Sau khi rong ruổi qua những con phố hẹp chập chùng mái ngói âm dương, bạn có thể dừng chân thưởng thức những chiếc bánh bao bánh vạc, tô cao lầu... và cả đĩa bánh tằm mang đậm hương vị xứ Quảng.
Không biết từ bao giờ bánh tằm đã trở thành món quà quê ngọt ngào, là món ăn chơi được hầu hết mọi người ưa chuộng. Trên đôi quang gánh nặng trĩu, bánh tằm đi cùng các ngõ ngách phố Hội, làm say sưa bữa điểm tâm của lũ trẻ nơi góc phố, làm thỏa cơn đói lòng của anh công nhân, bác xe ôm, chị nhân công...
Lần đầu được thưởng thức những lát bánh xinh xinh với màu sắc nhẹ nhàng quyến rũ, ít ai nghĩ rằng món bánh này được làm từ củ sắn vốn rất đỗi quen thuộc, gần gũi.
Ở Quảng Nam, sắn được trồng làm cây nông sản chính sau lúa và bắp. Chủng loại sắn khá phong phú, khác nhau về màu sắc, thân cây, lá, vỏ củ, thịt củ. Bên cạnh tinh bột, đường, protid, vitamin và khoáng chất, củ sắn còn có các hợp chất độc tố khác, vì vậy công đoạn chọn sắn và sơ chế sắn để làm các loại bánh nói chung và bánh tằm nói riêng cũng lắm công phu.
Theo kinh nghiệm, củ sắn làm bánh tằm ngon là củ nhỏ, không giập nát, gãy vụn, bẻ ngang củ sắn thấy thịt săn chắc, khô, màu trắng đục. Tuyệt đối không chọn những củ thối hay có tì vết chai nhựa. Người làm bánh khéo léo tách vỏ và rửa thật sạch, chẻ đôi sắn trước khi ngâm nước lạnh pha muối. Thời gian ngâm chừng nửa ngày. Tiếp tục mài nhuyễn sắn cho vào túi vải, vắt ráo và giữ lại nước để lắng. Sau đó đổ nước ra, lấy phần bột đọng bên dưới.
Công đoạn tiếp theo là lấy sắn đã vắt ráo đổ ra thau trộn chung với đường, bột năng và bột sắn đã lắng theo tỉ lệ thích hợp. Trộn hỗn hợp trên cho thật đều tay.
Khâu tạo màu cũng khá quan trọng vì giúp bánh thêm phần hấp dẫn. Khi làm bánh, những người thợ khéo tay phải vắt nước cốt dừa, giã lá dứa tươi để lấy nước màu xanh tự nhiên. Chia hỗn hợp bột đã trộn làm đôi, một nửa đem hòa với nước cốt dừa để tạo màu trắng, nửa còn lại hòa với nước lá dứa đã lọc qua rây để tạo màu xanh. Ngoài ra có thể thêm nước cà rốt để tạo màu đỏ, hồng.
Phần hấp và trang trí bánh cũng khá kỳ công và là khâu quyết định chất lượng bánh. Dàn đều bột bánh một lớp dày khoảng 5 li lên lá chuối hoặc đĩa bằng có thoa một lớp mỏng dầu ăn. Cho từng đĩa bánh vào nồi hấp cách thủy mươi lăm phút, đến khi thấy bánh có màu trắng, trong.
Cuối cùng róc bánh ra mâm, để nguội, cắt thành từng lát dài cỡ lóng tay giữa. Lúc này bánh trông như những con tằm. Lăn những miếng bánh tằm qua hỗn hợp dừa bào vụn. Khi ăn lấy bánh tằm ra đĩa, rưới ít nước cốt dừa lên trên, rắc thêm chút mè rang ăn kèm.
Bánh tằm ăn dai dai, thơm bùi và cả vị béo ngậy của nước cốt dừa, thoang thoảng mùi thơm của mè rang tạo nên một hương vị vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Nhiều người đi chợ, ngang qua mẹt bánh tằm cũng không quên dừng chân mua về nhà làm quà cho con trẻ.
Người đi xa về quê vội vã tìm món bánh tằm nhâm nhi để được thỏa nỗi nhớ quê. Thỉnh thoảng, có khách đến chơi nhà, pha bình chè ngon, mời dùng đĩa bánh tằm giản dị mà thân mật. Với du khách, bánh tằm càng không quá đắt để ai cũng có thể ghé vào, vừa nghỉ chân vừa thưởng thức rồi râm ran câu chuyện.
Đơn giản chỉ là thức quà giản dị nhưng từ lâu bánh tằm đã tồn tại song song với các đặc sản “thương hiệu” Hội An, góp phần tạo nên nét tinh tế, dịu dàng, đằm thắm của người phố Hội.
Du lịch, GO! - Theo Thanh Ly (báo Tuổi Trẻ), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét