Lầu Bảo Đại - Nha Trang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Lầu Bảo Đại, tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (núi Chụt), cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km, với kiến trúc độc đáo kết hợp hài hoà giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông, là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

< Đường lên Lầu Bảo Đại.

Đây là nơi nghỉ dưỡng của vị Hoàng Đế cuối cùng triều Nguyễn Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương mỗi khi đến phố biển Nha Trang...
Từ trung tâm thành phố Nha Trang, du khách đi dọc theo phố biển Trần Phú về phía nam tới gần cuối đường, sát bến cảng sẽ gặp một ngọn núi nhỏ bên trái với một con đường nhỏ dẫn lên.

Đi theo lối này lên núi, một không gian tràn đầy màu sắc hoa lá và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mở ra. Những khối kiến trúc xinh xắn ẩn hiện sau những tán cây. Đó là khu Lầu Bảo Đại (hay còn gọi là Biệt Thự Cầu Đá và nay đã trở thành Khu du lịch bảo Đại).

Nhìn từ xa, núi Cảnh Long chạy dài theo bờ biển giống như con Rồng xanh khổng lồ ôm lấy Nha Trang, 3 ngọn đồi trên mỏm núi giống như đầu rồng đang giỡn nước. Đây là vùng đất "Tứ thuỷ triều quy, tứ thú tụ" có nghĩa là bốn mặt đều có nước bao bọc và bốn ngọn núi tượng hình bốn con thú tụ hợp lại để giữ gìn ánh khí: Núi Cảnh Long - Thanh Long hý thuỷ (Rồng xanh giỡn nước), Hòn Sinh Trung - Bạch Tượng quyện hồ (Voi trắng cuốn hồ), Hòn Trại Thuỷ - Ngọc bức hàm hoàn (Dơi ngọc ngậm vòng), Hòn Hoa Sơn - Kim Quy đới tháp (Rùa vàng đội tháp).

< Biệt thự Nghinh Phong.

Lầu Bảo Đại  là một cụm 5 toà biệt thự. Mỗi biệt được đặt một cái tên gắn với cây trồng xung quanh, như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.
Trong đó biệt thự Nghinh Phong ( Xương Rồng) và Vọng Nguyệt (Hoa Sứ) được chọn làm nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Cả hai ngôi biệt thự được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp có sự kết hợp hài hoà với nghệ thuật hoa viên xây dựng cung điện.

< Bãi tắm Hoàng Hậu yên bình.

Biệt Thự Nghinh Phong có dáng hình hộp chữ nhật, cao 2 tầng, cửa chính quay hướng đông. Từ sân trước của biệt thự có 2 đường vòng theo 2 hướng xuống chân đồi, đường vòng hướng Nam là đường bậc thang dẫn đến bãi tắm "Hoàng hậu", giữa đường này nơi gành biển có hòn đá tảng to là nơi vua Bảo Đại thường ngồi tận hưởng thú vui câu cá.

< Biệt thự Vọng Nguyệt.

Biệt thự Vọng Nguyệt nằm ờ đồi thứ 2 cũng cao 2 tầng và có dáng hình hộp chữ nhật. Khi vua Bảo Đại còn ở đây, tầng trệt được dùng làm phòng họp, chiêu đãi quan khách, tầng trên là nơi nghỉ của vua và hoàng hậu. Phía trên sân thượng là nơi vua và hoàng hậu đón gió, ngắm trăng lên. Mặt tiền biệt thự quay về hướng Bắc, nên đứng ở đây có thể nhìn rõ toàn cảnh Nha Trang. Bao quanh các ngôi biệt thự có nhiều cây cổ thụ như me, bàng, phượng, sứ,...xòe tán rộng phủ mát một vùng.

< Bàn trang điểm của hoàng hậu Nam Phương.

Hiện nay, 5 ngôi biệt thự được bảo quản gần như nguyên vẹn phục vụ khách tham quan, ngắm cảnh và lưu trú. Tất cả được cải tạo thành gần 50 phòng nghỉ. Trong đó, hai phòng ngày xưa vua Bảo Đại dùng làm phòng ngủ được khai thác làm phòng nghỉ đặc biệt là vua và hoàng hậu tại hai ngôi biệt thự Nghinh Phong (biệt thự Xương Rồng cũ) và Vọng Nguyệt (biệt thự Hoa Sứ cũ).

Tầng trệt lầu Nghinh Phong được làm nơi trưng bày các kỷ vật, hình ảnh liên quan đến vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Khu du lịch Bảo Đại đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến vua Bảo Đại tại Huế, Đà Lạt… và lập nên phòng tham quan này. Tại đây, du khách sẽ được nhìn thấy chiếc bàn làm việc và điện thoại được vua Bảo Đại sử dụng để giải quyết công việc khi đến nghỉ mát tại đây; bộ ghế sa-lông bọc nhung đỏ sậm mà nhà vua thường ngồi tiếp khách, chiếc bàn trang điểm nơi hoàng hậu Nam Phương từng soi bóng.

Đặc sắc nhất là chiếc sập gụ dài 2,5m, rộng 1,4m, dày 18cm. Chiếc sập này được làm từ trước năm 1930, hình dáng, kích thước và màu sắc giữ nguyên như cũ, là nơi nhà vua thường nằm nghỉ.

< Du khách làm vua và hoàng hậu.

Ngoài những hiện vật này, ở đây còn trưng bày những tư liệu, hình ảnh về 13 đời vua triều Nguyễn, lịch sử tóm tắt của từng vị vua, nhiều nhất là tư liệu về vua Bảo Đại và gia đình, lịch sử lầu Bảo Đại… Cùng với việc sưu tầm hình ảnh, hiện vật, khu du lịch còn sưu tầm và đặt may những bộ quần áo của vua, hoàng hậu, công chúa ngày xưa thường mặc tại Huế - nơi chuyên may quần áo cung đình để phục vụ cho dịch vụ “chụp hình nghệ thuật bên ngai vua” khiến nhiều du khách rất thích thú.

Về mặt ẩm thực, Khu du lịch Bảo Đại có 2 nhà hàng với sức chứa 1200 người, khung cảnh tuyệt đẹp, nhìn thẳng ra vịnh Nha Trang với các món ăn vô cùng phong phú, nổi bật là đặc sản thịt đà điểu, cá sấu, yến sào và các loại hải sản khác.

Từ Lầu Bảo Đại, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh biển Nha Trang thơ mộng, bình yên. Đêm đến, không gian yên tĩnh thoang thoảng mùi hương của hoa của cỏ cây, xa xa lấp lánh ánh đèn câu trên biển, chỉ còn tiếng sóng biển thì thầm.

Từ đây, du khách cũng có thể thuê tàu  hoặc ca-nô đi thẳng ra các đảo trên vịnh Nha Trang, như: Hồ cá Trí Nguyên, hòn Mun, hòn Tằm, làng chài...

Ngắm Nha Trang từ lầu Bảo Đại

Du lịch, GO! - Theo báo Khánh Hòa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc