Không phải thứ gì của xứ du lịch cao nguyên đều mắc mỏ với khách du lịch, nếu khéo léo chăm chỉ tìm tòi một tý: bạn cũng có những phòng trọ ấm cúng, sạch sẽ chỉ với giá 150k - bạn cũng sẽ tậu được khối thứ cần thiết với giá rẻ bất ngờ khi bỡ ngỡ với cái lạnh vùng cao như vớ, bao tay, áo gió (hàng sida khá mới) bán đầy ở khu hè phố công chợ Đà Lạt).
Cái quan trọng không kém là ẩm thực - phượt hay bụi một nhát mà túi không nặng bo thì đương nhiên cần tạm tránh nhà hàng và trực chỉ... chơ hay các gánh bán ven đường. Đừng cho rằng những nơi đây kém ngon, không sạch... mà lầm đó nghen: cái hồn của Đà Lạt trong một buổi mờ sương là đấy đó!
Cứ thử nghĩ xem: rét căm căm, môi muốn khô vì lạnh nhưng phì phào đầy khói sương, áo khoác kín cổ trong khi hai tay đút túi tìm chút hơi ấm...
Rồi bạn chợt thấy một gánh bánh canh ven đường với nồi nước lèo nghi ngút khói tỏa hương thơm thoang thoảng. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa nhỏ và gọi một tô, hơi ấm từ tô bánh canh giá chỉ 12k, bố dăm lát thịt với nhúm hành ngò điểm xuyến trên váng mỡ nghi ngút thơm phức khiến bạn vừa gắp vừa thổi tựa như truyền mọi thứ độc đáo ấm áp trong làn khói mù sương... thật sướng đời!
Vậy thì một số món mà bạn không thể bỏ qua khi đến xứ này:
Bánh căn
Đây là loại bánh rất phổ biến ở Đà Lạt. Sẽ có rất nhiều bạn tưởng nhầm đây là bánh khọt vì cũng là loại bánh làm bằng bột gạo pha vào nước rồi đổ vào khuôn. Nhưng hai loại bánh này khách nhau. Màu vàng của bánh căn là do trứng còn bánh khọt là do nghệ. Cô bán hàng sẽ hỏi khách ăn bánh không nhân, nhân trứng cút hay trứng gà, ăn với nước mắm hay mắm nêm hay pha hai loại này lại.
Vì bát nước chấm không đơn thuần chỉ có nước mắm hay mắm nêm pha mà còn mỡ hành béo ngậy cùng thịt xá xíu (thịt viên - người Đà Lạt gọi là xíu mại). Khi bánh vừa ra lò, bánh được đặt ngay ra đĩa riêng, gắp 1 cặp bánh còn nóng hổi bỏ vào chén nước mắm là có thể “chén” ngay rồi.
1 cặp bánh không nhân chỉ có 2.000 đồng, còn nhân trứng cút hoặc trứng gà thì nhỉnh hơn một chút, tầm 3.000-4.000 đồng/cặp. Món này thường ăn sáng hoặc chiều tối và là món được ưa thích ở Đà Lạt đấy.
Món này có thể tìm thấy ở mọi ngõ ngách Đà Lạt nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến các quán nằm trên đường Tăng Bạt Hổ.
Bánh bèo
Không phải như bánh bèo Huế, bánh bèo ở xứ sở ngàn hoa rất khác. Bánh bèo ở đây ăn trong đĩa sẽ được chan nước nhân thịt lên, cùng với bóng cá, da heo hoặc bánh mì chiên giòn rắc lên trên. Ăn cùng 1 loại chả do tự tay bà chủ làm.
Bánh bèo có thể ăn 1 đĩa nhưng với chả phải ăn cùng ít nhất 5 cái (1 lố 10 cái). Vì 1 khi đã ăn thì sẽ không cưỡng lại sức hút từ món chả này. Nên đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều du khách ăn tại chỗ chưa đã mà còn mua về nữa đấy.
1 đĩa thường có 6 - 8 bánh với giá cũng khá dễ chịu 10.000 đồng. Chả đi cùng thì 2.000 đồng/cái. Quán được biết đến nhiều là quán bà Hường, hay còn gọi là bánh bèo số 4. Nằm cuối đường Phan Đình Phùng phía nghĩa địa cũ gần cầu số 4.
Quán khá đông vì vậy muốn ăn 2 đĩa trở lên thì gọi ngay từ lần đầu luôn nha. Chú ý thêm là vào ngày ăn chay thì quán sẽ không bán.
Bánh canh
Bánh canh ở đây có phần bánh dai dai,màu đục. Nước thì hơi sền sệt , màu nước hơi đỏ và cực kỳ thơm. Tô bánh canh đúng chuẩn gồm có thịt, thêm 1 cục giò to đùng bên cạnh mấy miếng chả cá dai dai bùi bùi.
Những ngày lạnh cho thêm vài lát ớt nữa thì không gì tuyệt bằng. Quán này có thể tráng miệng bằng sữa đậu nành hoặc sữa chua, một số loại chè quán tự làm cũng khá ngon.
Quán đông khách nhất là quán Xuân An ở phố Nhà chung (đối diện trường Quang Trung). Không chỉ bán bánh canh mà còn cả bún bò huế ngon không kém. Bún bò ở đây do chủ là người Huế chính gốc nấu. Thậm chí còn có nói vui về quán: “Chưa đến Xuân An là chưa tới Đà Lạt”.
Buổi sáng bán bún bò, buổi chiều bán bánh canh. Giá 1 tô từ 12.000 –20.000 đồng, sữa 2.000 – 3.000 đồng.
Đà Lạt vẫn còn rất nhiều các món ngon đang chờ đợi du khách khám phá. Mở bản đồ, hỏi người dân địa phương là sẽ được no căng bụng ngay.
Theo Lâm Đồng Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét