ, luôn giúp đỡ người ngay, có nhiều công lao trong việc nước nên được vua Trung Hoa thời đó phong Ứng Linh Uy Hầu, rồi Quản Trạch Tôn Vương.
< Kỳ lân bằng đá xanh.
Kiến An Cung - cũng như nhiều ngôi đền khác của người Hoa tại Việt Nam thường được gọi là chùa Tàu - là một thiết chế văn hóa, tín ngưỡng có giá trị lịch sử. Nét văn hóa đậm chất Trung Hoa, chất Á Đông được thể hiện hầu như toàn thể công trình. Kiến An Cung quay mặt ra rạch Cái Sơn, xây dựng theo hình chữ “Công”, uy nghi, bề thế với 3 gian. Toàn bộ công trình không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng. Mái lợp ngói dợn sóng rồng, làm nền cho những ngọn sóng vút lên cao, tạo thành mái ngói theo chữ “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ đặt tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Mái chùa được lợp 3 tầng, bên trên là ngói âm dương, đầu mái là ngói lưu ly hình ống: giữa là gạch, dưới cùng là ngói. Như các ngôi chùa Tàu khác ở Việt Nam, trên giữa nóc mái Kiến An Cung có tượng lưỡng long tranh châu.
Trước cửa chính Kiến An Cung có tượng đá xanh hai con kỳ lân to lớn, điêu khắc mỹ thuật. Cũng như các ngôi chùa Tàu khác, hai bên tường cửa cái Kiến An Cung cũng có vẽ hình hai ông Thiện, ông Ác trấn giữ. Ngay cửa cái còn có các bức tranh vẽ theo lối thủy mặc, với những bông hoa uyển chuyển, mềm mại, lại có cảnh sinh hoạt của vua chúa cùng các quan viên Trung Hoa xưa.
< Một khoảng không gian lộ thiên ngay sau chánh điện (thiên tỉnh) giúp cho khói nhang thoát ra ngoài và có ánh sáng vào bên trong chùa.
Ta còn có dịp thưởng ngoạn những nét vẽ tài hoa của những “họa sĩ chân đất” năm xưa qua những bức họa trên hai bên vách tường bên ngoài chánh điện. Đó là những hình vẽ kể lại các truyện tích Tàu trích từ các truyện Phong Thần, Tây Du Ký, Tam Quốc... Các bức tranh nầy còn nhằm giáo dục con người về lánh dữ làm lành... Bên trên những bức tranh tường, theo đường gờ gắn kiếng, trang trí cây cối, chim, thú cùng tượng người ghép bằng sành tạo thành những bức tranh nằm sinh động.
< Kiến An Cung và cổng ngoài.
Bước qua ngạch cửa bằng đá xanh, bên trong chánh điện là thiên tỉnh (giếng trời). Đây là nơi lấy ánh sáng và thông gió giúp chùa lúc nào cũng sáng sủa và thoáng mát. Đặc biệt cái hay của thiên tỉnh là giúp chùa giải bớt khói nhang mù mịt một cách nhanh chóng trong những ngày lễ lớn, khách thập phương viếng chùa đông.
Hai bên phải và trái thiên tỉnh là 12 chiếc cột tròn lớn chống đỡ mái chùa. Chiếc cột nào cũng được chạm trổ tinh xảo, mặt trước ốp liễn đối Hán ngữ.
Cùng với cột là những hoành phi, võng lọng chạm khắc mỹ thuật. Chùa càng thêm vẻ uy nghiêm hơn với bộ binh khí cổ, nhất là gian giữa thờ Quản Trạch Tôn Vương lúc nào khói hương cũng nghi ngút. Gian hai bên, một gian thờ Thanh Thủy đại sư, một gian thờ Bảo Sanh đại đế. Dù không thờ Quan Thánh đế quân là chính, nhưng Kiến An Cung cũng dành một gian thờ kính vị thần biểu tượng của danh dự, sự dũng cảm, lòng công minh, chính trực, chung thủy...
Đến Kiến An Cung, du khách có dịp trầm trồ, thán phục những tuyệt tác điêu khắc gỗ. Đó là những bao lam trải dài bên dưới trần chùa, nối liền các cây cột. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Trung Hoa sang thực hiện. Họ cũng dùng vật liệu quan trọng như đá xanh làm ngạch cửa, lư hương... từ cố quốc đưa sang. Thật kỳ công và tốn kém!
Ngoài văn hóa vật thể, Kiến An Cung còn có văn hóa phi vật thể. Hằng năm, chùa thực hiện hai kỳ cúng tế quan trọng. Ngày 22 tháng 2 (âm lịch) là ngày vía sinh nhật của Quảng Trạch Tôn Vương. Ngày 22 tháng 8 (âm lịch) là ngày vía Quảng Trạch Tôn Vương thành đạo. Trong hai ngày lễ vía nầy, Kiến An Cung thu hút rất nhiều khách khắp nơi đến chiêm bái. Tất cả tạo thành một không khí lễ hội tưng bừng nhưng không kém phần tôn nghiêm.
Du lịch, GO! - Theo Cúc Tần (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét