Đoạn đường từ Mũi Lá Gan về xã Chí Công qua gành Rái, gành Son này chạy theo hình cánh cung, chỉ cách biển vài mươi mét. Ở nhiều khoảng dài, người dân nơi đây cũng đã biết tổ chức kinh doanh công nghệ không khói: "làm du lịch" rồi đấy!
Những chái nhà mái lá mới dựng cùng võng, bàn ghế để du khách có thể ngồi ăn uống, tắm biển... nhưng tất cả cũng chỉ trong quy mô nhỏ, khởi đầu thôi.
Chạy dài theo bãi biển là rừng dương rợp bóng mát, bãi sạch và có độ dốc ít, cát vàng. Nói chung tắm thì ok rồi, chỉ thiếu đá và núi tô điểm cho quang cảnh thêm nên thơ thôi.
Có vài quán ăn phía bên trong đường, ở giai đoạn đầu thì có lẽ giá cả vẫn còn mềm mại lắm với các hải sản tại nơi đây. Một dịp nào đó có đi ngang, bạn thử ghé thưởng thức một lần xem sao?
Đường nhỏ, chỉ hai làn xe nhưng phẳng phiu khiến tụi tôi lái chiếc Win chạy ngọt ngào. Căn cứ theo mốc bên vệ đường thì từ đây về Chí Công còn 11Km nữa...
< Đây chính là đoạn đường chạy ngang Gành Rái., rợp bóng dương phủ mát rượi.
Nắng khá gay gắt dù chỉ hơn 10h nhưng do gió biển lồng lộng nên không oi bức, nhất là khi chạy trên xe.
< Gành Son nằm phía xa xa với một màu đỏ đặc trưng của nhũ sa...
Theo góc nhìn ven mé biển: xa xa có một khoảnh vách đá đỏ, tôi nhủ thầm chắc đó là gành Son rồi. Qủa là đúng như vậy. Tôi quẹo trái ngay ngã ba đầu tiên của xã Chí Công, định hỏi đường nhưng không có ai nhưng thấy một ngã ba nữa bèn bẻ lái vào đó cầu âu...
< Bổng nhiên biển hiện ra trước mắt, ánh mặt trời soi bóng trên mặt sóng khiến mặt biển cả long lanh ánh bạc đẹp huyền ảo.
< Nhìn quá phía trái là Gành Son lồ lộ ánh đỏ của vách nhủ sa hùng vĩ dựng đứng hướng thẳng ra mặt biển Đông.
Qua bao thời gian, bao cơn bão lũ tàn phá miền trung: vách nhũ sa đã sụp mất khá nhiều. Nếu bạn nhìn dưới chân vách nhũ sa sẽ thấy nhiều
mảnh đá đỏ lớn nhỏ nằm chen lẫn trong các lùm cây bụi. Cái thay đổi rõ ràng nhất là bãi biển: những tấm ảnh cách đây 6 năm cho thấy bãi biển
có bậc thềm cát cao hơn 2 mét, sau đó mới tới bãi lài sát biển.
< Bãi biển Gành Son 6 năm trước.
Giờ đây bãi biển Gành Son có độ dốc thoai thoải từ trong vách nhủ sa ra sát
mép biển. Nói thật, khoảnh xói lỡ này do thiên nhiên thay đổi nhưng khiến bãi biển trông đẹp hơn ngày xưa.
Ảnh trên: Gành Son bây giờ (do máy tôi không chụp được panorama nên tạm ghép 2 ảnh lại vậy).
Chung qui: dù không được tôn tạo hay giữ gìn nhưng Ganh Son hiện tại vẫn đẹp lắm - Nếu có dịp đi ngang bạn cũng nên ghé qua một lần.
Thưởng ngoạn một hồi lâu, tụi tôi giả từ nơi này, trở ngược ra tìm đường về Phan Rí Cửa. Tuy nhiên đã vào Chí Công rồi mà trở ra lộ để chạy cho nhanh thì... tiếc, thôi cứ quẹo đại vào trung tâm xã tham quan một phát rồi tìm theo đường ven biển lối UBND xã Chí Công đi cho lạ. Hóa ra nhờ việc nhởn nhơ dạo phố xá này: tụi tôi mới biết được thêm một thứ hải sản đặt biệt tại đây!
Chí Công quanh co với hàng trăm con hẻm nhỏ đầy nhà cửa san sát, đông cư dân và đa số làm nghề biển. Người dân cũng hiền lành, hỏi đường đi ai ai cũng tận tình hướng dẫn khách phương xa.
Cái túi đựng chân máy ảnh có lẽ do hàng TQ rẻ tiền nên toạt chỉ, bà xã bèn ghé vào một hàng tạp hóa mua cây kim và cuộn chỉ đen giá chỉ 1k - dự định đến trưa về Mũi Né sẽ khâu lại chứ không thì cái chân máy rớt mất lúc nào không hay. Quanh quẩn một hồi, tụi tôi ra xóm chài ngay khu chợ chồm hổm cạnh biển.
Ven bãi biển xã Chí Công này, ngư dân trải lưới trên bãi cát rồi họ phơi một loại hải sản trên đó. Thứ đo đỏ tươi tắn mà bạn thấy ở hình bên chính là con ruốc đấy. Loài ruốc nhỏ này có hình dạng như con tôm với độ dài chỉ vài ba phân và chỉ xuất hiện ở vùng biển Chí Công trong tháng 11 âm lịch.
< Loại ruốc màu đỏ tươi lạ lẫm này khiến chúng tôi thoạt đầu cứ ngỡ là... những cánh hoa phượng!
Mùa ruốc năm nay dân vùng biển Chí Công tất bật rộn ràng: dưới biển, tàu thuyền tích cực vớt, lưới, trên bờ bà con ngư dân khẩn trương phơi khô, đóng gói. Trước đây ruốc được chế biến thành hai mặt hàng chính là mắm ruốc và ruốc phơi khô, tiêu thụ chủ yếu trong nước nhưng mấy năm gần đây ruốc tìm được đầu ra ổn định, xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Không chỉ ruốc qua sơ chế (luộc đóng gói), các nước này còn tiêu thụ rất mạnh ruốc khô, đặc biệt là ruốc tẩm đỏ- được ưu chuộng ở Nhật. Ở xã Chí Công chỉ có một số đại lý làm ruốc phơi khô tẩm màu, mỗi đại lý thu mua và sơ chế cả chục tấn ruốc. Hiện tại, 1 kg ruốc tươi tại biển giá 8.000 đồng, sau khi tẩm gia vị, phơi khô bán lại cho các công ty xuất khẩu ở Khánh Hòa với giá 40.000 đồng/kg loại 1 và 25.000 đồng/kg loại 2.
Kỹ thuật công nghệ tẩm được các công ty xuất khẩu tiếp thu từ phía Nhật Bản, Hàn Quốc và chuyển giao đến các đầu mối thu mua, cũng như hướng dẫn quy trình, tỷ lệ pha tẩm ruốc theo yêu cầu của đối tác. Ruốc tươi sau khi ngâm tẩm, được đưa phơi trên mành lưới, khi khô có màu đỏ tươi, bóng loáng rất bắt mắt. Với phương pháp này, ruốc được bảo quản lâu. Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần, với vụ ruốc năm nay, bà con ngư dân sẽ có thêm những khoản để lo tết.
Tạm biệt Chí Công, tụi tôi trực chỉ đường ven biển qua một khu vực đồi dương rộng lớn về Phan Rí Cửa, trong lòng vẫn hẹn lại một ngày nào đó lại sẽ ghé qua vùng dân cư đông đúc nhưng hiền hòa này.
Còn tiếp dài dài
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 -
Điền Gia Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét