Nhớ bánh ướt quê nhà

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bánh ướt là một trong những món có “duyên nợ” với nhiều người, nhất là những người đã từng sinh ra lớn lên ở vùng nông thôn.
Tùy theo từng vùng miền mà loại bánh này có những tên gọi khác nhau. Với người Nam Trung bộ, bánh ướt có nguồn gốc từ cách làm bánh tráng của người dân quê. Chỉ có điều, loại bánh này sau khi tráng chín, vớt ra ăn liền lúc nóng nên đòi hỏi người làm công phu, kỹ càng hơn để bánh có màu sắc, hương vị thơm ngon chứ không phải phơi khô như bánh tráng.

Người làm bánh ướt phải qua các công đoạn như đắp lò, chuẩn bị các vật dụng cần thiết: gạo ngon, chất đốt, xoong nồi. Từ cách chọn gạo đem ngâm gút xả nước rồi xay nhuyễn đến cách pha bột đòi hỏi phải có kinh nghiệm.

Ngày xưa, việc làm bánh ướt chủ yếu là để cả nhà cùng ăn đổi vị thay cơm cho ngon miệng hoặc để mời khách. Sau này, bánh ướt trở thành món ngon ở làng quê, được nhiều người đó đây ưa thích nên có những người làm bánh chuyên nghiệp.

Dù thế nào đi nữa thì các công đoạn làm bánh vẫn giống nhau. Chiếc nồi có căng mảnh vải dù trên mặt nước sôi ùng ục được đặt trên lò lửa cháy bùng, các mẹ các cô ngồi cạnh bên đôi tay thoăn thoắt làm việc trong làn hơi khói bốc lên ngút ngàn.

Các động tác như múc bột từ nồi đổ trên mặt tấm vải căng trên nồi tráng sao cho bột trải tròn mỏng đều rồi đậy nắp chiếc nồi lại, khoảng 1 đến 2 phút bánh chín thì một tay mở nắp nồi ra tay kia dùng chiếc que nan dẹt vót thật mỏng vớt bánh ra để bánh lên chiếc mâm hoặc tàu lá chuối non đã trải sẵn để bên rồi tiếp tục múc bột đổ vào nồi tráng… Cứ như thế, các động tác tráng bánh lặp đi lặp lại một cách đều đặn.

Nếu làm bánh bán, gặp lúc đông người, một người làm phải ngồi bên cạnh 3, 4 lò than và đôi tay phải hoạt động thoăn thoắt mới kịp cho khách dùng.

Bánh chín vớt ra trắng trong như sương, mỏng đều. Người làm bánh khéo tay gấp chiếc bánh làm hai hoặc làm tư xếp để cẩn thận.

Để cho từng cái bánh có hương vị thơm ngon, người ăn dùng cái thìa nhỏ múc hẹ đã phi dầu trong cái tô đã chuẩn bị sẵn để bên cạnh thoa đều lên chiếc bánh. Loại rau hẹ trồng ở quê tươi tốt xanh mướt nên hương thơm thật đậm đà. Làm như vậy bánh ướt không những có màu sắc hài hòa thẩm mỹ mà còn thơm ngon và đậm đà hơn.

Bánh ướt ăn lúc còn nóng có cảm giác vừa nóng dai, vừa mềm lại bùi bùi beo béo. Loại bánh này dùng phù hợp với các loại mắm và ăn kèm với rau sống cùng các loại thịt hoặc súp rất ngon.

Tuy nhiên, nhiều người lại thích ăn bánh ướt chấm với các loại mắm gia truyền như mắm cá cơm, cá sặc, cá mành, các loại mắm sò vì nó ngon độc đáo và đậm đà gấp nhiều lần. Nhiều người cho rằng, bánh ướt miền Trung là một món rẻ, ngon và đậm đà hương vị quê hương, gợi nhớ gợi thương.

Du lịch, GO! - Theo Mỹ Tuyết (Phú Yên Online), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc