Khám phá quần thể đá ong cổ

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Bãi đá cổ hay còn có tên gọi khác là Bãi Tiên là một quần thể đá ong được sắp xếp theo hình thù lạ mắt. Bãi Tiên gắn liền với truyền thuyết về già làng Rlem người có công đầu tiên trong việc đưa cộng đồng người S'Tiêng về huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) khai hoang, lập nghiệp.

Ngày già Rlem mất, tất cả đồng bào S'Tiêng đến làm lễ an táng để đưa già về cõi trên thì trời đất bỗng nhiên trở nên đen tối, lạnh lẽo khiến người và vật tại buổi tang lễ đều hóa đá. Dựa vào truyền thuyết này, người S'Tiêng rất tôn sùng bãi đá cổ và xem đó là biểu tượng của sự thiêng liêng, may mắn cho cộng đồng.

Kỳ bí ngôi mộ hình kim  tự tháp

Chúng tôi mất hàng giờ đồng hồ đi lòng vòng trên những con đường đất đỏ bazan trơn trượt và các lô cao su bạt ngàn, mới đến được địa bàn của cộng đồng người S'Tiêng, nơi bãi đá cổ có niên đại hàng trăm năm ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình cư trú, người S'Tiêng tiếp xúc với nhiều hiện tượng tự nhiên. Trong đó có đá, một vật vô tri vô giác được người S'Tiêng tiếp cận và suy nghĩ theo một cách rất riêng. Đó chính là hình tượng và thần thánh hóa, đưa đá trở thành biểu tượng của sự linh thiêng, luôn mang điều may mắn đến cho cả cộng đồng. Do đó, trong quá trình xây làng, lập ấp, dựng nhà, người S'Tiêng sẽ không lựa chọn những nơi có nhiều đá lớn, vì họ cho rằng đó là nơi thần linh an ngụ nên người dân cư trú sẽ gặp nhiều điều không may.

< Bãi đá cổ gắn với câu chuyện truyền thuyết về già làng Rlem.

Xung quanh những hòn đá, người S'Tiêng, đã xây dựng nên những câu chuyện cổ tích, thần thoại mang màu sắc huyền bí để ca ngợi các hiện tượng của đá. Điển hình như câu chuyện truyền thuyết về già làng Rlem gắn với liền với bãi đá ong cổ hay còn gọi là Bãi Tiên được đồng bào S'Tiêng ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Cách đây hàng trăm năm, già Rlem là người có công đầu tiên trong việc đưa con cháu đến địa bàn huyện Lộc Ninh khai vỡ đất hoang để an cư lập nghiệp. Trong một ngày đang phát rẫy, già Rlem vô tình phát trúng cây nứa, một loại cây rất độc nên đã lâm bệnh phải nằm liệt giường nhiều ngày. Cũng vào năm đó, dân làng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày phá dỡ đất hoang lập ấp.

Già làng Rlem là được đồng bào tín nhiệm để đại diện cho đồng bào S'Tiêng đến khu vực Bãi Tiên để làm lễ cúng thần. Nhưng khi già vừa tới nơi thì bệnh cũ tái phát và qua đời ngay sau đó. Để tưởng nhớ già làng Rlem, người S'Tiêng tiến hành làm lễ mai táng tại chỗ già nằm xuống. Song, trong khi người dân làm lễ mai táng cho già Rlem thì trời đất bỗng nhiên nặng trĩu biến thành một màu đen và vô cùng lạnh lẽo khiến cho các đồ vật, và những người đang có mặt ở lễ tang đều biến thành đá tạo thành cảnh quan như thời điểm hiện nay.

< Già Điểu Khưns nói về sự huyền bí của bãi đá cổ.

Theo quan sát của chúng tôi, Bãi Tiên gồm hai vòng đá ong, vòng ngoài hình tròn, vòng trong hình vuông. Xung quanh có rất nhiều khối đá ong có kích thước và hình dáng khác nhau.

Nằm giữa bãi đá có một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ này, cộng đồng người S'Tiêng đều cho là của già Rlem. Trước đây, ngôi mộ có hình kim tự tháp được đắp bằng nhiều phiến đá ong rất công phu, tỉ mỉ. Tuy nhiên, do sự bào mòn của thiên nhiên ngôi mộ không còn nguyên hiện trạng như xưa nữa.

Nói về bãi đá cổ, già làng Điểu Khưns (76 tuổi) ngụ tại xã Lộc An cho biết: "Từ ngày bé tôi đã nghe về các cụ, các bà kể câu chuyện về bãi đá cổ và ngôi mộ này rồi. Ngày trước bãi đá này có cảnh sắc rất đẹp, nào là cây cối mọc xum xuê, các loài hoa phong lan, hoa bằng lăng đua nhau khoe sắc, chim chóc hót líu lo cả ngày. Phía bên dưới là dòng suối nước chảy róc rách nghe rất vui tai, nên được người dân đặt cho cái tên Bãi Tiên. Vào các ngày lễ hội của làng, bãi đá cổ trở thành nơi hay lui tới của cộng đồng người S'Tiêng”.

Tạo tác của thiên nhiên hay của người xưa?


< Già làng Điểu Khê.

Theo các cán bộ văn hóa địa phương, trước đây, khi chưa có cách giải thích các hiện tượng tự nhiên theo khoa học, người S'Tiêng đều dựa vào kết cấu của đá để lý giải về thời tiết. Đặc biệt là những nơi có đá tập trung với số lượng lớn có hình thù đồ sộ, kỳ dị hoặc giống với hình ảnh trong cuộc sống thường ngày càng được người S'Tiêng quan tâm và tôn sùng. Từ đó, đá luôn có mặt trong các lễ hội, nghi lễ cúng thần linh với mục đích cầu mong thần đá sẽ mang đến sự bền vững, may mắn cho mọi người.

Già làng Điểu Khê (86 tuổi) ngụ tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh bộc bạch: "Trong quá trình đi làm nương rẫy, săn bắn ai phát hiện được viên đá có hình thù kỳ dị, phát ra ánh sáng đều là người có số hên, được thần linh (Yàng) giao cho nhiệm vụ thực hiện cầu nối giữa thần linh và con người. Từ đó, người này trở thành nhân vật quan trọng đối với cả cộng đồng. Mỗi khi buôn làng có việc quan trọng phải tìm đến người này để thông qua, hỏi ý kiến như xem ngày, cưới hỏi, làm nhà... Không chỉ vậy, trong các lễ hội truyền thống người này còn là người đứng đầu thực hiện nghi lễ cúng bái. Viên đá do người đó cất giữ cũng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ. Và bất kỳ lễ hội nào của cộng đồng đều phải thực hiện nghi lễ cúng đá thần trước, sau đó mới tiến hành các thủ tục khác".

Có thể nói, người S'Tiêng ở huyện Lộc Ninh có cách quan niệm về đá khác với một số đồng bào dân tộc khác. Nhưng chung quy lại đều sử dụng đá để giải thích về các hiện tượng thiên nhiên mà họ nhìn thấy hằng ngày, hoặc để gửi gắm những điều mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, an bình hơn.

Không biết tự lúc nào, quan niệm về đá trở thành phong tục riêng của người S'Tiêng trong các nghi lễ như tục cúng nhà mới, lễ hội mừng lúa mới... Ngày nay, xã hội có nhiều tiến bộ, nhận thức của người dân đã đổi thay nhưng hình tượng về đá, quan niệm về đá và cách sử dụng đá trong đời sống sinh hoạt của người S'Tiêng vẫn còn tồn tại.

Theo ông Trần Thanh Tùng, giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết, "Bãi đá cổ và ngôi mộ của già làng Rlem được truyền miệng trong cộng đồng người S'Tiêng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2008, bãi đá trên mới được các cơ quan chức năng phát hiện là quần thể đá ong được sắp xếp theo một hình thù lạ mắt. Với sự sắp xếp của các khối đá, nếu bỏ các yếu tố huyền bí thì nơi đây là địa điểm để tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản địa như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội bỏ mả... Bãi Tiên mang tính chất khảo cổ học và dân tộc học. Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được niên đại của bãi đá này. Bãi Tiên đi vào văn hóa, truyền thuyết của người dân bản địa từ nhiều đời nay, nên có thể nói rằng nó được hình thành từ rất sớm".

Du lịch, GO! - Theo Quyên Triệu (Người Đưa Tin) + web Bình Phước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc