Trạm Quản lý đường sông Ba Mom (nằm trên vịnh Hạ Long, thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3), là trạm duy nhất của phía Bắc nằm biệt lập trên một đảo đá, không hề có dân cư.
Muốn ra đảo phải đi nhờ chiếc tàu hàng nào đó chạy qua luồng Hòn Gai - Ba Mom, rồi gọi đò đánh cá “tăng bo” vào đảo. Ông Dương Văn Thời - người lái xuồng đưa chúng tôi ra đảo, từng 10 năm làm việc tại Trạm QLĐS Ba Mom; còn ông Nguyễn Hoài Nhơn - Phó giám đốc công ty, cũng từng “cắm chốt” ở đảo vài tháng hồi 1970. Ông Thời kể: “Hồi ở Ba Mom, lần nào ra đảo phải đi nhờ tàu qua tuyến, khi gần đến nơi thì cởi quần áo ra, cuốn nilon, đeo vào người rồi nhảy xuống nước, tự bơi vào”.
< Dĩn đốt.
Biển chiều cuối năm lặng gió, nhưng cũng phải hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới trông thấy đảo đá Ba Mom thấp thoáng phía trước, với ngôi nhà màu vàng, có lá cờ đỏ bay phấp phới. Nhìn từ xa, đảo Ba Mom rộng chừng vài ngàn mét vuông bốn bề là nước, đâu đâu cũng toàn thấy đá dựng lởm chởm, xen lẫn là cây dại. Biết tôi sẽ qua đêm trên đảo, ông Thời dặn dò: “Đêm trên đảo nhiều dĩn lắm, nếu giết nó, những con khác thấy mùi máu sẽ bu đến đông hơn. Lại có nhiều rắn lục, ban đêm đừng đứng gần các hốc đá...”.
Chỉ vào đảo Ba Mom, Phó giám đốc Nguyễn Hoài Nhơn giới thiệu vắn tắt, nhà trạm nằm cách mặt nước biển 30m, được xây dựng từ những năm 1960. Cuối năm 2001, một dự án của Chính phủ Canada tài trợ cho xây tại đây thêm 2 phòng, dùng để phục vụ sơ cấp cứu y tế trong khu vực và dạy học cho con em dân chài. Trạm có 9 người, được giao quản lý đoạn tuyến dài 52km, là tuyến đường thủy kiểu mẫu quan trọng, nối cửa khẩu quốc tế Móng Cái và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung bình mỗi tháng có hơn 17.000 lượt phương tiện qua lại.
Ông Nguyễn Minh Tuân - Trạm trưởng, xuống tận mép nước đón, dẫn chúng tôi gần trăm bậc cầu thang để lên nhà trạm, tranh thủ trò chuyện: “Anh em trên đảo coi nhau như gia đình. Do điều kiện sống, công tác ở đây khắc nghiệt nên gần đây công ty thường luân chuyển nhân sự vài năm một lần. Nếu ở đây lâu quá e rằng có công nhân sẽ ế vợ...”. Biết được điều này nên tôi không quá bất ngờ khi gặp lại anh Ngô Doãn Tâm - người chỉ vài tháng trước còn là trạm phó một trạm trong đất liền, nay được điều chuyển thành Trạm phó đảo Ba Mom. Người có thâm niên lâu nhất chính là Trạm trưởng Nguyễn Minh Tuân với 17 năm liên tục làm việc tại đây. Đáng ra ông Tuân có thể về trạm nào đó trong đất liền, nhưng ông bảo, ở đây lâu rồi thành quen.
Ông Tuân nói vui: “Nhà báo thấy không khí trong lành không. Ai ra đây cũng khen phong cảnh đẹp đấy, nhưng hỏi đùa rằng có thể ở đây một tuần không, thì đều lắc đầu”. Cuộc sống ở trạm luôn khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Từ mớ rau, quả trứng đến lon nước ngọt, điếu thuốc hay các vật dụng sinh hoạt cũng đều đắt đỏ gấp 3 - 4 lần so với trong đất liền. Anh em trên đảo muốn trồng một vạt rau hay thả giàn mướp cũng không có đất để trồng, hoặc nếu thả được gốc mướp vào hốc đá thì ngọn mướp cũng không sống được trước sự khắc nghiệt của gió biển, có chăng chỉ trồng được những khóm xương rồng hay cây sống đời.
Chẳng thế mà, có đợt một ngọn mướp nở hoa được trên đảo đá Ba Mom đã trở thành nguồn cảm hứng thơ: “Lách hòn đá tím mướp bò ra/ Lứa vừa rụng rốn lứa ra hoa/ Ước chi có mẹ ra chơi đảo/ Ngọt bát canh tôm tựa quê nhà”... Ngay cả chuyện nuôi các con vật ở đảo cũng khó. Nhiều lần anh em đã thử nuôi gà, mèo, nhưng lần nào gà cũng bị chuột ăn hết, còn mèo thì tự nhiên sợ người và bỏ đi hoang.
Cam go nhất là nước ngọt và điện sinh hoạt, ngày nào mọi người cũng phải dè sẻn từng ca nước, từng giờ chạy máy phát điện.
Trạm đã xây được bể chứa nước mưa, nhưng chỉ đủ dùng trong hơn nửa năm, anh em phải bỏ tiền túi thuê tàu chở nước ngọt từ đất liền ra. Từ cán bộ đến nhân viên đều phải tiết kiệm tối đa việc sử dụng nước, đến nỗi quy ước với nhau rằng nếu ai sắp được về nghỉ phép hoặc vào đất liền thì hạn chế tắm và “để dành” quần áo bẩn vào đất liền “giặt một thể”. Nguồn điện sinh hoạt ở đây phụ thuộc cả vào chiếc máy phát... dành cho nạp ắc quy. Xăng dầu dùng cho máy phát đã khoán theo định mức, nên anh em cũng chủ yếu “dùng ké” để xem thời sự buổi tối trên tivi. Đã thế, chiếc máy phát điện này thường trục trặc, có khi phải sửa hàng chục ngày mới xong.
Điều kiện địa lý như vậy nên không ít lần trong mùa giông gió, anh em nhà đèn không mua được thực phẩm, phải ăn mỳ tôm, gạo rang, đu đủ thay cơm.
Sau những giờ làm việc dưới nước thì chỉ còn biết đi lại trong mấy chục mét vuông nhà trạm. Trạm phó Ngô Doãn Tâm, nhà chỉ cách trạm chừng 2 - 3 cây số theo đường chim bay, nhưng dù có muốn mỗi tuần về nhà một lần cũng không được vì không có phương tiện. Ngay cả Trạm trưởng Nguyên Minh Tuân, vẫn còn cảm giác ngậm ngùi khi nhắc đến những ngày giáp Tết, cả trạm chỉ còn hai người ở lại trực, buổi chiều buồn quá ra hành lang nhà trạm nhìn xuống biển, có lúc gặp tàu người quen đi qua vẫy tay chào và chúc “ở lại ăn Tết vui vẻ” mà thấy rưng rưng nỗi nhớ nhà.
Dẫu vậy, nhưng cán bộ, công nhân của Trạm QLĐS Ba Mom vẫn luôn vững vàng và trách nhiệm trong công việc, dù trong thời tiết giông gió hay đêm tối vẫn kịp thời có mặt trên tuyến để giải quyết những sự vụ liên quan đến ATGT luồng tuyến.
Tôi lướt nhanh cuốn sổ công tác năm 2011 của trạm, phần nào thấy được điều đó: “4h sáng ngày 25/2, đơn vị có mặt tại Km 15 để chốt trực đảm bảo giao thông sau khi nhận được tin sà lan NĐ-1748 chở 400 tấn clinke va vào núi bị đắm; 3h sáng ngày 6/7, chốt trực tại Km 9 sau khi tàu HD-0199 đâm va tàu QN-1748 gây đắm; 5h sáng 24/8, chốt trực tại hiện trường đầu Cửa Lục - nơi tàu tàu NB-2378 chở gần 300 tấn hàng bị lật úp; 21h ngày 30/8, chốt trực tại cửa Ba Hang, nơi tàu HD-1348 bị chìm...”.
Sự đóng góp thầm lặng của những người thợ đường thủy ở Trạm Ba Mom không chỉ mang lại sự bình yên luồng tuyến, mà còn cứu giúp nhiều người dân. Trạm QLĐS Ba Mom từng cấp cứu kịp thời 5 nạn nhân bị tai nạn lao động nguy hiểm như thủng dạ dày, bất tỉnh vì chấn thương, rắn độc cắn... Những năm 1986 - 1987, “nhà đèn” Ba Mom còn được nhiều người biết đến với chiến công bắt gọn toán cướp có vũ khí, giao cho Công an huyện Yên Hưng, Quảng Ninh.
Du lịch, GO! - Theo Thanh Lộc (báo Giao Thông Vận Tải), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét