Bà Rá: nắng cháy và mây mù. (Phần 1)

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Bọn mình từ Phước Long về nhà trưa ngày 24.3. Do vài trở ngại nhỏ nên chuyến ni thu gọn: đi ngày thứ bảy, ngày 23.3 nhưng hôm sau đã trở lại thành phố, chỉ còn 2 ngày vi vu trên chiếc Win còi với chiều dài cung đường trên 450km.

Khởi hành lúc 4h30 sáng, bọn mình hướng về ngã 4 Hàng Xanh. Lộ trình chuyến đi dự định là cầu Bình Triệu 1 > QL13 - Thủ Đức > QL1 > TL743 > Hội Nghĩa > TL741 > Phú Giáo > đến Đồng Xoài. Từ Đồng Xoài, theo đường Phú Riềng Đỏ hướng về Phú Riềng > qua xã Bù Nho > qua ngã 3 Long Hưng > Phước Bình > ngã 3 Chợ Tư Hiền > đến phường Thác Mơ thuộc địa phận Phước Long sẽ nghỉ lại và khám phá vùng đất thành bình này.

< Đầu đường TL743 ngay ngã 6 An Phú đang sửa chữa nên bọn mình rẽ vào đường liên huyện. Ghé một quán nhỏ ven đường uống cà phê và ăn bún riêu bánh canh (chỉ 15k, cà phê 7k) xong thì quẹo trở ra ngõ CTy Minh Dương để vào TL743 (nơi này thuộc thị xã Dĩ An) hướng về ngã 4 Miếu Ông Cù.

Đây là lộ trình an toàn hơn thay vì đi bằng QL13 + QL14 do đường đi sẽ ngắn, khung cảnh thoáng mát hơn, ít xe hơn và cũng tránh được nhiều đoạn đang sửa chữa bụi tung mù mịt trên QL14 (chẹp).

< Từ ngã 4 Miếu Ông Cù, vẫn chạy thẳng để vào TL745 (bây giờ là TL747B) sẽ qua cây cầu có tên là Khánh Vân. Qua cầu một đoạn thì rẽ trái theo hướng Hội Nghĩa.

Cửa ngõ thành phố hướng Bắc, QL13 bọn mình đã đi nhiều lần (nhất là bà xã) nhưng chạy theo TL743, TL741 bằng xe gắn máy thì đây là lần đầu tiên. Vậy nhưng nếu ai lâu ngày không đến vùng đất này bây giờ sẽ thấy những thay đổi vượt bậc tại Thủ Đức, nhất là khi chạy ngang qua thành phố mới Bình Dương.

< Vượt qua bùng binh khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Theo từ điển Wikipedia thì:

Quận Thủ Đức là một quận cửa ngõ phía đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1997, Huyện Thủ Đức cũ đã được chia thành ba quận mới là Quận 9, Quận 2 và Quận Thủ Đức.
Trên địa bàn của Quận Thủ Ðức có Ga Bình Triệu, Làng đại học Thủ Đức, làng thiếu niên Thủ Ðức, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và rất nhiều cảng sông và cảng đường bộ.... Một phần phía Tây Nam của Thủ Ðức được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn.

< Qua một số nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp rồi thì TL747B thế này đây, lúc ni nắng bắt đầu lên rồi.

Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu điều vào "kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định)"...

< Xã Hội Nghĩa. Theo bảng hướng dẫn thì chạy thẳng là đi Cổng Xanh, rẽ phải đi xã Tân Thành - cả hai đều có khoảng cách 11km. Trên đoạn này, phía trái là cụm lò gạch vẫn còn làm theo lói thủ công. Mé phải sẽ chạy ngang qua trường THCS Hội Nghĩa.


< Bọn mình sẽ đi xã Bình Mỹ hướng đến Cổng Xanh.

Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1837, vua cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An chính là là vùng Thủ Đức ngày nay gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình.
Trong thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An (Thủ Đức) được cho chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

< Nghỉ chân, nạp và... xả nước!
Chiến mã Win còi bây giờ đã khá cũ kỹ nhưng vẫn có thể tả xung hữu đột.
Bố thắng trước sau thay không lâu nhưng cứ kêu cót két, hết chuyến này về thay luôn cho rồi. Bộ nhông sên dĩa Mạnh Quang chỉ vừa xài hơn 3 ngàn km vẫn lọc xọc dù canh chỉnh đúng, xem ra sẽ hao $ tiếp đây!

< Bạt ngàn rừng cao su ở Hội Nghĩa.

Trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) quận Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Trước năm 1975, quận Thủ Đức có diện tích vào khoảng 200 km² và gồm có tất cả 15 xã. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức và trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 6 tháng 3 năm 1997, theo nghị định 03/CP của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thủ Đức tách ra thành 3 quận là quận 2, quận 9, và quận Thủ Đức.

< Vào địa phận xã Bình Mỹ, đường khá vắng.

Có thuyết rằng tên gọi Thủ Đức là lấy từ tên một vị quan trấn thủ một khu đồi xưa trên khu vực này tên là Đức. Về sau, một thương gia tên Tạ Dương Minh đến đây lập chợ, lấy tên và chức của vị quan trấn thủ tên Đức kia đặt cho chợ Thủ Đức để tỏ lòng biết ơn, từ đó có địa danh Thủ Đức.

< Trạm y tế xã Bình Mỹ: thưa bóng người nhưng vẫn hoạt động đấy.

Các tuyến đường chính trên Quận Thủ Ðức là : Quốc Lộ 1A, Xa Lộ Hà Nội, Quốc Lộ 13, Quốc Lô 1K, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Ðặng Văn Bi, Tỉnh Lộ 43, Linh Ðông, Ngô Chí Quốc, Lê Thị Hoa, Hoàng Diệu 2...
Các tuyến đường đang được triển khai: đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đang trọng giai đoạn giải phóng mặt bằng - nối liền sân bay Tân Sơn Nhất đến Sân bay Long Thành - Ðồng Nai), đường Bình Thái - Gò Dưa (nối liền ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Thái - Xa Lộ Hà Nội)...

< Sắp đến ngã 3 Cổng Xanh: rẽ tái là đi Sở Sao (21km), còn quẹo phải đi Phú Giáo (16km).

Phát triển mạnh nhưng cũng chưa bằng thành phố giáp ranh là Bình Dương. Bình Dương là một trong những địa phương rất năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006, tỉnh Bình Dương đứng đầu cả nước với 76,23 điểm, trong khi thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, lần lượt xếp thứ thứ 40 với 50,34 điểm và xếp thứ 7 với 63,39 điểm.

< Đến ngã 3 Cổng Xanh, dĩ nhiên là mình rẽ phải đi Phú Giáo. Vị trí nơi này tại đây.

Bình Dương có khoảng 28 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều khu công nghiệp đã cho thuê gần hết diện tích như Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, VSIP - Việt Nam Singapore, Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và 5. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 938 dự án đầu tư, trong đó có 613 dự án đầu tư nước ngoài...

< Đường xa tít tắp. Đây chính là TL741 trên vị trí xã Phước Hòa. 6 làn đường rộng thênh thang với dải phân cách cứng chính giữa, chạy sướng hơn nhiều so với QL14, thậm chí ngon hơn nhiều đoạn trên QL1A.

< Trạm thu phí đường ĐT 741 đoạn Đồng Xoài – Phước Long mức giá áp dụng tùy vào từng loại phương tiện, dao động từ 10.000 – 80.000 đồng/vé/lượt. Xe gắn máy thì free.

< Tính từ Cổng Xanh đi đến Phước Long, mình qua ba bốn trạm thu phí thì phải. Vậy nhưng xác đáng hơn cung đường QL14: chắp vá tà la nhưng vẫn thu phí đủ!

< Trên cầu Phước Hòa mới bắc ngang con sông Bé, nhìn phía phải là cây cầu cũ - vị trí ở đây.

Bình Dương không phải là một địa phương mạnh về du lịch nhưng vẫn có những nơi đáng để tham quan, ví dụ như: Vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Làng tre Phú An, Chùa Hội Khánh, Sân golf Sông Bé, Hồ Bình An, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Làng nghề gốm sứ (ở các xã Hưng Định, Thuận Giao, Bình Hoà (huyện Thuận An)...
Trên đường về, theo lộ trình khác thì mình sẽ có dịp giới thiệu lại thành phố trẻ và năng động này, bạn nhé.

< Qua cầu là vào địa phận xã Vĩnh Hòa, ảnh là nhà thờ giáo xứ cùng tên.

< Qua cây cầu nhỏ có tên là Vàm Vá thì mình vào địa phận thị trấn Phước Vĩnh. Ảnh là Trung tâm Hành chính huyện Phú Giáo với cổng chào thật 'ngon cơm'.

< Rời thị trấn, đường vẫn thênh thang. Tốc độ cho phép với xe 2 bánh là 50km/h do đây là tỉnh lộ, còn nếu muốn cộng thêm 10 thì... tùy hỉ ở bạn!

< Một ngõ rẽ vào đường cụt bên phải, rộng thênh thang. Dường như người ta chuẩn bị cho một công trình gì đó.
Cũng chỗ này, có bảng quảng cáo về cáp treo núi Bà Rá dù từ đây đến đó vẫn còn quá xa...

< Công trình kia chưa có, chỉ hiện diện 'công trình' chỉnh chu này: trạm thu phí Tân Lập - vị trí tại đây.

< Qua Tân Lập, Tân Tiến... thì sẽ đến thị trấn Tân Phú. Thị trấn Tân Phú (là huyện lỵ) thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Lúc này tốc độ chỉ giới hạn 40km/h cho xe gắn máy, đường vắng nên mình 'cộng thêm' tí (he he).

< Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ tại Tân Phú. Đẹp nhưng có lẽ thiếu bóng dáng cây xanh trên vùng đất đầy nhiệt này.

< Mình ghé cây xăng đổ cho vợ hai 3 lít, từ Cổng Xanh đến đây mới thấy Petrolimex vì đây là lãnh địa của xăng dần Thalexim. Sẳn dịp vào rửa mặt cho tỉnh táo.
À, trong các chuyến đi xa: nếu cây xăng nhiều thì mình thường đổ mỗi lần chút một, phòng ngừa xăng... dỏm. Hồi sau mình đổ thêm một lần đầy bình, chạy về đến nhà vẫn chưa si nhê.

< Cổng chào thị xã Đồng Xoài, phía trái là bệnh viện Thánh Tâm vừa xây dựng.
Trời nắng gắt, chạy xe thì không sao nhưng dừng lại một tý là đượm mồ hôi.

< Lúc này, dải phân cách giữa đã là bồn hoa.

< Qua một ngã 3 lớn: con đường TL741 bây giờ mang tên là Phú Riềng Đỏ. Bọn mình lại thấy bảng quảng cáo của cáp treo Bà Rá chểm chệ trên dải phân cách.

Đồng Xoài chính là một thị xã của tỉnh Bình Phước, được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh. Đồng Xoài có vị trí thuận lợi nằm trên giao lộ giữa Quốc lộ 14 và tỉnh lộ 741, nối liền với các tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, …

< Ngã 4 Đồng Xoài đây, đường cắt ngang chính là QL14. Nếu rẽ trái, chạy khoảng 600m sẽ thấy tượng đài Chiến Thắng Đồng Xoài.

Toàn thị xã có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Dù chỉ chạy ngang qua thôi nhưng mình cũng nhận thấy rằng nơi đây rất phát triển, đường xá tấp nập.


< Mình thì chạy thẳng hướng về Phước Long.

< Rời khỏi thị xã, bất ngờ bọn mình gặp ngay chốt bắn tốc độ của CSGT: anh bên phải đang hướng 'súng' về phía bọn mình, anh phía ngoài cầm gậy GT. Mình đang chạy 49km/h... nhưng đang ở tuyến ngoài (do tránh xe đang đậu) nhưng không báo signal, tấp vào không kịp.
Bỏ xừ, vậy là 'dính quả' rồi!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc