Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ / Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu/ Xin thơ ta được thức mãi về sau/ Với Tuy Phước ngày nào còn đất nước… (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu). Nếu bạn chỉ có 24 giờ ở Bình Định? Cùng tôi “thức” với quê mẹ của thi sĩ Xuân Diệu là một đề nghị ngọt ngào.
Bánh xèo sáng và tháp cổ
6 giờ! Xuất phát ở Quy Nhơn, đi xe máy đều ga theo Quốc lộ 19, quãng hai mươi phút sau ta đã có mặt ở thị trấn Tuy Phước – quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn, quê mẹ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Ngược ra mạn Đông theo hướng Gò Bồi độ mươi phút ta đã có mặt tại quán bánh xèo bà Năm. Ăn sáng nhé!
Nếu tìm kiếm trên Google với từ khóa “bánh xèo bà Năm + Tuy Phước” chỉ sau 0,56 giây bạn đã có 53 kết quả. Rất đáng ngưỡng mộ nếu bạn biết rằng đây là một quán nhỏ, nằm ở nơi thôn dã, khuất nẻo, không bảng biệu, không quảng cáo, PR… Không có gì hết trừ một thứ, bánh xèo. Chính xác là bánh xèo ngon theo kiểu rất riêng!
Bánh xèo bà Năm thu hút khách đủ mọi tầng lớp gần xa. Có người đi ô tô từ xa tới, có vị chạy xe máy hộc tốc mấy chục cây số từ sáng sớm chỉ vì một thứ - bánh xèo nóng chính hiệu bà Năm. Tất nhiên không thiếu những vị khách chân đất gần gũi quanh đó. Tất cả đều được tiếp đón, phục vụ cùng một tiêu chí, cùng một giá tiền. Và tất nhiên họ cùng được một niềm vui như nhau - ngon miệng và khoan khoái.
Thứ gạo mà bà Năm dùng đúc bánh là gạo quê, ngâm ủ và xay bằng tay. Bà Năm tin rằng “chỉ có xay bằng tay mới đảm bảo được độ mịn và quánh vừa phải của bột, bánh mới ngon”. Bà Năm nói thế và ai cũng tin bởi bánh của bà ngon thật.
Đến với Tiểu chủng viện Làng Sông bạn không chỉ đến với một công trình kiến trúc tuyệt đẹp đã trăm năm tuổi mà còn đến với một không gian xanh ngắt yên lành.
Tầm 5 giờ sáng, bà Năm tất tả đi chợ Gò Bồi lựa những tôm, rau mầm, giá sống… Tất cả đều tươi rói, đặc biệt là tôm. Rổ tôm của bà Năm đều tăm tắp và con nào cũng còn nhảy tanh tách. Đó là vì sao quán bà Năm khai sinh ra khái niệm “bánh xèo tôm nhảy”.
Bà Năm chuẩn bị kỹ càng từng món một, từ bột đến nhặt rau, nên mỗi ngày bà chỉ bán buổi sáng. Và cũng chỉ bán khoảng ba giờ đồng hồ là nghỉ. Đó là lý do vì sao tôi mời bạn dậy sớm để lên đường. Bạn sẽ tin rằng rất không uổng công chỉ sau một tấm bánh. Thật đấy!
Nơi bạn ngồi thưởng thức quà quê nằm ở giữa, một bên là tháp Chàm Bình Lâm, bên kia là vạn Gò Bồi - nơi thi sĩ Xuân Diệu trải qua thời thơ ấu. Chiêu một ngụm trà nóng, khi cái nắng vừa ấm là ta lên đường. Tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) chỉ cách chỗ ta ngồi chừng 1km thôi.
Tháp Chàm thường được xây trên sườn núi, trên đỉnh đồi. Riêng Bình Lâm lại nằm giữa một vùng đất bằng phẳng và là ngọn tháp có mặt sớm nhất trên kinh đô Vijaya xưa, tiêu biểu cho phong cách đền tháp Chăm đầu thế kỷ X - mở đầu cho phong cách kiến trúc đền tháp Chăm Bình Định.
Tháp Bình Lâm không thanh thoát như tháp Cánh Tiên, không duyên dáng như tháp Dương Long, không nguy nga và đa sắc như quần thể tháp Bánh Ít, nhưng sự đường bệ và uy nghi của nó khiến người ta liên tưởng đến nếp thô hào, giản dị như người Bình Định. Đường nét kiến trúc của tháp giản dị, nhưng phóng khoáng và chất ngất. Giữa không gian bao la, giữa xanh ngắt của ruộng vườn gần đó, khi ngẩng đầu nhìn lên đỉnh tháp bất giác ta thấy mình như cũng được nâng cao thêm lên một chút nữa… Bình Lâm là như thế!
Buổi trưa ở Làng Sông
Trong tác phẩm “Xứ đàng Trong năm 1621”, nhà truyền giáo người Italia Cristophoro Borri kể lại chuyện ông được viên quan trấn thủ Quy Nhơn hỗ trợ xây dựng những nhà thờ để truyền đạo. Những công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu có mặt ở Bình Định sớm nhất có lẽ là các nhà thờ ở mạn Đông Tuy Phước. Trong số những công trình còn lại đến giờ, tiểu chủng viện Làng Sông là công trình nhiều tuổi và nguyên vẹn nhất.
Tiểu chủng viện Làng Sông nằm tại xã Phước Sơn, là một công trình cổ theo phong cách Gotic, đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Tiểu chủng viện nằm giữa một cánh đồng lúa ngan ngát, bao la. Đến đây, ngay sau khi bước qua cổng, bạn dường như lạc vào thế giới khác, sẽ có nhu cầu thả hồn mình vào không gian tĩnh lặng, lắng nghe nhịp đập của thời gian. Ngồi dưới hàng sao cao vút, xanh mướt, cổ và đẹp nhất ở Bình Định bạn sẽ nghe thấy nhịp đập trái tim mình và hơi thở mùa xuân đang nhẹ nhàng len vào tim bạn. Rất gần!
Ở đây, trời rất xanh và gió rất êm. Những bờ tường rất dày sẫm màu gạch cổ, những đường nét hoa văn chạm trổ trên cửa, những hàng lang gỗ tĩnh mịch, những hốc tường ấm áp… Dấu trăm năm lan tỏa trên lòng bàn tay bạn. Lần theo lối đi trong khuôn viên chủng viện, bạn quên mất thời gian đang trôi rất nhanh. Nhưng cũng có thể là ngược lại, thời gian đã dừng lại.
Khi tỉnh ra đã đến lúc tìm một chỗ ngồi để ăn trưa, nhỉ!
Vị cay của rượu và hương Gò Bồi
Từ Làng Sông xuôi theo đường tỉnh lộ khoảng 3 km, bạn sẽ đến vạn Gò Bồi (Phước Hòa, Tuy Phước), nơi ông hoàng thơ tình Xuân Diệu chào đời. Nếu bạn yêu thơ Xuân Diệu, hẳn sẽ bạn sẽ nhớ khổ thơ này: Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển lên cứ nhắc/ Khi má anh sinh ra/ Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi/ Nên tới già thơ anh càng đậm đà thấm thía (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu). Có nhiều người đưa được nước mắm vào thơ nhẹ nhàng và thị vị như thế không? Có và có lẽ rất hiếm. “Đêm ngủ ở Tuy Phước” là một trong rất ít tác phẩm của Xuân Diệu không phải là thơ tình. Nhưng lại là một trong những “tiếng lòng thăm thẳm” của nhà thơ. Có đến vạn Gò Bồi, thả chân mình lội bộ trên những con đường đất mới hiểu vì sao Gò Bồi cứ nhấp nháy suốt đời trong thơ Xuân Diệu như thế.
Giữa trưa của một ngày tàn Đông sang Xuân, còn gì tuyệt hơn khi ngồi trong quán nhỏ ven sông, nghe gió từ sông Gò Bồi phả vào da thịt những cơn lành lạnh. Nhấp môi một tợp Bàu Đá chiêu với nem chợ huyện Tuy Phước, bờ tre ken dày bên sông, dõi mắt theo những chiếc thuyền nan nhỏ lẻ loi xuôi ngược trên dòng, nghe thứ tiếng Nẫu miệt đầm gióng giả chân tình sẽ hiểu vì sao “quê má” lại khắc khoải trong thơ Xuân Diệu đến vậy.
Nay là thế, nhưng nếu lần theo những trang thư tịch cổ bạn sẽ bất ngờ khi biết trăm năm trước, nơi bạn đang ngồi từng tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, phố thị đông vui tấp nập nhất nhì Đàng Trong. Sông nước Gò Bồi từng in những chiếc thuyền buôn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Và địa danh này, vào thế kỷ 17, từng xuất biện trên những hải đồ hàng hải nổi tiếng nhất châu Âu. Ôi, thương hải tang điền… khi ngày cùng tháng tận, nỗi hoài nhớ về sự bất tận của thời gian khiến bạn thấy thời khắc mình đang sống thật đáng quí, đáng tận hưởng.
Nâng ly lên cùng tôi, nào, bạn phương xa!
Núi Mai Vàng và “Thiếu Lâm Tự” Bình Định
Nắng đang xuôi và chiều bắt đầu ngả. Lần ngược lại theo lối vừa đi, độ 15 phút sau mình đã về đến núi Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) – nơi hậu tổ tuồng - danh nhân văn hóa Đào Tấn yên giấc.
Núi Hoàng Mai không cao, đường lên núi thoai thoải. Năm xưa, khi chọn nơi này “gởi nắm xương mai” cụ Đào muốn từ đây có thể trăm năm ngắm cảnh sông đang xuôi bên dưới, làng mạc trù phú yên bình ấm gót chân ông và những mùa mai sẽ mời gọi ong bướm dịp dìu ấm nơi mộ địa.
Lần theo những bậc đá xanh lượn trên sườn núi, lên đến lưng chừng sẽ thấy ngôi mộ danh nhân khiêm nhường. Nhìn từ đây, sông Tranh – một chi lưu của sông Côn uốn lượn mềm mại như dải lụa ôm lấy núi, phóng tầm mắt ra xa hằn lên nền trời là đỉnh tháp Bánh Ít. Ngôi mộ quay mặt về hướng Nam nhìn về thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, Tuy Phước cách đó chừng 2km, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi in dấu tuổi thơ nhọc nhằn và cả những năm tháng đau đáu niềm non nước những ngày cuối đời.
Đã về Tuy Phước, đã đến núi Huỳnh Mai, nếu không đến thăm ngôi chùa mệnh danh là “Thiếu Lâm Tự “ Bình Định sẽ là một thiếu sót. Đó là chùa Long Phước tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Chùa Long Phước khá rộng, khuất sau lũy tre ken dày. Sư Hạnh Hòa trụ trì chùa kể “Chùa này có từ thời vua Lê Chiêu Tông, do nhà sư Hư Minh sáng lập và cũng là sư tổ của môn phái. Việc dạy võ ở chùa có từ thời ấy nhưng vì nhiều lý do đã mai một…”. Mãi đến những năm 70 của thế kỷ XX, sư Hạnh Hòa dốc lòng khôi phục lại việc dạy võ trong chùa võ dựa theo một số võ thư do đời trước để lại. Sáng sớm và chiều muộn, các võ sinh rầm rập bước chân luyện võ, hầu hết trong số này là những thiếu niên sống ở quanh chùa. Nguồn mạch của miền đất Võ truyền lưu từ đời này sang đời khác như thế đó. Chuông thu không vang vọng trên những tầng trời, những bờ tre đã xào xạc gió. Chiều rơi thật nhanh!
Đã đến lúc dong xe về Quy nhơn cho kịp trước khi trời tối. Hãy ghé Anh Nhật Gia Viên thưởng thức hơn 30 loại bánh đặc sản của Bình Định, để nghe hương Bình Định đậm trên đầu lưỡi mình dư vị rất khó nguôi quên.
Nếu bạn chỉ có 24 giờ ở Bình Định, đi cùng tôi nhé!
Theo Bình Định Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét