Tôi đến Thái Nguyên vào một chiều se se lạnh với dự định sẽ ở đây hai ngày một đêm. Trung tâm thành phố cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy 80km. Nếu đi từ Hà Nội bạn có thể đi lối cầu Thăng Long, qua Đông Anh, Sóc Sơn, rẽ ra quốc lộ 3, qua tiếp Phổ Yên và Sông Công là tới.
Thành phố góc nhìn
Đặt chân đến xứ sở của chè khi mặt trời đã đứng bóng, tôi quyết định chỉ thăm thú vài nơi trong thành phố rồi sáng mai sẽ đi một số nơi khác xa hơn. Điểm đầu tiên tìm đến là Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thú thực là tôi đã rất bất ngờ vì sự hoành tráng của Bảo tàng này. Nó hoàn toàn không thua kém những bảo tàng khác ở Hà Nội.
Tôi mua một vé với giá 5 nghìn đồng rồi vào thăm. Cách bài trí bên trong cũng rất phong phú và đẹp mắt tuy không có nhiều khách tham quan. Khu vực phía ngoài cũng trưng bày nhiều hiện vật như thuyền hay mô hình nhà của các vùng văn hóa khác nhau.
< Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên.
Tôi rất thích Bảo tàng ở đây vì nó giống như một công viên nằm ngay giữa lòng thành phố. Vì khách ít nên gã trông xe nhớ từng người một. Khi tôi lấy xe gã còn trêu tôi "xem như Tây" vì Tây thường xem hàng giờ đồng hồ trong khi "ta" chỉ xem lướt qua chừng nửa tiếng là về.
< Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Rời Bảo tàng, tôi lượn lờ trong thành phố thăm thú chợ Thái, rồi lại ghé qua đại học Sư phạm. Ở đại học Sư phạm tôi bị ấn tượng vì bởi sự rộng rãi và bề thế của nó. Khi qua khu Gang thép Thái Nguyên cũng là lúc trời sẩm tối, công nhân đã bắt đầu ra về. Đứng tần ngần một lúc tôi quyết định xin bác bảo vệ cho vào tham quan.
Lần này, tôi lại bị ấn tượng tiếp nhưng không phải ở sự rộng rãi mà phải nói là sự mênh mông phía trong này. Tôi có cảm giác nơi đây giống như một thành phố khác, cũng có những con đường nhựa phẳng lì xa tít tắp, những nhà máy đang ầm ầm hoạt động thi thoảng lại thở ra cả cột khói đen xì, rồi cả những con tàu chở vật liệu chạy ì ì trên đường ray. Đi được một đoạn tôi cảm thấy sợ nên đã quyết định quay ra.
Tôi đi dọc con đường Cách mạng tháng 8 tấp nập, tìm mua một tấm bản đồ, sau đó ăn tối và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.
Khu du lịch Thần Sa - Phượng Hoàng
Tôi bắt đầu một ngày dài lúc 7h sáng. Từ trung tâm thành phố, theo quốc lộ 1B đi chừng 40km sẽ tới khu du lịch Thần Sa - Phượng Hoàng. Khu du lịch hóa ra nằm ngay bên đường quốc lộ. Tuy vậy, vẻ đìu hiu của nó khiến tôi bất ngờ. Hai ông bà già ngồi ngay cạnh tấm biển nói với tôi rằng mùa này thì ít người đến đây lắm, phải qua Tết thì mới đông.
Tôi nghe mà nản. Nhưng đã mất công đến nên tôi quyết định mua vé, thuê đèn pin và leo lên dãy núi hoang vắng. Thật may là sự liều lĩnh ấy cũng được trả giá xứng đáng. Cảnh vật nơi đây thật tuyệt vời. Những bậc thang bằng đá được nối với nhau lên tới tận đỉnh, xung quanh chim muông hót líu lo, vài con dê với những cái lắc ở cổ chốc chốc lại be be đến ngộ nghĩnh.
Miệng hang nằm trên đỉnh và dĩ nhiên là phía trong tối om. Tôi bỏ lại đồ đạc phía cửa hang, tay cầm chiếc đèn pin lò dò đi vào. Phía trong lòng hang rất rộng và có một vũng nước nhỏ. Ánh sáng được chiếu vào từ đỉnh hang khiến khung cảnh trông vừa lung linh, huyền ảo lại vừa nên thơ, trữ tình.
Đường vào phía trong rất gập ghềnh và tối. Tôi vừa đi vừa cố nhớ đường những khi tới một đoạn với lối vào rất nhỏ tôi vội chui ra vì không thể xác định được phương hướng nữa.
Hồ Núi Cốc và những đồi chè vùng Tân Cương
Từ hang Phượng Hoàng, tôi trở về thành phố và tìm đường ra hồ Núi Cốc. Đường dẫn ra hồ Núi Cốc là một con đường độc đạo, quanh co, hai bên chỉ toàn những đồi nhỏ. Đôi khi ta có thể bắt gặp những đồi chè hai bên đường nhưng theo người dân cho biết thì nơi đây vẫn chưa phải là trung tâm của chè.
Nằm không xa thành phố (chỉ chừng 15km), hồ Núi Cốc là một hồ đẹp và yên ả. Rất dễ bắt gặp ở đây một người ngồi câu hay một chiếc thuyền đánh cá loại nhỏ. Người ta cũng đổ về đây nhiều vì nơi đây có khu du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng rất hoành tráng. Nhìn từ ngoài khu du lịch trông giống một lâu đài với một chiếc cổng rất lớn.
Từ hồ Núi Cốc, tôi đi tiếp ra những khu đồi chè bạt ngàn vùng Tân Cương. Ở đây, tôi gặp một "ekip" đang chụp ảnh cưới, họ khá ngạc nhiên khi thấy tôi dừng lại và xin họ một kiểu ảnh. Tôi đi tiếp vào trong các làng chè nơi mà mỗi làng đều có cổng làng được xây dựng khá kiên cố.
Trong này, tôi thấy những người nông dân đang hái chè và những đứa trẻ đang nô đùa bên những đồi chè xanh mơn mởn. Không khí ở đây khiến người ta cảm thấy rất dễ chịu. Nó mang một cái gì đó rất khó tả, vừa chậm rãi, yên bình, lại thêm một chút bí ẩn dễ khiến người ta có mong muốn phải đi ngay tới khu đất kia, con đường kia để xem ở đấy có gì.
Tôi rời Thái Nguyên với sự tiếc nuối khi chưa đi hết những nơi muốn đến, chưa thưởng thức hết cái không khí, cái chất, cái riêng vốn có của nơi này. Nhưng còn đó một Thái Nguyên đang phát triển rất nhanh về kinh tế, một Thái Nguyên năng động mà dịu dàng, một Thái Nguyên mà chỉ cần đến một lần cũng khiến người ta nhớ mãi.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Vương (Tạp chí Người Đưa Tin), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét