Mất phanh: nhanh chóng về số thấp.
Bình tĩnh về số thấp, áp dụng các các phương án giảm tốc và có thể chọn biện pháp cuối cùng là đâm xe vào nơi an toàn.
Mất phanh là tình huống thuộc loại nguy hiểm nhất mà tài xế phải đối mặt bởi dễ dẫn đến hoảng loạn khi xe không còn điều khiển được tốc độ, đặc biệt nếu đang đi trên đèo dốc. Mỗi người, dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm, sẽ có phản ứng khác nhau. Nhưng nếu làm đủ các bước mà các chuyên gia khuyên dưới đây, cơ hội sống của tài xế và hành khách sẽ cao hơn rất nhiều.
1. Giữ bình tĩnh
Lời khuyên này thường bị coi là nhàm chán theo kiểu "biết rồi khổ lắm nói mãi", cho tới khi chúng ta rơi vào nguy hiểm. Không bình tĩnh thì không thể thực hiện những bước tiếp theo. Chỉ cần người lái giữ sự chủ động thì cơ hội cho người xung quanh đã cao hơn rất nhiều.
Bình tĩnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, tố chất của người lái. Một anh chàng mới lái, chưa va chạm nhiều dĩ nhiên dễ mất bình tĩnh hơn tài già. Nhưng một tài già chủ quan sẽ dễ mất bình tình hơn người luôn chủ động. Vì vậy, hãy tập trung để không rơi vào tình thế ứng biến mà phần bị động lại ở phía bạn.
Bỏ qua nguyên nhân gây mất phanh, việc tài xế trong vụ tai nạn tại Khánh Hòa ngày 7/6 thông báo cho hành khách, yêu cầu mọi người bình tĩnh để anh xử lý là bằng chứng cho sự quan trọng của người cầm lái. Nếu lúc đó anh cũng hoảng loạn, truyền nỗi sợ xuống hàng chục người phía sau thì tai nạn có thể thảm khốc hơn.
2. Nhả chân ga
Nhả chân ga để giảm tốc độ, đồng thời tập trung hơn cho chân phanh.
3. Cảm nhận chân phanh
Hãy tiếp tục đạp phanh và cảm nhận nguyên nhân. Nếu phanh mềm và đạp sát tận sàn, có thể mất dầu do hỏng đường ống. Thử đạp lại nhiều lần để có cơ may hồi phục áp suất. Nhưng nếu chân phanh cứng đanh thì hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực, hoặc phanh bị bó cứng. Nhưng đôi khi cũng có thể do vật nào đó chặn ở dưới.
4. Đạp phanh liên tục
Dẫu hết hy vọng thì tài xế luôn phải thử các cơ may. Đạp-nhả phanh thật nhiều để biết đâu hồi phục hệ thống. Nếu xe có ABS, hành động này có thể giúp ABS kích hoạt.
5. Trả về số thấp
Số thấp giúp xe chậm lại. Nếu đi số tự động, hãy chuyển sang chế độ bán tự động hoặc chế độ số thấp (ký hiệu bằng các số nhỏ như 1, 2 hoặc chữ cái L).
Mọi chuyện phức tạp hơn khi đi số sàn. Về số quá thấp ở tốc độ cao có thể phá hủy hệ truyền động và lực quán tính làm mất khả năng kiểm soát. Hãy về 1 hoặc 2 cấp mỗi lần. Nếu xe đang ở số 5 thì chỉ có thể về đến số 3. Khi mất phanh trên đèo dốc cần hết sức cẩn trọng khi trả số thấp và nên theo tuần tự.
Khi xe giảm tốc, cảm nhận tốc độ để trả về các số tiếp theo cho hợp lý.
Đừng tắt động cơ, bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Ngoài ra ở tốc độ cao, động cơ ngừng đột ngột sẽ làm xe mất kiểm soát do lực quán tính tác động.
6. Dùng phanh tay
Phanh tay, hay còn gọi là phanh khẩn cấp hoặc phanh đỗ, thường dùng để dừng xe dù mất nhiều thời gian hơn do chỉ tác động vào bánh sau. Khi thao tác cần lưu ý kéo nhẹ nhàng, từ từ nhưng đủ lực. Nếu kéo quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện trượng trượt, mất lái. Nhớ giữ núm nhả, mỗi khi thấy xe có hiện tượng mất lái cần nhả phanh tay ngay.
7. Giữ tầm quan sát
Hoảng loạn không những làm mất cơ hội của bạn mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Hãy quan sát giao thông, tránh người đi bộ, xe máy và những nơi đông người.
8. Báo hiệu cho xe khác
Bật đèn cảnh báo, nháy pha hoặc dùng còi gây sự chú ý để người khác biết mối nguy hiểm. Mở cửa sổ để tăng tính cản gió và dễ gọi người trợ giúp.
9. Đánh võng nếu có thể
Nếu có khoảng trống đủ an toàn, hãy cho xe lượn từ trái sang phải và ngược lại để tăng lực cản và nhờ đó giảm tốc. Tuy nhiên không nên làm ở tốc độ cao bởi có thể lật xe.
10. Dùng vật cản giảm tốc
Hãy cân nhắc kỹ tốc độ trước khi quyết định dùng phương án nào, đặc biệt ở tốc độ cao. Dùng dốc để hãm tốc độ cần chú ý đỉnh dốc và sẵn sàng sử dụng phanh tay. Có thể dùng con lươn giữa đường hoặc dải phân cách. Nếu xuống dốc hãy lái sang hướng ta-luy dương để sẵn sàng đâm khi có thể.
11. Tìm điểm có thể va chạm
Đừng cố hy vọng xe tự dừng. Hãy chọn điểm an toàn để có thể cho xe đâm vào đó. Ưu tiên những chướng ngại vật mềm như bụi cây, vũng lầy.
Mất lái: đi càng chậm càng an toàn
Mất lái là khi bạn không thể điều khiển xe theo đúng hướng, do 2 nguyên nhân chính: lỗi kỹ thuật của xe (nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác...) và lỗi điều khiển xe của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt...).
Khi xe mất lái, bị văng ra lề đường, bạn hãy bình tĩnh giữ chặt lái, không được cố đánh lái để cho xe quay trở lại đường ngay. Đồng thời, nhả ga để xe đi chậm lại và không đạp mạnh chân phanh. Chờ khi xe chậm, hãy quan sát kỹ và từ từ đánh lái cho xe trở lại phần đường của mình.
Để hạn chế hỏng hóc trên xe có thể dẫn tới mất lái, bạn nên bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan như: vô lăng, rô tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe...
Khi lái xe, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường. Khi đi qua những địa hình trơn trượt, mưa ướt, phải giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng; giảm 20% nếu ôm cua.
Không nên phanh gấp, kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh, tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước. Tại những đoạn vào cua, bạn áp dụng cách chém cua hết mức có thể để giảm góc cua. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải láo xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về ta luy âm (vực).
Du lịch, GO! - Theo VnExpress + 24h + internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét