Với vẻ đẹp tự nhiên lộng lẫy, hang động A Po Ly Hong là niềm tự hào của đồng bào Pa Kô ở xã Tà Rụt cũng như huyện Đakrông, Quảng Trị. Tuy nhiên, đến nay, nhiều du khách khi đặt chân tới mảnh đất này vẫn còn bỡ ngỡ khi nghe nhắc đến A Po Ly Hong. Nguyên nhân là do hang động này chưa được quảng bá, tổ chức khai thác một cách có hiệu quả…
Kỳ bí hang động
Theo chân anh Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt-người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu về văn hóa dân tộc Pa Kô- chúng tôi chuẩn bị một số vật dụng cần thiết để cùng anh khám phá động A Po Ly Hong.
Từ km 49 đường Hồ Chí Minh thuộc xã A Pul, chúng tôi vượt xe máy qua con đường đang được đổ bê tông dang dở, khá dốc khoảng 4 km, cuốc bộ hơn 2 km nữa về phía Đông Nam rồi dọc theo con suối U Sau để bắt đầu khám phá cung đường đầy đá nhấp nhô, trơn trượt, tiến tới động A Po Ly Hong.
Nhìn đôi chân thoăn thoắt, dáng người nhanh nhẹn của Kray Sức, khó ai biết anh năm nay đã hơn 50 tuổi. Kray Sức rất nhiệt tình khi thấy khách quan tâm đến di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quê mình. Tay cầm cây rựa dẫn đầu, phát quang cỏ dại hai bên khe nước, anh kể cho chúng tôi nghe những bí ẩn của A Po Ly Hong khiến ai cũng có cảm giác con đường mình đang đi như bằng phẳng và gần gũi hơn.
Động A Po Ly Hong đã tồn tại ở đây hàng triệu năm. Tương truyền rằng, xưa kia có 2 con trăn chúa ngày đêm gác tại hai cửa động phía Nam và phía Bắc. Khoảng 500 năm về trước, trong một chuyến đi rừng săn bắt thú, ông Vỗ Lanh (là người của một dòng tộc thuộc dòng họ Pa Táq) ở xã Tà Rụt và ông Vỗ Ple (dòng họ A Kiêng) ở xã A Ngo phát hiện ra hang động nằm trong hai quả núi liền kề nhau. Hai dòng họ này đã chia nhau hai quả núi, quả núi phía nam là của ông Vỗ Ple (gọi là động Ple), quả núi phía bắc là của ông Vỗ Lanh.
Nhưng về sau, hai dòng họ đã xảy ra tranh chấp do động Ple không có cửa lộ thiên mà chỉ tiếp giáp ngã ba trong động, cuối cùng dòng họ Pa Táq chấp nhận chia đều hang động. Tên gọi A Po Ly Hong (nghĩa là chia đều hang động) ra đời từ đó.
Vừa đi vừa nghe Kray Sức kể chuyện, chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ vượt đèo dốc, Kray Sức nói to: “Đến nơi rồi!” Ai nấy trong đoàn rối rít chuẩn bị tinh thần tiến vào động. Nhìn bao quát động một lúc, Kray Sức giới thiệu đôi nét về A Po Ly Hong. Khu vực động A Po Ly Hong có 3 con khe nhỏ đều có nước chảy róc rách quanh năm. Hệ thống nứt gãy chằng chịt quanh động đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm vào các khối đá làm tăng khả năng hòa tan do nước có chứa axit phản ứng với đá (theo tiếng gọi của địa phương là đá huyết, đá màu đỏ) rồi rửa trôi qua hàng triệu năm tạo nên dòng chảy khi gặp nền cứng dưới lòng đất.
Tổng diện tích của 2 quả núi khoảng 150 ha, chiều dài trung bình 2.000 m, chiều rộng trung bình 750 m. Trên đỉnh hai quả núi A Po Ly và Ple là lớp đất dày màu vàng do quá trình bồi đắp của thảm thực vật có rừng già và rừng tái sinh. Xung quanh chân núi là rừng già xen lẫn bụi rậm che phủ đá ghềnh. Động có 2 cửa chính, một cửa phía đông, một cửa phía tây và trải dài khoảng 2 km thông qua hai quả núi thành một quần thể bên trong rỗng với muôn vàn hình ảnh đẹp.
A Po Ly Hong có hàng trăm hang to, nhỏ, đan xen nhau, là nơi trú ngụ của những đàn nhím, dơi và sinh vật khác. Phía dưới chân cửa động có khe Ki Đur nước chảy quanh năm. Hai bên bờ khe cây cối um tùm mọc giữa kẽ đá, những tảng đá to tựa lưng vào vách cửa động.
Một luồng khí mát lạnh từ sâu trong hang tỏa ra. Tất cả đèn pin bật sáng. Chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá bí ẩn bên trong A Po Ly Hong. Từ cửa động vào sâu 300 m, những dãy thạch nhũ tạo thành từng hình vòm cong nối tiếp nhau, uốn lượn quanh động như những búp sen màu huyết dụ dẫn vào ngôi biệt thự kỳ ảo và lung linh sắc màu. Soi đèn vào vách đá, chúng tôi sững sờ trước những phiến thạch màu trắng, hồng, huyết dụ chen nhau rũ xuống tuyệt đẹp.
Bước qua từng “bậc cấp” bằng nước mát rượi để đi sâu vào thế giới của động khoảng 700 m, một sân khấu tráng lệ với những cột đá cao pha lẫn thạch nhũ hiện ra. “Nơi đây những năm 1967-1969 thường xuyên diễn ra hoạt động luyện tập và biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con trú ẩn trong những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược”, vừa dò từng bước chân vào động, Kray Sức vừa không quên cung cấp thông tin cho chúng tôi.
Dọc động PLe độ 300 m, đoàn tiếp tục vượt qua 9 tháp nhũ, tiến tới hồ Âm Ty nước xanh ngắt sâu thẳm xuống lòng đất. Bám vào thành động khoảng chừng 200 m nữa thì bắt gặp đường lên “thiên đàng”. Một khung cảnh thanh bình hiện ra trước mắt chúng tôi khi ánh mặt trời xuyên qua vách động, những bức thạch nhũ càng thêm lung linh, hòa với tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim rừng lảnh lót đâu đây. A Po Ly Hong hiện lên trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp bí ẩn và quyến rũ khiến ai nấy đều thán phục.
Nguy cơ bị xâm hại
Qua Kray Sức, chúng tôi được biết thêm, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, động A Po Ly Hong là nơi cất giữ bí mật hàng tấn lương thực, đạn dược phục vụ Sư đoàn Ngự Bình, Trung đoàn 6 (Thừa Thiên Huế), Trung đoàn 7 (Quảng Trị), Sư đoàn 02 (Bộ Quốc phòng), K8, K10, K14 (Bộ đội đặc công Quảng Trị) tạo nên chiến thắng đồi Ka Va, đồi Kăl Lưi, đồi Toai Ăng-Hang, đồi Păr Xưm, đồi A Veeh, đồi K-ưưr. Đặc biệt đây là nơi trú ẩn của đồng bào 4 xã Hải Phúc, A Ngo, Húc Nghì và Tà Rụt vào những năm 1969-1972, có 12 đứa trẻ được sinh ra từ hang động này.
Năm 2006, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận A Po Ly Hong là Khu di tích-danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, A Po Ly Hong như một nàng tiên bị ngủ quên trong rừng, chưa được đưa vào khai thác một cách có hiệu quả. Kray Sức chia sẻ: “Tuy thuộc địa bàn thôn Apul nhưng thực tế cả 4 thôn Tà Rụt 1, 2, 3 và Apul đều có dân sinh sống, làm ăn trong khu vực động A Po Ly Hong (riêng thôn Apul có 85 hộ/1.782 khẩu). Kể từ khi có đường vào động, một số người ngoài địa bàn đến làm ăn tại đây đã lợi dụng khai thác lâm sản, săn bắt động vật quý hiếm trái phép, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái quanh động. Họ còn tự ý vào động cưa, bẻ thạch nhũ mang về làm cảnh”.
Trên đường đi, chúng tôi thấy nhiều cây rừng có độ tuổi hàng trăm năm bị chặt phá, nằm ngổn ngang. Tham quan động thì thấy có những chùm thạch nhũ có vết dao, vết cưa ngang làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của động.
Qua tìm hiểu, hiện công tác quản lý động và khu vực quanh A Po Ly Hong còn kém, lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng, cả 4 xã A Bung, A Ngo, A Vao và Tà Rụt chỉ có 4 cán bộ kiểm lâm tuần tra, riêng đối với chính quyền địa phương chưa có giải pháp cụ thể để xử lý những vi phạm đến khu di tích, danh thắng cảnh này.
Đem vấn đề quan tâm trên trao đổi với anh Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, chúng tôi được biết, thời gian qua Khu di tích-danh lam thắng cảnh này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Xã chỉ triển khai một số giải pháp chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân địa phương và người di cư tự do nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có chủ trương, biện pháp để xã phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm hang động; cần có chủ trương, xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát và có chính sách cụ thể kèm theo kinh phí để hỗ trợ công tác bảo vệ tiến tới khai thác tiềm năng A Po Ly Hong phục vụ du lịch, phát triển KT-XH địa phương.
Chia tay A Po Ly Hong, chúng tôi đem theo trăn trở, mỏi mong về một ngày không xa, du khách khắp mọi miền đất nước sẽ tìm về đây để tham quan, khám phá và tìm hiểu về một hang động không chỉ đẹp mà còn có bề dày lịch sử của đồng bào Pa Kô. Nhất là khi con đường bê tông chạy vào U Sau được hoàn thiện, sẽ nâng bước chân du khách đến với A Po Ly Hong ngày một gần hơn...
Du lịch, GO! - Theo Kô Kăn Sương (Quảng Trị Online), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét