(Baoquangbinh.vn) - Phía tây huyện Lệ Thủy, ở thượng nguồn sông Kiến Giang có vực nước sâu, bốn mùa trong xanh được biết đến với tên gọi là vực Anh Sinh, dân địa phương thường gọi là Trôốc Vực, hay còn gọi là vực Cây Sanh.
Vực An Sinh nằm giữa một vùng núi non trùng điệp. Phía tây là dãy núi Mã Yên, sách Ô châu cận lục của Dương Văn An viết: "Thế núi cao, dáng hình uốn lượn, chỗ đứt đoạn, chỗ liên tục, chỗ đổ xuống chỗ ngóc lên, trông như hình cái yên ngựa. Hai bên tả hữu có các núi vây quanh, có chỗ như ký mã thong dong, có chỗ như tuấn mã hăm hở. Tinh thần phong phú, khí vượng dồi dào...". Từ vực xuôi về phía đông, dòng Kiến Giang uốn lượn tưới mát cho những cánh đồng hai vụ lúa.
Vực An Sinh được người xưa biết đến là vùng đất thiêng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Sách Ô Châu cân lục của Dương Văn An viết: "Vực ở huyện Lệ Thủy, nơi ngã ba nguồn Thổ Lý. Trên thì triền núi mở rộng, dưới thì sắc nước xanh trong, nước trong nhìn thấu đáy, độ sâu không cùng. Tương truyền có thủy cung ở ngầm dưới đáy vực. Vào hôm có mưa mù u ám, thuyền đánh cá qua lại thường nghe thấy tiếng trống tiếng kèn. Đầu Xuân cầu mưa lập đàn cúng tế và mở hội đua thuyền, lập tức có mưa ngay".
Vực An Sinh là nơi hợp lưu giữa các nguồn nước từ trên núi đổ về chảy mạnh, xoáy tròn hút các thứ phù du xuống dòng sông nên vực rất sâu và người dân địa phương gọi là Trôốc Vực (đầu vực). Có thuyết cho rằng đáy Trôốc Vực thông với Bàu Sen, một hồ nước ở phía đông, gần biển nhưng nước vẫn ngọt. Có một giai thoại lưu truyền, người nông phu thả trái bưởi xuống Trốc Vực ngày hôm sau thấy quả bưởi đó nổi lên ở Bàu Sen. Lại có giai thoại cho rằng Troốc Vực thông với hồ nước Bàu Tró ở thành phố Đồng Hới.
Núi cao, vực sâu, nước xanh trong bốn mùa, vực An Sinh chứa nhiều câu chuyện huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng: Cao Biền, một quan chức đô hộ của phong kiến phương Bắc gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết trấn yểm bùa vùng đất nước Việt. Khi cưỡi diều bay về phương nam, qua Lệ Thủy thấy đây là vùng đất có vượng khí, nhiều long mạch. Từ trên cao nhìn xuống, Cao Biền thấy có nhiều nguồn nước cùng đổ vào sông Kiến Giang. Từ sông Kiến Giang, lại có nhiều kênh rạch tỏa ra bốn hướng chở nặng phù sa cho cánh đồng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Biết vùng đất này sẽ sinh vượng, Cao Biền hóa phép quyết lấp cho được long mạch bằng cách chặn đứng các dòng nước đầu nguồn. Một cuộc chiến giữa Cao Biền và thần thổ địa vùng sơn lâm diễn ra ác liệt. Cuộc chiến diễn ra liên tục ngày đêm, trời long đất lở, sấm sét đùng đùng.
Cao Biền phù phép gọi âm binh lấy đá lấp sông, thổ thần bản địa được sự trợ giúp của thủy thần long cung và dân làng dời đá khơi dòng. Không thể dời núi lấp sông, Cao Biền đành phải bỏ cuộc nhưng cuộc chiến đã làm cho núi đổi sông dời. Nguồn Rào Nậy trước đây chảy theo hướng tây- đông nay đến Trôốc Vực gặp hòn Lèn Trốc Vực chắn ngang nên phải chuyển dòng theo hướng nam- bắc qua Xóm Trấn, Xóm Chền, Mỹ Trạch, Mai Xá Thượng, Tiền Thiệp làm cho vùng đất này thêm trù phú.
Mặc dầu thắng trận nhưng để cầu yên cho vùng đất hạ lưu nguồn Rào Nậy dân địa phương vẫn lập miếu thờ Cao Biền trên một ngọn lèn ở Trôốc Vực và giao cho làng Quy Hậu cúng lễ. Hàng năm, vào dịp đầu xuân người ta lại lập đàn cúng lễ, mở hội đua thuyền cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đến với vực An Sinh, không chỉ là đến với một vùng sông nước huyền thoại mà còn đến với một trang sử hào hùng của quân dân Quảng Bình trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám.
Sau Hội nghị cán bộ Đảng thành lập Ban vận động thống nhất Đảng bộ tỉnh được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thủy), ngày 4 tháng 7 năm 1945 hội nghị Việt Minh được triệu tập tại một trại sản xuất bên vực An Sinh để chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh...
Xem thêm >
Theo Phan Viết Dũng (báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét