Đèo Ô Quy Hồ (còn gọi là Cổng trời Hoàng Liên) - ranh giới giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển, thật hiểm trở với những đường cong díc dắc.
Mấy năm nay đèo Ô Quy Hồ là điểm đến của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách châu Âu, bởi cảnh sắc độc đáo của vùng "Cổng trời Hoàng Liên". Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "vua" đèo Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai.
Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km, dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40km, thuộc Yên Bái).
Có thể chinh phục "vua" đèo từ hai phía: đi đường Tam Đường (tỉnh Lai Châu) lên hoặc đổ từ Sa Pa (tỉnh Lào Cai) xuống. Dù đi bằng đường nào, ngọn đèo này cũng làm "thót tim" du khách. Con đường uốn lượn, không ít lần du khách phải nép sát vào vách núi để tránh những chiếc xe hơi đổ đèo với tốc độ cao. Những dãy núi cao ngất với đám rễ cây chằng chịt, bên kia là những dãy taluy chênh vênh trên thung lũng sâu thăm thẳm. Mây bao phủ các ngọn núi xung quanh hay dưới thung lũng làm khách cảm giác như đang bồng bềnh giữa biển mây…
Xuất phát từ thị trấn trong mây Sa Pa, chúng tôi kiểm tra xe thật kỹ lưỡng, cột hành lý chắc chắn, ăn vận kín đáo với áo khoác dầy cộm và khăn choàng kín cổ. Mùa này, Sa Pa lạnh khoảng 10 độ thì lên đến đỉnh đèo, nhiệt độ giảm thêm vài độ nữa. Ra khỏi thị trấn dù đã khá trễ nhưng mặt trời vẫn chưa vén được tấm mây để soi xuống mặt đất. Được khoảng vài cây số, gần đến ngã ba đi Bản Xèo để vào Mường Hum, đi Y Tý, bất chợt chúng tôi nhìn thấy những giàn su su nằm dọc theo triền núi vắt lên đến đỉnh rồi đổ xuống tận thung lũng sâu.
Qua khỏi "con đường su su" khoảng 5 cây số là đến Thác Bạc, một danh thắng của Sa Pa. Từ đây, đường càng hiểm trở, cứ ngoằn ngoèo như thách thức các tay lái vốn quen với đường đồng bằng trải nhựa phẳng phiu. Càng lên cao, sương mù càng dày. Đôi khi, phía trước tầm nhìn chỉ còn một vài mét. Xe chỉ dám "bò" từ từ, bám gần sát vách núi để đảm bảo an toàn. May thay, vừa lên đến đỉnh, qua khỏi trạm kiểm lâm Trạm Tôn vài cây số, trời quang mây. Không gian trước mắt vô cùng hùng vĩ.
Từ đỉnh đèo, tức vị trí Cổng trời, trước mắt chúng tôi là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nối tiếp nhau chập chùng. Cao nhất là đỉnh Phăng-xi-păng nhọn hoắc. Từng đám mây bay qua, ôm chằm lấy đỉnh núi. Trước mặt là con đường uốn lượn như dải lụa, lẩn khuất vào rặng cây, vách núi. Khi chưa mở rộng con đường này, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Có những đoạn đường chỉ rộng chừng hai mét, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Người ta kể những câu chuyện rợn người về thú dữ rình rập chuyên săn vồ người, khiến người yếu bóng vía nghe xong đã thấy rùng mình.
Khi trở lại đỉnh đèo, du khách có nhiều lựa chọn để khám phá vùng đất Tây Bắc. Đi thăm thác Bạc là một trong những thác đẹp nhất Sa Pa nằm ngay trên con đèo hay rẽ vào Bản Xèo chừng 30 cây số là Mường Hum tuyệt đẹp với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ hay phiên chợ vào cuối tuần hấp dẫn khách khám phá. Vào sâu thêm một chút là Y Tý, nơi có thể ngắm mây từ trên cao. Từ đây, đi theo đường vành đai biên giới Việt-Trung, du khách đến Lào Cai. Trên cung đường này, du khách sẽ khám phá được ngã ba nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt và những cột mốc chủ quyền suốt khoảng 100 cây số này...
Hiện nay, con đèo dài 50 cây số này đã được trải nhựa và mở rộng để nối liền hai tỉnh, hình thành cung đường du lịch hấp dẫn. Gần cuối năm 2012, mạng thông tin điện tử quốc tế có uy tín Globalgrashopper đã bình chọn đèo Tây Bắc là "vua" - một trong mười danh thắng đẹp nhất Việt Nam. Không ít đoàn mô tô, xe địa hình của du khách quốc tế đến đây để chinh phục đèo và những cung đường hấp dẫn của Sa Pa.
Chúng tôi tiếp tục hành trình về phía cuối đèo. Vẫn con đường uốn lượn và hiểm trở. Đến chân đèo, nhìn lên dãy Hoàng Liên Sơn mới thấy được sự hùng vĩ của nóc nhà Đông Dương. Nhìn lại cung đường vừa trải qua đầy nguy hiểm mà rùng mình nhưng đầy thích thú để tiếp tục trở lại con đường vừa đi qua. Từ phía chân đèo, chúng tôi phải di chuyển một đoạn đường xa đầy trắc trở, ngược dốc nguy hiểm để trở lên đỉnh đèo trước khi về lại thị trấn trong mây Sa Pa.
Đúng là đỉnh con đèo này xứng danh là "vua" đèo Tây Bắc - nơi chúng tôi sẽ trở lại và rất nhiều người đang tìm đến.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức (báo Cần Thơ), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét