Vượt lũ lên bản Cà Dong.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Trên đỉnh dãy núi Giăng Màn (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) quanh năm mây mù bao phủ có mấy hộ dân người dân tộc Mày sống biệt lập với thế giới bên ngoài, gọi là xóm Tà Dong.

Ngoài bộ đội biên phòng, rất ít người biết có sự tồn tại của bản nhỏ nơi thâm sơn cùng cốc này.

< Dãy núi Giăng Màn phủ mây mù.

Lên công tác miền Tây Quảng Bình, chúng tôi đã nhiều lần được các chiến sĩ biên phòng ở Đồn Ra Mai kể câu chuyện về cái xóm “người rừng” sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Lỡ hẹn mãi, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã khởi hành chuyến đi vào một ngày cuối tháng 11.

Vượt lũ tìm “người rừng”

Hôm chúng tôi đến trạm biên phòng đóng ở bản Dộ, gặp lúc trận mưa lớn cuối mùa như trút nước. Các chiến sĩ biên phòng ở đây cho biết, vào thời điểm này ở đây ít gặp trận mưa nào lớn như thế. Mưa lớn, nước nguồn đổ về làm con đường rừng dẫn vào Tà Dong bị chắn ngang bởi các dòng suối cuồn cuộn lũ. Thế nhưng trung úy Hà Anh Đức - Đội trưởng Đội vận động quần chúng và thiếu tá Đinh Xuân Long vẫn quyết định dẫn chúng tôi vượt lũ lên đường. Bởi lẽ, theo họ chỉ có vào bản Tà Dong vào lúc mưa to như thế này mới hy vọng gặp người dân ở nhà.

< Núi Giăng Màn trên bản đồ.

Từ trạm biên phòng, chúng phải vượt con suối Kà Rong đang dữ dằn tuôn chảy. Dòng nước đỏ ngầu, chảy băng băng cuốn phăng mọi vật cản trên đường. Chúng tôi phải gói quần áo vào trong áo mưa rồi cẩn thận bám gót các anh bộ đội men theo gành đá để qua suối. Qua được mấy con suối, quần áo ai cũng ướt sũng. Hết lội suối lại đến leo núi.

Con đường mòn xuyên qua rừng với những con dốc lớn. Khi đi xuống, do độ dốc quá lớn nên vừa đi tôi vừa phải ghì người lại. Ngược lại, lúc đi lên thì toàn leo dốc đứng, leo đến lúc không thể nhấc chân lên được, hơi thở thoát ra lỗ tai đánh thình thịch như tiếng trống. Nhiều đoạn đá lởm chởm, nhiều đoạn đất lại trơn trượt bên vực thẳm, chúng tôi phải bám vào rễ cây mà bò...

Vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác, chả biết là qua bao nhiêu dốc nữa, cuối chúng tôi mới tiến tới một bãi bằng ven suối. Mây mù vần vũ trên đỉnh núi, bầu trời âm u, nặng trĩu. Từ phía chân núi xanh thẳm, thấp thoáng có mấy cái lều ủ dột dưới mưa. Trên mái lá nhà sàn, sương khói bốc lên nghi ngút. Gạt những giọt nước còn đọng trên mặt, thiếu tá Long thở phào nhẹ nhõm: Bản Tà Dong kia rồi.

Không như những bản làng người dân tộc khác mà chúng tôi đã từng đến, bản Tà Dong xuất hiện chỉ với 5 nóc nhà lợp lá cọ cũ nát, có cái xiêu vẹo như sắp đổ. Thấy đoàn người tiến đến gần bản, mấy đứa trẻ ở trần, da đen như đồng hun đang tắm mưa chạy tán loạn. Chúng núp vào chân cột nhà, giương những đôi mắt sợ hãi nhìn những người khách lạ. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên định chụp, chúng khóc ré lên rồi chạy cả vào rừng. Nghe tiếng trẻ khóc, một người phụ nữ miệng ngậm tẩu thuốc, tóc tai rối bù ngó ra cửa. Biết là cán bộ biên phòng - người quen nên chị mở cái liếp cửa đón khách...

Cuộc sống biệt lập

Người phụ nữ đón đoàn chúng tôi có tên là Phăng. Ngôi nhà của chị được làm bằng cây rừng ghép nối lại. Trong nhà treo lủng lẳng cung, tên, nỏ và nhiều vật dụng được đan bằng cây rừng. Trên vách nhà còn có rất nhiều các bộ da thú, trong đó có một bộ da báo rất to...

Trời mưa to, nhưng chỉ có chị Phăng và những đứa trẻ ở nhà, còn những người đàn ông của bản đều vào rừng săn bắn, kiếm cái ăn cả. Chúng tôi hỏi chị Phăng năm nay bao nhiêu tuổi, chị nói không biết. Hỏi có mấy người con, chị trả lời có 8 đứa nhưng tính luôn cả... 2 vợ chồng. Hỏi làm gì để sống, chị nói trồng cái lúa, cái sắn trên rẫy nhưng mỗi năm cũng chỉ đủ ăn được vài ba tháng. Những tháng còn lại thì vào rừng săn bắt, hái lượm... kiếm được thứ gì ăn thứ ấy.

< Những đứa con của chị Phăng e thẹn khi được chụp ảnh.

Nhà chị Phăng có 6 người con. Đứa con trai cả đã lấy vợ ra ở riêng ở cái nhà cạnh đó. Sang nhà, chỉ có mình Khâm - con dâu chị Phăng ở nhà. Cậu con trai Hồ Đun cũng đã vác nỏ theo bố vào rừng săn thú. Thấy có đông người vào nhà, Khâm tỏ ra sợ sệt. Khâm với Đun lấy nhau được 4 năm. Khâm đã 3 lần đẻ con nhưng chúng đều chết cả. Theo lời của các chiến sĩ biên phòng, Khâm sinh được 2 con trai và 1 con gái. Đứa nào cũng vừa lọt lòng rồi chết yểu. Khâm cũng như những phụ nữ khác ở Tà Dong, khi sinh con đều tại nhà, chẳng ai ra trạm y tế xã cả...

Trong căn nhà lá đơn sơ của ông Hồ Sun (người già nhất xóm) ở cuối bản, mọi đồ dùng sinh hoạt đều tự tay ông làm lấy. Một bếp lửa dường như không bao giờ tắt đặt ngay giữa nhà. Theo già Sun, lửa gắn bó với người Mày từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Trẻ em ở đây lớn lên cũng sống cuộc sống như bố mẹ chúng vậy.
Khi đôi chân biết leo núi, cái tay biết căng dây cũng là lúc chúng được bố dạy cho cách tìm dấu vết của các con thú, biết cách bắt chúng. Trong những chuyến đi rừng, chúng học cách phân biệt cây nào ăn được, cây nào có độc nên tránh. Mọi chuyện cứ diễn ra một cách bình thường, những đứa trẻ đã học được cách sinh tồn giữa nơi hoang dã.

Chúng tôi hỏi già Sun về chứng minh thư và hộ khẩu - những giấy tờ cần thiết cho một con người, già lắc đầu: “Mấy cái đó chẳng nghe thấy bao giờ. Tổ tiên chỉ truyền lại cách săn thú, nhặt quả rừng, chứ đã bao giờ nói đến những thứ đó...”.
Vậy nhưng cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc của xóm “người rừng” còn bao điều cấm kỵ, nhiều luật tục đượm chất hoang dã đến ghê người...

Nhà ở tháng

< Nhà ở tháng tại bản Tà Dong.

Ngoài 5 căn nhà lá ở “xóm người rừng”, chúng tôi để ý có 5 cái lều nhỏ được dựng phía sau nhà. Tưởng đó là cái kho của các gia đình. Nhưng hỏi bà Hồ Thị Mơ (vợ ông Hồ Sun) thì bà cho biết, đó là căn nhà ở của phụ nữ khi đến tháng hoặc sinh nở, gọi là nhà ở tháng.

Theo bà Mơ, đàn bà, con gái nơi đây đến chu kỳ kinh nguyệt phải mang soong, nồi, quần áo ra đó ở, chứ không được ở nhà chính. Những người phụ nữ phải sống một mình trong đó khoảng 5 ngày và không được tiếp xúc với người trong nhà. Ngay cả chồng cũng không được bén mảng vào đó. Hỏi già Mơ vì sao phụ nữ thường phải ở một mình khi đến ngày đó, bà Mơ lại đưa tẩu thuốc lên miệng bập bập mấy hơi rồi mới chậm rãi bảo, bao đời nay dân bản sống trong rừng sâu núi thẳm. Các cụ miềng đời miềng sống như thế, giờ miềng cũng phải theo chứ. Không bỏ được đâu.

Bao đời nay, người Mày sống hoang dã, sống gắn bó với rừng thiêng, núi thẳm nên nảy sinh nhiều luật tục đượm chất hoang dã. Khắt khe nhất là luật tục về phụ nữ sinh đẻ. Phụ nữ trong thời gian sinh con, được gia đình làm cho một cái chòi để ở riêng. Đến khi nào con biết cười, vợ chồng mới tiến hành làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật đi cho đứa con được sạch sẽ. Sau đó, gia đình mới đón cả 2 mẹ con vào nhà. Khi làm lễ tục phải đảm bảo, nếu không khi đưa con về nhà sẽ bị "con ma rừng" theo đuổi.


< Theeng theeng thờ ma xó ở góc nhà.

Lễ tục diễn ra với hình thức: Đào một cái hố sâu, rồi trải lá dong rừng xuống, lấy mấy viên đá nhặt ở cái khe suối về nung lên cho đỏ, đặt lên trên lá dong. Sau đó, cạo lấy 3 nắm rễ cây Lạng Hang bỏ vào, vợ chồng cầm 2 nhánh cây dầu thơm ngồi ở trên hố và giội nước vào. Khi khói bay lên thì giơ đứa con lên cho cái dơ bẩn, bệnh tật bay theo gió, theo mây. Cái mùi thơm của khói bay lên từ hố sẽ đuổi "con ma" về với rừng. Đó là trường hợp "mẹ tròn con vuông".

Có lẽ do cái tục vợ phải ra nhà ở tháng đẻ nên nhiều đứa bé vừa chào đời chưa được bao lâu đã mất mà vợ chồng Hồ Khâm là một ví dụ: Ba lần sinh con nhưng Hồ Khâm chưa được đứa con nào để nuôi cả. Ở xóm Tà Dong này, ốm đau người dân chẳng dùng thuốc thang gì cả. Ngay cả việc dùng lá cây rừng cũng không. Họ ốm rồi đợi bệnh tự khỏi. Bệnh nặng quá không qua được thì chết. Họ coi đó như là sự chọn lọc tự nhiên...

Nỗi sợ “ma” rừng

Nếu sinh con xong mà mẹ bị chết thì phải chôn cả con theo. Đây vừa là một hủ tục, vừa là cách giải quyết khó khăn do gia đình sợ không nuôi được cháu bé, nhất là nếu để cháu lại mà không sống thì gia đình phải cúng làng nên họ sẽ chôn cháu theo mẹ. Cháu bé Hồ Dưỡng từng là nạn nhân của chính hủ tục này, may mắn là bé được đồi biên phòng Ka Vàng cứu sống và hỗ trợ nuôi dưỡng.


< Hồ Dưỡng trong vòng tay cán bộ biên phòng.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao người Mày cũng như một số tộc người khác ở miền tây Quảng Bình lại có tục chôn con theo mẹ như vậy, chúng tôi được biết cơ bản do đồng bào rất sợ ma. Họ quan niệm, khi người mẹ mới sinh bị chết nghĩa là đã có con “ma” mới, nếu giữ đứa con lại thì “ma” mẹ sẽ bám theo, nhất là ai dám cho đứa con ấy bú sữa. Lúc đó nhiều con “ma” rừng khác sẽ về. Vì thế, lúc chị Lon chết, trong bản có 3 bà mẹ đang thời kỳ cho con bú và có 2 người cùng dòng họ nhưng chẳng ai gật đầu. Họ rất sợ “ma”, khắp các bản làng không có bất cứ ai dám bước chân đến các bãi “tha ma”. Vậy nên khi chôn người chết xong, ai nấy chạy một mạch về nhà mà không ngoảnh đầu lại, kẻo sợ con “ma” theo.

Hồ Dưỡng được người chị tên Hồ Thị Lê nhận nuôi, từ đó đến nay đã hơn một năm và mọi chuyện vẫn đang diễn ra bình thường. Có điều cháu hơi gầy. Thấy người lạ, Dưỡng khóc ré lên, chị Lê dỗ mấy cũng không nín. Tuy nhiên, khi các cán bộ biên phòng bế thì cháu nín ngay. Thiếu tá Đinh Quang Cánh nói vui rằng cháu quen, yêu màu áo xanh các chú rồi; khi nào các chú đến cũng cho sữa mà. Mới đây, Huyện đoàn Minh Hóa cũng tổ chức cho đoàn viên các cơ sở đến thăm Hồ Dưỡng. Một đoàn viên hy vọng, từ những việc làm cụ thể của mọi người sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hủ tục lạc hậu của đồng bào.

Cái lý của người Mày

Một thực trạng đau lòng ở Tà Dong, từ trước đến nay trẻ em lớn lên chưa em nào được đi học để biết chữ cả. Gia đình chị Hồ Phăng có 6 đứa con, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi nhưng không ai được đi học.

Theo ông Hồ Mèo, cả xóm chỉ có một mình con ông là thằng Hồ Ten được đi học lớp xóa mù chữ của Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai mở cách đây 2 năm. Nhưng bây giờ nó mải vô rừng kiếm cái ăn nên nó cũng quên mất cái chữ hết rồi. Hỏi vì sao không cho con đi học, người Mày nơi đây hồn nhiên bảo rằng, từ bao đời nay họ có biết cái chữ là gì đâu. Cuộc sống nay đây mai đó của họ cốt sao được ăn no, chứ cần gì cái chữ. Hơn nữa, từ nơi đây chúng ra đến trường học cũng mất thời gian khá dài. Cứ như thế hết năm này qua năm khác họ sống biệt lập và điều tất yếu là không ai biết chữ cả.

Ở Tà Dong, việc lấy chồng của những thiếu nữ ở đây cũng hết sức nan giải. Hầu như 5 nóc nhà sàn này đều cùng chung huyết thống. Không phải anh em ruột thì cũng là bà con cô dì, chú bác. Trai bản ở đây muốn kiếm vợ phải đi hàng chục cây số đến các bản khác để tìm vợ. Con trai hắn khỏe cái chân, hắn băng rừng lội suối đi tìm vợ được, còn con gái thì chỉ ngồi tựa cột nhà sàn ngóng đợi, mà cái bản ở tận thâm sơn, cùng cốc này cũng ít chàng trai bản khác biết mà tìm đến. Thế nên nhiều thiếu nữ đến tuổi mà không lấy được chồng.

Bản Tà Dong có hai cô gái rất xinh là Hồ Thơ và Hồ Đào đã 18 tuổi rồi mà vẫn chưa có ai, chuyện này hơi lạ đối với người miền ngược. Trong khi chị dâu thứ 3 của Thơ mới 17 tuổi đã có 1 đứa con. Đêm về, Thơ chỉ biết ngồi buồn bên bếp lửa, rồi đi ngủ. Em ít nói và mặt rất buồn...

< Bản Tà Dong chìm trong mây phủ.

Để trẻ em được đến trường, để người dân có cuộc sống ổn định hơn, Đồn Biên phòng Ra Mai đang cố gắng vận động những cư dân “người rừng” này ra ngoài bản Dộ gần đường hơn để định cư. Tuy nhiên, sau nhiều năm các chiến sĩ biên phòng đi lại như con thoi để dân vận, họ vẫn cứ cương quyết ở đây.

Hồ Sun, Hồ Mèo, Hồ Phăng... những người già ở bản nói rằng, ở đây vẫn thích hơn. “Nếu muốn miềng chuyển ra, bộ đội phải cho miềng ở nơi cao hơn, đầu nguồn nước, chứ miềng không đi xuống mô. Phong tục của người Mày miềng là như rứa mà” – Hồ Sun bập bẹ lý giải. Trong khi đó, bản Tà Dong nơi họ ở đã giáp biên giới nước bạn Lào. Cái lý của người Mày như vậy, nên theo những người lính biên phòng, việc vận động họ ra ở tập trung vẫn còn là bài toán khó.

Du lịch, GO! - Theo Phương Lâm (báo Quảng Bình), Trương Quang Nam (báo Thanh Niên) và nhiều nguồn ảnh khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc