Đi Trường Sa có lẽ là khát vọng, là ước ao của tất cả các nhà báo yêu nghề. Bởi ai cũng ý thức được rằng, nếu có tiền có thể đi được khắp thế giới, thậm chí lên cả vũ trụ, nhưng trừ… Trường Sa. Bởi hiện chưa có một tuyến thứ 2 nào tổ chức ra Trường Sa, trừ tuyến do quân đội tổ chức. Mà đã quân đội tổ chức thì phải có xét duyệt, phải có tiêu chuẩn, cũng bởi, tổ chức được một chuyến tàu ra Trường sa bây giờ rất tốn kém và cũng đầy khó khăn.
Hiện nay thì thông tin về Trường Sa cũng không đến nỗi tù mù như cách đây hơn chục năm. Năm nào cũng có hàng chục chuyến tàu ra với Trường Sa, mỗi chuyến như thế cũng có hàng chục nhà báo được đi tác nghiệp chưa kể những chuyến riêng cho báo chí, như năm nào đó làm hẳn cầu truyền hình từ Trường Sa về đất liền, dẫu sóng hồi ấy yếu, cứ giật cục, lâu lâu lại dừng cho khán giả… đoán.
Thêm nữa, ngoài báo chí chính thống thì còn hệ thống mạng xã hội, trên ấy cũng tràn ngập thông tin, tất nhiên là nó xô bồ hơn, hỗn loạn hơn, thập cẩm hơn, nếu đọc không biết cách rất dễ sa vào mê hồn trận thông tin thật giả…
Vậy nên, Trường Sa, và cả Hoàng Sa, đến giờ này không còn xa lạ gì với mọi người dân đất Việt nữa. Với người viết lại càng khó. Ðồng nghiệp đi trước cày hết rồi, bạn đọc biết hết rồi, mình viết gì, gõ gì, phải mới và hấp dẫn, phải có thông tin… điều ấy khiến tôi phải… rón rén khi gõ…
Ngay khi có quyết định chính thức đi Trường Sa chuyến này, tôi đã thông báo trên blog và facebook của mình xin được các đồng nghiệp đi trước chia sẻ kinh nghiệm. Họ đã vào kể nhiều chuyện rất vui và chia cho tôi rất nhiều kinh nghiệm đi. Trong đó quan trọng nhất là “giữ mình” ngày đầu tiên trên tàu, không sa đà nhậu nhẹt, ít lên boong, nằm nhiều hơn ngồi, ngồi nhiều hơn đứng và đứng thì… nhiều hơn di chuyển. Tôi thực hiện lời hứa bằng cách ngồi nguyên ngày và gõ liên tục những gì nghĩ ra ngay trong đầu, sợ rồi sẽ quên mất. Kinh nghiệm đi nhiều cho thấy, nếu không lao động cật lực, về sẽ vừa quên và lười, thế là bỏ qua nhiều tư liệu, nhiều ý nghĩ vụt đến, mà đã vụt đến thì thường là không bao giờ trở lại nữa.
Trong mấy chục điều ghi nhớ mà bạn bè đã đi trước “di chiếu” lại, có chuyện… mang rất nhiều đồ để thay xong gói lại mang về nhà giặt, vì trên tàu và trên đảo không có nước. Ðiều này là sai nhất (chỉ ở trên tàu chứ trên đảo thì thiếu nước thật). Tôi đã chuẩn bị 7 cái áo thun, 2 sơ mi, 5 quần sooc. Nhưng trên tàu ngày bạn tắm 5 lần cũng được, thích giặt thì giặt, nếu gói mang về là chỉ do mình lười, chứ tàu thiết kế cả một sân phơi đồ rất xịn trên boong, quần áo treo lên chỉ một lát là khô.
Kết quả là toàn bộ áo mang đi không phải dùng tới vì khi lên tàu theo đoàn công tác của Trung ương Ðoàn trong hành trình vì biển đảo quê hương mỗi thành viên còn được phát 3 cái áo đồng phục, và hàng ngày ban chỉ huy hành quân đều phát loa quy định trang phục ngày ấy khi lên đảo hoặc sinh hoạt trên tàu nên áo mang theo gần như nằm nguyên trong va ly. Nước sôi pha trà cũng rất đầy đủ, ngoài ra mỗi phòng được phát nước lọc trong bình lớn hàng ngày, hết lại lấy.
Ðiều sai thứ 2 mà một nhà báo hẹn tôi là phải chuẩn bị… mì tôm, anh còn dặn: vì ăn toàn đồ tủ lạnh nên những ngày cuối cùng thèm mì tôm kinh khủng, thấy người ta ăn là muốn… giật lấy ăn. Có lẽ tàu anh đi người ta tổ chức ăn cơm sáng. Còn chúng tôi thì tuyền mì tôm. Cứ hôm nay mì tôm thì mai phở gói. Ðến hôm thứ 7 thứ 8 thì nhìn thấy nồi mì tôm là ớn. May mà không nghe lời anh mang theo chứ không thì chắc chắn là bị bạn cùng phòng giễu.
Chuyến tàu chúng tôi đi vào đợt đầu tháng 5 vừa rồi có hơn một chục phóng viên của các báo hình báo viết báo nói, và tất nhiên là còn một nửa thành viên trên tàu ấy có facebook và blog, cũng là một dạng báo thời internet, cạnh tranh rất dữ dội với báo chính thống. Và những ngày trên tàu tôi đã chứng kiến sự xả thân làm việc của các đồng nghiệp...
Tất nhiên là các nhà báo được thủy thủ đoàn và ban tổ chức chuyến đi quan tâm, ưu tiên, được xuống xuồng và đảo trước, được cập nhật thông tin trên tàu, được “quấy nhiễu” mọi lúc mọi nơi (Riêng tôi thì không, vì tôi được biên chế trong đoàn ban Tuyên Giáo tỉnh Gia Lai và tôi cũng không tự giới thiệu. Và té ra nó có cái hay của nó khi mình không phải chịu một áp lực về sự quan tâm săn sóc hay để ý nào, được tự do làm điều mình thích, mình thấy thuận tiện…)…
Nhưng quan tâm như thế chưa đủ. Ðêm nằm phải căng óc ra nghĩ xem ngày mai chọn vấn đề gì, tìm ý tưởng nào, và phải tránh vấn đề của cái đứa đồng nghiệp cũng đang đang nằm thao thức trằn trọc như mình ở giường bên. Muốn thế phải tìm hiểu về nơi mình sẽ ghé.
Lọ mọ dậy đọc thông tin, rồi gặp gỡ lính trên tàu hỏi thăm. Rồi chuẩn bị đồ nghề. Bây giờ hiện đại, mỗi phóng viên - mà chả cứ phóng viên, trên tàu ối người có đồ xịn hơn phóng viên - ít nhất cũng có laptop, thẻ nhớ, iPad, máy ảnh, điện thoại (đều kết nối 3G)… ban đêm đi ngoài hành lang tàu trông rất… thái bình, như thời Nghiêu Thuấn, là bởi thấy laptop, iPad, cục sạc pin máy ảnh, điện thoại xịn… treo lủng lẳng ở bất cứ đâu có ổ cắm.
Trong mỗi buồng ngủ chỉ có 1 ổ cắm, bị dùng để cắm quạt rồi, nên ai mang thêm ổ cắm thì đỡ, chứ không thì suốt đêm cứ phải lục sục vì ổ cắm. Tôi nghe lời khuyên của bạn bè, mang theo cái ổ cắm 3 lỗ và cả một cái quạt mini, thế mà vẫn phải chầu chực vì cả phòng 8 người mỗi mình tôi mang thì cũng… bằng nhau, bởi cái ổ cắm ấy đã phục vụ 2 cái quạt phải chạy hết công suất 24/24 rồi (trong phòng rất nóng.
Trừ vài phòng VIP có điều hòa, các phòng còn lại rời quạt ra là chết vì nóng ngay. Ban đêm rất nhiều người lên boong ngủ la liệt như… bí đao xếp trong hầm lạnh)…, mà chỉ riêng tôi thì đã điện thoại 2 cái, máy ảnh 1, laptop, ipad…
Trên tàu không có sóng, điều ấy là đương nhiên khi tàu di chuyển trên đại dương bao la. Nhưng khi đến các đảo thì có sóng, dẫu chỉ là sóng 2G chứ không phải 3, tức là vào mạng rất chậm, như cái thời Dial up 1260 ngày nào. Thế thì phải chuẩn bị thật kỹ. Bài đã gõ xong lúc mọi người ngủ ngon. Anh thì gõ tại giường, anh thì lên boong, anh thì xuống nhà ăn, anh lại ngồi hành lang, thậm chí có anh ngồi ngay cửa phòng tắm cho mát. Rồi đổ ảnh chọn ảnh và giảm size, không giảm size không cách gì chuyển ảnh được…
Xuống xuồng vào gần đến đảo là đã có sóng. Hàng loạt điện thoại của các công dân mạng xã hội chìa ra hứng sóng để… post ảnh lên facebook hoặc blog. Nhà báo chuyên nghiệp phải đua với các nhà báo xã hội ấy cũng bở hơi tai rồi. Vì trên xuồng chỉ điện thoại mới dám giơ ra chứ ai dám lôi laptop ra. Rồi lên đảo thì thời gian cũng ít, anh phải tranh thủ mail bài viết trên tàu đi xong rồi lại lao đi tìm hiểu để tối viết bài mới. Cứ thế như đèn cù, ào ào và cẩn trọng, quyết liệt và tỉ mỉ…
Có lúc nhìn thấy bốn năm ông bà cầm laptop, iPad, điện thoại đưa đi đưa lại như ru con, rồi giơ lên đầu ngoáy tít, hoặc xoay vòng như say nắng mà bật cười. Ấy là lúc đang… dỗ mạng, nhìn thấy cái vạch nó chạy chậm hơn rùa mà ứa gan và cả hồi hộp. Phần lớn là hồi hộp chờ nó chạy gần đến đích thì phựt cái, đứt béng, thế là lại kỳ cạch làm lại từ đầu.
Tất nhiên là báo in không thể nhanh bằng báo mạng rồi. Báo mạng chính thống không thể nhanh bằng báo mạng xã hội rồi vì còn phải mail về tòa soạn biên tập rồi duyệt. Trong thông báo chuyến đi có nhắc tuyên truyền trước, trong và sau chuyến đi, vậy nên tôi tranh thủ cái facebook của mình, cũng quyết liệt đến đảo nào là cập nhật thông tin ngay. Mấy đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ bảo: người nhà và đồng nghiệp cơ quan trong đất liền toàn đọc facebook của anh để cập nhật thông tin của đoàn và của tụi em. Nghe thế cũng thấy tự hào mê man chứ.
Và mỗi khi vào đảo có sóng, xong hết việc rồi, thì lên mạng đọc bài của… đồng nghiệp. Xem họ viết gì, viết như thế nào? Té ra cùng đi đấy, nhưng mỗi anh một cách tiếp cận, một cách khai thác, một cách viết, nên nhiều khi đọc về chuyến đi mà chính mình đi trên tàu cứ ớ ra.
Chỉ ngay trên tàu thôi, là một xã hội thu nhỏ với hơn 200 con người, có khi vài ngày mới gặp nhau, thì làm sao biết hết hoạt động của nhau, của từng người, từng nhóm người. Và vì thế mà phải sinh ra… nhà báo, phải phân chia đề tài, lĩnh vực, phải lăng xăng nhăng nhít như thằng rồ, nhiều khi đứng xa xăm mắt mơ màng như kẻ thất tình, có lúc lại mồm lảm nhảm tay huơ huơ như vừa ở Châu Quỳ ra, lại có kẻ tự nhiên cười cười như đười ươi giữ ống…
Ấy là lúc nhà báo đang tư duy, đừng ai đụng vào nếu không muốn… mang vạ.
Và bạn đọc nhận thông tin từ họ từ những hoàn cảnh như thế. Những bài báo ra đời từ những cận cảnh như thế.
Thì cũng nhân 21/6, sự việc lại đang tươi mởn thế, tôi kể lại vài chuyện mắt thấy tai nghe vui vui để bạn đọc hiểu và chia sẻ với chúng tôi từ một chuyến đi cụ thể…
Du lịch, GO! - Theo Văn Công Hùng (Tạp chí Truyền hình số VTC), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét