Không thể tưởng tượng được rằng, ở nơi cao nguyên đá hùng vĩ vắt qua địa phận bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ở cực Bắc Hà Giang lại có một thị trấn thanh bình và lãng mạn đến thế.
Ở thị trấn Đồng Văn có một quần thể kiến trúc phố và chợ cổ đã tồn tại đến nay hơn 100 năm tuổi ở trung tâm thị trấn, lọt thỏm giữa bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn bão.
Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, có hình vòng cung kéo dài hàng cây số tít tắp về phía chân núi. Hiện nay, phố cổ Đồng Văn còn có khoảng 40 ngôi nhà cổ xây dựng vào khoảng những năm 1810-182.
Xưa kia, khu vực trung tâm Đồng Văn thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phù Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Từ thời xưa, các dân tộc Tày, Mông, Hoa, Kinh, Lô Lô…đã quần tụ ở xã Đồng Văn.
Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang và lập ra bốn khu vực tại Đồng Văn, giao cho các thổ ty người địa phương cai quản. Thời điểm đó cũng là lúc phố cổ Đồng Văn ra đời, mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam- Trung Quốc rất độc đáo.
Kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ ở miền sơn cước này là những ngôi nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói âm dương trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ rất chắc chắn, nền lát đá, tường trình đất, hàng cột lớn. Nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp và được làm từ gỗ nghiến nên đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Một đặc trưng nữa dễ nhận thấy ở phố cổ Đồng Văn là trước cửa nhà có đèn lồng đỏ treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.
Công trình chợ Đồng Văn là sự kết hợp kiến trúc Việt - Hoa gồm những dãy cột đá ba bốn người ôm được đục đẽo rất đẹp với kết cấu hình chữ U tráng lệ, lối kiến trúc trên đá được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 - 1928. Khu chợ Đồng văn là nơi mua sắm, gặp gỡ, trao đổi hàng hóa của bà con các dân tộc. Ngày họp chợ, các thiếu nữ H'Mông, Pu Péo, Lô Lô xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc từ các bản làng xa xuống chơi khiến cho phiên chợ rực rỡ những sắc mầu thổ cẩm hoà với nét cổ kính đã tạo ra nét văn hóa đặc sắc.
Bức tranh về khu phố cố được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày.
Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng, …
Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến, trong ánh sáng lờ mờ từ những chiếc đèn dầu, đâu đó lại phát ra âm thanh quen thuộc của tiếng kèn môi của các chàng trai Mông gọi bạn tình.Vào những đêm cuối tuần, không gian trong các quán chợ lại rộn ràng hơn với những bài hát dân ca, điệu múa giao duyên của các chàng trai, cô gái từ các bản tập trung về đây.
Dạo chơi phố cổ vào những đêm trăng tròn, du khách sẽ thấy những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa mỗi ngôi nhà, ngoài ra người ta còn trưng bày các sản vật địa phương như thổ cẩm, khèn, mật ong…và biểu diễn văn nghệ dân tộc, múa khèn, nấu thắng cố, uống rượu ngô và cùng trò chuyện. Các hoạt động vừa quen vừa lạ, nhưng rất độc đáo, tạo thêm một điểm nhấn cho khu phố cổ Đồng Văn.
Du lịch Đồng Văn chưa phát triển, chưa bị thương mại hóa quá mức như ở Sapa. Vì vậy đến đây du khách sẽ tha hồ chiêm ngưỡng những khung cảnh đặc thù. Nơi đây là điểm du lịch kỳ thú ở cực Bắc nước ta, nơi còn lưu giữ được những phong tục, tập quán lâu đời và các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào các dân tộc.
Du lịch, GO! - Theo Bảo Anh (Thể Thao Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét