Kinh nghiệm đi đường Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Đường Hồ Chí Minh là một con đường giao thông dài khoảng 3.167 km và cũng là con đường thứ 2 chạy từ Bắc vào Nam Việt Nam.

Tuyến đường này được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số tỉnh lộ và quốc lộ cũng như làm mới một số đoạn. Các đoạn dựa trên nền quốc lộ và tỉnh lộ có sẵn được gọi là đoạn/tuyến tráng quốc lộ/tỉnh lộ.

Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước Việt Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km). Đường sẽ có quy mô từ 2 đến 8 làn xe tùy thuộc địa hình.

Tuyến chính của Đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua các địa điểm và địa phương sau: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Bắc Kạn, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Km124+500 Quốc lộ 2, ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, cầu Trung Hà, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lặc, Lâm La, Thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Khe Cò, Phố Châu, Vũ Quang, Tân Ấp, Khe Gát, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Hòa Khương, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, thành phố PleiKu, thành phố Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Chơn Thành, ngã tư Bình Phước, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mỹ An, thành phố Cao Lãnh, cầu Cao lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, cầu Đầm Cùng, Năm Căn, Đất Mũi.

Tuyến phía Tây sẽ đi qua các địa điểm: Khe Gát, đèo U Bò, Tăng Ký, cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đăk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ.

< Nơi giao nhau giữa đường 10 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Đường Hồ Chí Minh có những đoạn tráng các tỉnh lộ và quốc lộ sau:

Tỉnh lộ 203 (Cao Bằng)
Quốc lộ 2
Quốc lộ 2C
Quốc lộ 3
Quốc lộ 12B
Quốc lộ 21
Quốc lộ 15
Quốc lộ 14
Quốc lộ 63
Quốc lộ 80

< Khắc phục sạt lở đường Hồ Chí Minh tại km 14 nhánh Tây, Đakrông đi A Lưới.

Đây là một tuyến đường đẹp, rất thú vị và đầy ấn tượng. Tuy nhiên, trước khi lưu thông cần lưu ý một số điểm:

- Đa phần mặt đường rất tốt, đường vắng. Tuy nhiên nếu là mùa mưa thì cũng có thể có một số đoạn bị sạt lở.

1. Các đoạn tuyến đi tốt trừ đoạn từ Khe Gát - Thành Mỹ (Huyện Nam Giang - Quảng Nam) là đoạn đường nhiều đèo dốc, bán kính cong nhỏ, độ dốc dọc lớn (toàn là 10% trở lên) nên lái xe ít kinh nghiệm đi hơi nguy hiểm và người dễ bị say xe sẽ rất rất rất mệt. Đoạn này Bộ GTVT hiện chỉ dùng để phân luồng xe trong trường hợp đặc biệt (không khuyến kích đi đường này) - Điền Gia Dũng: Vậy nhưng đây là một trong những đoạn mà mình... thích đi nhất.

2. Đoạn khó đi trên có thể thay bằng đi từ Khe Gát - Cam Lộ - QL9 - Đông Hà - Quảng Trị - QL1 - Huế - Hầm Hải Vân theo đường HHV đến Túy Loan - QL14B - Thành Mỹ (Nam Giang - QNam) (QL14B từ Túy Loan - Thành Mỹ cũng gọi là đường HCM).

3. Đoạn Thành Mỹ - Kon Tum có đoạn từ ranh giới của tỉnh Quảng Nam - TT Đăk glei (Kon Tum) là đường đèo dốc khó đi (đèo Lò Xo).
4. Khi đi đường các bạn chú ý đến những biển báo hiệu "Đoạn đường thường xảy ra tai nạn", "Đoạn đường đèo dốc ...", hay biển báo vẽ hình ôtô sau hôn đít ôtô trước đây là những biển báo đưọc cắm ở những đoạn đã xảy ra nhiều tai nạn. Nhiều vị trí thấy rất bình thường nhưng tai nạn rất nhiều, không nên chủ quan.
5. Thông thường khoảng 60 km là có một thị trấn (trung tâm huyện) ở dọc tuyến, dân cư, hàng quán đông đúc. Vậy nhưng cũng có đoạn hàng trăm kilômét không hề thấy nhà dân.

6. Đi vào mùa mưa chú ý tránh đi vào những đợt mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão lũ do dễ bị sạt lở tắc đường nếu đi thì liên lạc các Phòng Quản lý Giao thông của Khu Quản lý đường Bộ II, IV, V (số Khu QLĐB V - 05113821605).

- Nên chuẩn bị tình trạng xe thật tốt, lốp dự phòng vì trên đoạn đường đó rất vắng, it chỗ sửa xe và nhiều đoạn rất xa Quốc lộ 1. Có một vài đoạn nên chuẩn bị cả xăng dự phòng.

- Nên mang theo GPS (điện thoại hoặc GPS rời, hiện tại rất nhiều điện thoại có GPS rồi, nên dùng Windows Mobile): đi đường HCM rất cần biết mình đang ở đâu, sắp tới là điểm nào để dự tính quãng đường, chỗ ăn, chỗ nghỉ. Đường rất vắng, khó hỏi đường, hơn nữa có hỏi thì dân địa phương cũng không biết vì không mấy khi họ đi xa. Có thể dùng chương trình Vietmap, kết hợp Oziexplorer (bản đồ taybacgroup.com).

- Mang đủ đồ sửa xe, bơm, xạc điện thoại, rung điện 220V, cáp kéo xe, xẻng (nếu xe 4 bánh) để đề phòng hỏng xe hay đường sạt lở.
- Mang khá nhiều đồ ăn, uống. Đừng quên máy chụp hình vì rất nhiều cảnh đẹp.
- Luôn tính trước hành trình mỗi chặng để có chỗ nghỉ và không chạy ban đêm, nhất là đi có phụ nữ, trẻ em.
- Nếu đi xe hơi thì cần có Ít nhất có 2 lái xe + 1 người buôn chuyện để lái khỏi ngủ gật.

- Đoạn từ Khe Gát đến Lao Bảo 220 km, có 2 đường: đường Đông mặt đường rất đẹp, đường Tây là đường HCM cũ, xuyên rừng già, cảnh  vật tuyệt vời nhưng rất ít người đi qua - 220km chỉ có 1 lối ra. Đường này có đi qua đèo U Bò nổi tiếng, là ranh giới Tây Trường Sơn/Đông Trường Sơn của Phạm Tiến Duật. Muốn đi đường này phải hỏi trước ở các điểm đầu xem có sạt lở không.

- Đoạn Thạnh Mỹ - A Lưới quanh co, dốc cao liên tục gần 200km, hầu như không có 100m nào là đường thẳng, đây là đoạn khá khó đi - cần có chút kinh nghiệm đi đèo (ĐGD: đoạn này rất tuyệt đấy!).

- Không chủ quan chạy quá nhanh do đường vắng: gia súc có thể xuất hiện bất ngờ trên đường hay người dân tộc đi lung tung...

- Bắn tốc độ, lấn vạch: tại Thanh Hoá, Quảng Bình, Đắc lắc, Kom tum. Điểm đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên là địa phận thành phố, thị xã, thị trấn... luôn luôn nằm dưới chân dốc. Khi ra khỏi, cứ chạy thả ga do tưởng hết địa phận... là hao tài tốn của, lại phiền toái đấy.

- Đi kèm gia đình nên đem theo dụng cụ bếp núc đơn giản, tự nấu ăn vui hơn. Nhớ đem theo thuốc men thông thường như: đau bụng, nhức đầu, tiêu thực, bông băng...

Trong toàn bộ tuyến đường Trường Sơn thì không gian khó khăn nhất, gian khổ nhất, kỳ công nhất, quyết liệt nhất, hy sinh nhiều nhất và lập nhiều thành tích lớn nhất là cụm cửa khẩu vượt Trường Sơn phía Tây Quảng Bình, gồm các con đường 12, 20, 10, 16, 18 mà điểm xuất phát của chúng đều từ đường 15A trước đây (Đường Hồ chí Minh nhánh phía Đông hiện nay), tỉnh Quảng Bình.

Những địa danh quen thuộc như Khe Ve, ngầm Rinh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại (đường 15), Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời (đường 12A), Trà Ang, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích (đường 20)... là những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của toàn tuyến, trong đó cụm A.T.P là khốc liệt nhất. Trong quá trình 16 năm tồn tại của đường Trường Sơn (1959-1975), tất cả các loại đường từ gùi, thồ của buổi ban đâù của Đoàn 559 đến đường giao liên đi bộ, đường cơ giới, đường sông, đường ống xăng dầu và cả đường hàng không đều có mặt tại Quảng Bình, nơi thể hiện rõ nhất cái gọi là “Trận đồ bát quái” trong rừng rậm. Cùng với sự đổi mới của đất nước, đường Hồ Chí Minh với hai nhánh Đông và Tây đi qua Quảng Bình đã hoàn thành.

Ngày nay, tuyến du lịch “Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại” đang ngày càng trở thành một tour du lịch hấp dẫn, nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Tham khảo thêm 'Chỉ dẫn giao thông đường Hồ Chí Minh' của Nhà xuất bản GTVT tại đây.

Du lịch, GO! Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc