Tháp cổ ngàn năm ở Tây Nghệ An

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Thật không ngờ, ở xã biên giới như Mỹ Lý lại có được quần thể tháp tuyệt đẹp và linh thiêng này. Ba trong bốn tháp Phật cổ hàng nghìn năm tuổi ở bản Yên Hoà xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) sụp đổ, còn lại duy nhất một bảo tháp là tuyệt tác của kiến trúc Phật giáo xưa.

Vượt Nậm Nơn ngắm tháp cổ

Tháp Phật cổ ở bản Yên Hoà vốn chứa đựng bí mật cả nghìn năm nay, cũng là bảo tháp linh thiêng đối với bà con dân tộc Thái ở xã biên giới Mỹ Lý. Được sự bật mí của một cán bộ huyện Kỳ Sơn, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Mường Xén theo đường núi đến xã Mỹ Lý.

Xã Mỹ Lý cách thị trấn Mường Xén chỉ trên 50 cây số, nhưng là một trong những xã biên giới khó khăn nhất. Anh Lô Văn Thắng, cán bộ văn phòng xã Mỹ Lý dẫn chúng tôi ra bờ sông Nậm Nơn xuôi dòng trên một chiếc thuyền độc mộc. Mất chừng 30 phút đi thuyền, chúng tôi mới cập bản Yên Hoà.

Tháp cổ hiện ra trước sự ngỡ ngàng. Tháp cao trên 30m, rất cổ kính và uy nghi. Người ngoài vào bản, không ai có thể bỏ qua ngôi bảo tháp kỳ lạ với lối kiến trúc cổ xưa rất khó gặp ở Việt Nam. Anh Lô Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho hay: "Vì trăn trở bảo tháp cổ này mà tôi đã đi tìm gia phả nguồn gốc và được một số thầy tu ở bên Lào cho biết, tháp xây từ những năm 1008".

Theo quan sát của chúng tôi, tháp cổ được xây dựng bằng gạch đặc trộn mật. Tháp cao, chân tháp lớn và nhỏ dần theo từng tầng, phía trên cùng nhọn hoắt. Trên mỗi tầng tháp đều có những hoa văn lạ, có hình Phật chắp tay. Tất cả những hoa văn lẫn thiết kế đều rất tỉ mỉ.

Anh Liệu cho hay: "Hồi còn nhỏ tôi đã hỏi các cụ về ngôi tháp nhưng không một ai biết nguồn gốc, cũng không ai có thông tin gì về tháp cổ này. Chỉ biết rằng, tháp cổ như một "cột mốc" trấn giữ vùng biên và là nơi thờ tự hương nến vào ngày mùng 1 và ngày rằm hằng tháng".

Ở cạnh tháp cổ có một cây bồ đề khá lớn, nhưng theo người dân địa phương, cây bồ đề này chỉ là "cây con" sau khi "cây mẹ" bị chết khoảng 100 năm trước. Dưới gốc bồ đề, người ta xây một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và một bát hương để thờ tự.

Tưởng tháp cổ đơn thuần chỉ là một ngôi tháp cũ kỹ rêu phong, nhưng với người bản địa thì đó là "linh hồn" của bản Yên Hoà. Tháp cổ trở thành tháp thiêng từ bao đời nay, khi người dân bị hạn hán cũng đến thắp hương cầu mưa. Bị bệnh dịch cũng đến thắp hương xin an lành. Anh Liệu khẳng định: "Vì sự linh ứng lạ lùng khi già làng trưởng bản thờ khấn xin điều dân làng muốn nên tháp trở thành vị thần bảo vệ người dân".

Nhưng thật buồn, một ngày cách đây không xa bảo tháp bị những kẻ tham lam xâm hại. Anh Lô Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã buồn bã nói: "Kẻ xấu đã đục thủng tháp để vào bên trong đánh cắp cổ vật. Bọn chúng đều biết rằng, tháp cổ nào có hoa văn tức là đều có tượng Phật cổ bên trong nên chúng đã nhằm những nơi có hoa văn để đục. Tháp có đến hơn 20 lỗ bị đục tính từ chân đến ngọn tháp".

Vì sợ tượng Phật bị mất và cũng lo lắng người trong bản nổi tính tham nên chính quyền xã Mỹ Lý đã cho đem 3 pho tượng Phật cổ cất vào một nơi bí mật và cử người trông coi cẩn thận.

Nguy cơ tháp sập

Ông Lô Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý lo lắng: "Tháp cổ bây giờ đã lung lay lắm rồi, bọn trộm đục khoét làm hỏng cả chân tháp, chỉ cần một trận lũ quét nhẹ hay một cơn mưa lớn thì tháp sẽ sập. Cổ tháp nghìn năm tuổi chắc chắn sẽ bị xoá sổ khỏi đất Kỳ Sơn này".

Theo ông Liệu, trước đây Mỹ Lý không chỉ có một bảo tháp như hiện tại, mà có đến 3 tháp cổ ở các bản Xiềng Tắm, Tả Lày và Xiềng Trên. Nhưng 3 ngôi cổ tháp đó đã sụp đổ do không được quan tâm. Nắng gió biên thuỳ thì không cần phải bàn, nắng thì như đổ lửa, lạnh thì như cắt thịt, mưa gió triền miên nên khó có công trình nào có thể tồn tại lâu. Tháp cổ tồn tại cho đến bây giờ đã là một kỳ tích nhiệm màu.

Ông Liệu cũng cho hay: "UBND xã đã làm đơn trình lên cấp trên và các cấp có thẩm quyền để khảo sát, xếp hạng di tích hoặc có kế hoạch trùng tu bảo tồn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Hơn 90 hộ với 400 nhân khẩu bản Yên Hoà đang lo lắng, rồi số phận tháp cổ cuối cùng này liệu có sụp đổ giống 3 ngôi tháp trước đây hay không?".

Bà Cụt Thị Nguyệt (Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn):

"Tôi đã tìm hiểu rất kỹ ngôi tháp ở xã Mỹ Lý, đó là công trình của giáo phái tiểu thừa di cư từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam vào thế kỷ thứ VII. Giai đoạn này thường xuất hiện 2 loại tháp: Tháp mộ và tháp thờ.

Qua khảo sát, nhận thấy tháp cổ ở Mỹ Lý là tháp thờ vì phía bên cạnh có một nhà thờ đã bị sập. Hiện tỉnh Nghệ An có 200/1395 di tích danh thắng được xếp hạng cho nên tháp cổ ở Mỹ Lý giao cho địa phương quản lý vì thuộc danh mục phân cấp chưa được xếp hạng".

Ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng ban Ban Quản lý di tích danh thắng, Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An)

"Chúng tôi không có bất kỳ một tư liệu nào nói về ngôi tháp ở bản Yên Hoà. UBND xã Mỹ Lý cũng đã gửi đơn lên cấp trên, tuy nhiên chúng tôi không có ý kiến gì vì đó là khu vực nhạy cảm. Vì tháp ở khu vực biên giới quốc gia nên chúng tôi phải chờ ý kiến chỉ đạo từ tỉnh".

Du lịch, GO! - Theo VTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc