Từ vùng du lịch Mai Châu không trở ra ngã ba Tòng Đậu mà đi tiếp theo đường Chiềng Châu; Mai Hạ để sang đất Thanh Hoá, cảnh sắc sẽ đột ngột trở nên hoang vu và đẹp đến nao lòng. Cùng là xứ Thái mà một bên kinh doanh du lịch ào ào, một bên đìu hiu vắng vẻ, con đường 15 chỉ lác đác vài xe tải ngược xuôi.
< Kết bè luồng cho xuôi dòng sông Mã.
Sang tới đất của Thanh Hoá, nhất là mạn Quan Hoá, Bá Thước, hầu như chẳng ai giao tiếp được với người nước ngoài, mấy chàng lễ tân khách sạn chỉ ậm oẹ được vài từ cơ bản. Nhưng cứ men theo dòng sông Mã, ta sẽ gặp vô khối cảnh đẹp mê hồn, dẫu rằng cái hiểm ác của thời Tây Tiến đã không còn nữa.
Kết bè luồng xuôi dòng tìm bến
Đó là những cung đường mà luồng mọc kín vạt rừng. Thân thẳng cao, lá xanh rờn, luồng được trồng theo quy mô ở Quan Hoá và đóng vai trò như một đòn bẩy kinh tế đối với vùng núi rừng hiểm trở này.
Có nhìn những rừng luồng ngút ngàn mới hiểu vì sao dưới lòng sông Mã, nhất là quãng dưới chân cầu Hồi Xuân lại tập trung nhiều bè luồng đến vậy. Và khí thế của những chuyến bè lênh đênh thường làm người ta liên tưởng tới câu chuyện xưa về những chàng lái đò sông Mã có giọng hò mê hoặc cả mấy bà buôn chuyến, bỏ chồng bỏ con để được xuôi ngược sông nước.
Mỗi nghề có một cách riêng, và nghề làm luồng cũng có điều thú vị để xem, đáng kể nhất là cách chặt luồng rồi phi từ vách núi xuống cho rơi thẳng xuống sông, từ đó kết bè rồi dắt díu nhau xuôi dòng tìm bến. Ở huyện miền cao Quan Hóa, dòng sông Mã trải rộng, ít thác ghềnh, do đó khách buôn dọc không phải mạo hiểm nhiều như thượng nguồn hoặc bên sông Đà.
Khi đã xuống vùng đồng bằng, sông Mã bỗng hiền hoà và êm đềm như bao dòng sông bình lặng khác. Từ nguồn sông suối này mà sinh ra món cá sông, cá suối cực kỳ phổ biến trong các quán ăn ven đường. Dân sành ăn thường chọn quán quen, bữa trưa hay tối chỉ quanh quẩn vài món gà luộc, cá suối chiên mà ăn hoài không chán.
Không ít nhóm phượt đã đi mòn đường Tây Bắc, nhưng nhắc tới những cung men sông Mã lại tỏ ra ngơ ngác. Vậy mà đây lại là cung đường tuyệt đẹp, ít hiểm trở nhưng khá hoang vắng, cộng thêm cảnh sắc núi rừng lúp xúp mái nhà sàn, chênh vênh những cây cầu treo và khúc sông khi ẩn khi hiện trong tầm mắt. Có lẽ ít nơi nào còn giữ được một bến sông đẹp như vùng Cẩm Thuỷ. Núi trập trùng, nước sông xanh miên man, con thuyền nhỏ của ngư phủ lặng lẽ cắm sào, cộng thêm làn khói trẻ đốt lá bên bờ khiến cảm xúc khách lãng du ngơ ngẩn như cảnh Thiên thai. Tiếc rằng những bến sông kiểu như vậy ngày nay chẳng còn bao nhiêu, bởi những cây cầu lớn đã nối liên hai bờ sông Mã từ lâu.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Cũng núi rừng, cũng bản làng người Thái hiền hoà, vậy mà nhìn khắp mấy huyện ven dòng sông Mã, từ Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ… không bao giờ bắt gặp cụm làng bản nào đủ sức đón các nhóm khách nước ngoài lưu trú theo mô hình homestay như ở Mai Châu.
Trừ khu vực suối cá thần Cẩm Thuỷ lại tập trung quá nhiều nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ… song cũng chỉ hướng tới đối tượng khách nội địa tới chơi suối cá. Kể cũng đáng tiếc, bởi cảnh sắc vùng này đâu thua kém gì Mai Châu, thậm chí có phần hoang sơ lãng mạn hơn. Từ thủ phủ huyện Quan Hoá, đi vài cây số là bắt gặp Hang Phi, một hang động tuyệt đẹp có dòng nước chảy qua, có mái vòm khổng lồ che mưa nắng, rất thích hợp cho những buổi cắm trại, đốt lửa ngoài trời.
Ngược lên phía tây, vài chục cọn nước đủ kích thước lớn nhỏ vẫn hàng ngày chậm rãi đưa nước lên ruộng cao đã trở thành thắng cảnh tuyệt đẹp. Có điều cũng chỉ thoả mãn góc nhìn của các nhóm nhiếp ảnh chứ chưa hề trở thành sản phẩm du lịch đúng nghĩa. Không có cụm bản nào được quy hoạch thành điểm lưu trú đã đành, miền cao Thanh Hoá cũng thiếu đi cái duyên để thu hút khách tìm về, dẫu rằng cảnh thiếu nữ Thái ngồi xe sợi, dệt thổ cẩm ở đây cũng đâu phải là điều xa lạ. Mà thổ cẩm của vùng này cũng đẹp nức tiếng, lại chắc chắn về cách thức dệt thủ công, nhuộm màu bằng vỏ cây, son ta, chứ không phập phù về nguồn gốc như nhiều nơi khác.
Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho xứ Thanh những cảnh sắc tuyệt vời, có núi, rừng, đồng bằng, biển khơi, song dường như đất này còn thiếu một nhạc trưởng điều phối. Cũng đáng tiếc như du lịch Sầm Sơn cứ vào vụ hè lại râm ran dư luận chỉ trích về thói làm ăn chụp giật phiền hà, tổng thể bức tranh phong cảnh xứ Thanh chỗ nào cũng đẹp nhưng chẳng mấy mặn mà với các đoàn du khách quốc tế. Hay thói quen phục vụ khách Việt đã từ nhiều năm trở thành nếp nghĩ, nếp làm khiến cung cách dịch vụ ở đây luôn mang hình ảnh luộm thuộm. Một Lam Kinh bề thế mà thưa thớt khách ghé thăm, một Thành nhà Hồ chỉ đón khách về chơi trên dưới một giờ đồng hồ rồi lại đi.
Một vùng cao hoang sơ bí ẩn, một dòng sông Mã đẹp và hùng vĩ… tất cả những yếu tố đó cho tới nay vẫn bị lãng quên, và người xứ Thanh vẫn phải tiếc nuối để nhìn sang huyện láng giềng Mai Châu của tỉnh bạn để ước ao nguồn khách.
Vậy nên dòng sông Mã vẫn chỉ gầm lên khúc độc hành trong quá khứ hào hùng xưa, chưa thể biến thành dòng sông của những chuyến đi tiện nghi và ấn tượng cho du khách gần xa.
Du lịch, GO! - Theo Thái A (SGTT), internet
Ma River, the river enters vietnam literature
vietnam motorcycle tour Loop Bike Tours