Khu lăng mộ hoành tráng ở Huế đi ba ngày không hết và nếu không có người dẫn chắc chắn sẽ lạc đường!
Đi qua làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) theo đường tỉnh lộ 49 xuôi từ biển Thuận An về Phá Tam Giang, người ta dễ dàng bắt gặp những ngôi mộ được xây vô cùng cầu kỳ và tốn kém.
Theo phong tục từ xưa của các xã vùng biển nơi này, người dân có tục lệ thể hiện chữ hiếu bằng việc xây lăng mộ hoành tráng cho người chết. 'Tại đây có mấy nghìn cái lăng, cái mô cũng từ 200 triệu trở lên, cái đắt hơn tầm 2 tỷ hoặc hơn nữa', người dân nói thế.
Từ đầu làng là những căn biệt thự đẹp đẽ nhưng bỏ hoang, rồi nở rộng ra đến tận sát ven biển là hàng trăm những ngôi mộ lớn nhỏ được xây màu sắc và bề thế. Các ngôi mộ được xây dựng theo nguyên mẫu của các lăng tẩm Huế được thu nhỏ, mức độ tinh xảo không hề thua kém.
Người dân các xã vùng biển của tỉnh Thừa Thiên- Huế còn có ý nghĩ lăng mộ cho người quá cố như “manh chiếu giữa làng”. Vì vậy họ thường xây lăng thật đẹp, hơn lăng của những gia đình khác nên chuyện đập lăng cũ xây lăng mới là chuyện thường diễn ra. Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm ở làng An Bằng đã đập bỏ lăng cũ được xây chừng dăm năm trước với kinh phí gần 300 triệu đồng để xây một lăng mới trị giá gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ những gia đình giàu có, có sự giúp sức của Việt kiều mới xây lăng mộ hoành tráng. Trên thực tế, rất nhiều gia đình nghèo khó ở những địa phương này vẫn xây biệt thự lăng mộ để báo hiếu theo tục lệ.
Đi vào khu lăng mộ được gọi là “Thành phố ma” này không hề khiến bạn có cảm giác âm khí hay hoảng sợ khi vào nghĩa trang mà thấy tò mò bởi những thành quách, phù điêu, tượng phật được chạm khắc tỉ mỉ cùng màu sắc bắt mắt, rồng phượng quấn quanh xà cột cùng đủ loài tứ linh canh giữ.
Mỗi lăng mộ được xây một kiểu với số tiền tỷ, có những ngôi mộ lên đến nhiều tỷ đồng. Khu lăng mộ này được người ta kháo nhau là đi ba ngày không hết và không có người dẫn chắc chắn sẽ lạc đường trong mê cung.
Người ta đổ ra hàng đống tiền để xây nên những ngôi mộ như thế này. Có thể là mộ của một người hoặc của một dòng tộc cùng tập trung lại.
"Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, còn cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu". – Lý giải này đã khiến người ta mỗi ngày một xây mộ to hơn ở An Bàng – vùng đất của những người dân chài với khá nhiều Việt kiều quay trở về xây dựng mộ trên quê hương bản quán.
Từ trên tháp chuông của nhà thờ An Bàng nhìn xuống một góc nghĩa trang trong làng.
Ngôi chùa nhỏ cuối làng nhìn ra biển khơi, nơi trước kia từng là một làng chài, nay là nghĩa trang khổng lồ cho những người con đất biển.
Hiện tại, Thừa Thiên - Huế có diện tích đất xây lăng mộ thuộc vào hàng lớn nhất của cả nước (làng An Bằng, xã Phú Thuận, Quảng Công, thị trấn Thuận An...). Theo một con số thống kê mới đây, đất xây lăng mộ chiếm 1,62% đất tự nhiên và 15,7% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích này xấp xỉ bằng tổng diện tích đất dành cho các công trình giao thông và đất thủy lợi của tỉnh cộng lại...
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Ngoisao, Danviet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét