Cảm giác khi đôi chân đặt lên “nóc nhà Đông Bắc” thật khó tả. Tôi đã có 3 lần tìm đường lên đỉnh núi này thất bại. Hình như đã có vài giọt nước mắt hạnh phúc, chưa kịp chảy xuống má, đã bị gió như bão của Tây Côn Lĩnh cuốn đi mất.
< Khu rừng với những loài cây kỳ quái.
Khi mặt trời ngấp nghé đỉnh Chiêu Lầu Thi cao sừng sững trong mây mù, thì “người rừng” Trần Ngọc Lâm đề nghị dừng chân. Ông Lâm phát trúc lấy mặt bằng dựng lều, tôi và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh đi gom củi khô.
Đêm mùa đông, ở độ cao này cực kỳ lạnh, nước cũng đóng băng, nên phải gom một lượng củi đủ để đốt suốt đêm sưởi ấm. Nơi chúng tôi dừng chân qua đêm là khu rừng dẻ, toàn những cây dẻ khổng lồ. Vàng Seo Vần được giao nhiệm vụ đi tìm khe để lấy nước. Ông Lâm đi nhổ một số loại thảo dược có tác dụng bồi bổ, phục hồi sức khỏe để sắc nước uống và ngâm chân cho khỏi đau. Vần đi một lát đã về với một can nước đầy.
Khi mặt trời lặn xuống bên kia đỉnh Chiêu Lầu Thi, trời nhập nhoạng, cũng là lúc thú rừng xuất hiện. Tiếng lợn rừng cắn nhau chí chóe từ phía dưới vọng lên, tiếng khỉ hót và đám chuột rừng thi thoảng lại chạy roạt roạt ở ngay cạnh lều chúng tôi ở.
Vàng Seo Vần bảo rừng Tây Côn Lĩnh có rất nhiều dúi. Dúi là họ nhà chuột, tuy nhiên nó to hơn chuột rất nhiều. Con trung bình cũng cỡ 1kg, con to có thể đến 2kg. Loài dúi thường ăn mầm cây chít, do đó, ở đâu có nhiều cây chít thì ở đó dúi đào hang be bét.
< Vàng Seo Vần và chú dúi tóm được.
Vần kéo tôi ra một mỏm núi rồi chỉ tay bảo phía đó có cả cánh rừng chít, nên dúi nhiều vô kể. Vần lôi từ túi áo ra mấy cái bẫy chuột và rủ tôi đi săn dúi, tuy nhiên, tôi không đi. Vần đi một lát, đã thấy quay về với một chú dúi to tướng trên tay. Vần chỉ đặt bẫy ở miệng hang một lúc, chú dúi đã mò vào bẫy. Thế là, đêm ấy, ngoài món cơm nắm nướng, thịt hộp, còn có thêm món dúi nướng rất ngon.
Ăn uống xong, tôi chui vào túi ngủ đánh một giấc đến sáng. Lúc mở mắt, mây còn giăng khắp ngả, đã thấy ông Lâm dập lửa, dọn đồ chuẩn bị lên đường từ lúc nào.
Từ nơi dựng lều ở độ cao 2.100m, cuốc bộ một lát, vượt ra khỏi rừng dẻ, chúng tôi đến một khu vực có nhiều chè. Thật bất ngờ khi ở trên độ cao này lại có chè. Tuy nhiên, chè ở đây phân bố thưa thớt, cây nhỏ, chứ không đậm đặc và cây nào cây nấy to đùng như khu rừng ở đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, nếu đây là loại chè Shan như ở Hồ Thầu, thì dù chỉ có vài trăm cây cũng là cực quý. Hồ Thầu nổi tiếng với loại chè Shan tuyết trên sườn núi Chiêu Lầu Thi, có búp to bằng ngón tay, màu tím ngắt, búp được phủ một lớp lông trắng mịn. Loại chè này có giá 3-4 triệu đồng/kg.
< Thầy thuốc Phạm Văn Thanh và củ thuốc quý đào được trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Càng lên cao, ông Lâm càng thấy xuất hiện nhiều loại thuốc quý. Từ độ cao 2.200m, vòng sang sườn đông của Tây Côn Lĩnh, gió thổi như bão, những cây dẻ khổng lồ, to vài người ôm đã không còn nữa, thay vào đó là rừng trúc ken dày. Ông Lâm đi trước, nhẹ nhàng phát những cây trúc cản đường để mở lối đi.
Ông Lâm chỉ cho tôi xem những cây măng trúc bé bằng ngón tay cái, song bị héo rũ. Tôi quan sát kỹ, thì thấy có một vết rách ở giữa thân cây măng. Ông Lâm bảo, đó là vết cắn của khỉ. Bọn khỉ chỉ cắn một vết khá nhỏ trên thân cây măng rồi móc lấy cái lõi non bên trong để ăn. Lúc này, tôi mới để ý thì thấy rằng, 90% măng trúc đã bị bọn khỉ xơi mất. Như vậy, có thể khẳng định, đại ngàn Tây Côn Lĩnh còn rất nhiều khỉ. Vần thì bảo, đồng bào Chúng Phùng và Túng Quá Lìn bẫy được khỉ thường xuyên khi chúng về nương phá ngô sắn. Trước đây, dân thường vào rừng săn khỉ, quây cả đàn lại bắn chết, nhưng giờ súng kíp đã bị thu hết, nên không săn được khỉ nữa.
< Vết khỉ ăn măng.
Tuy nhiên, theo Vần, dân Chúng Phùng không có súng đi săn, không có súng tự vệ, thì thợ săn ở Trung Quốc lại vác súng mò sang rừng Tây Côn Lĩnh bắn thú. Những toán thợ săn Trung Quốc còn kéo đến những cánh rừng sát bản Chúng Phùng để bắn lợn rừng và khỉ. Đồng bào Chúng Phùng nhìn thấy họ đều ngại, vì họ đều lăm lăm súng ống trên tay. Đêm ngủ trong rừng Tây Côn Lĩnh, thi thoảng tôi nghe thấy tiếng nổ đùng đoàng. Vần bảo, đó là tiếng súng săn thú rừng của người Trung Quốc.
Chúng tôi cứ cuốc bộ trên sống núi, vượt qua rừng trúc thì đến một hệ sinh thái hoàn toàn khác: rừng đỗ quyên. Tưởng rằng, đỗ quyên là loài đặc hữu của Fansipan, không ngờ Tây Côn Lĩnh cũng có rừng đỗ quyên. Chỉ tiếc là dịp chúng tôi đi, đỗ quyên chưa nở hoa đỏ rực.
< Ông Trần Ngọc Lâm...
< ...và tác giả trèo lên ngọn cây đỗ quyên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh để nhìn ra tứ phía.
Cuốc bộ xuyên rừng đỗ quyên đến gần trưa, thì chúng tôi trèo lên đến đỉnh núi mà mọi người lầm tưởng đó là đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đứng từ bản Chúng Phùng nhìn rõ đỉnh núi này, tuy nhiên, nó không phải đỉnh núi cao nhất. Nhưng khi đứng trên đỉnh núi này, sẽ nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh ở ngay trước mặt, cao hơn không đáng kể. Đỉnh núi này và đỉnh Tây Côn Lĩnh được ngăn bởi một thung lũng nhỏ, võng xuống như lưng con ngựa. Điểm võng xuống đó, chính là đầu nguồn của những con suối.
Vậy là đỉnh Tây Côn Lĩnh đã ở ngay trước mắt. Lòng tôi tràn ngập hạnh phúc, cứ thế vạch rừng phăm phăm bước đi. Khi gần lên đến đỉnh, mọi người dừng chân và thống nhất nhường cho tôi là người đầu tiên đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc”.
< Ông Trần Ngọc Lâm, thầy thuốc Phạm Văn Thanh và tác giả chụp ảnh kỷ niệm trên "nóc nhà Đông Bắc".
Có thể từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh để vẽ địa đồ, có thể thợ săn nào đó đã vô tình bước qua mỏm núi này, nhưng tôi cứ vui vẻ mà chắc rằng, tôi là gã nhà báo đầu tiên đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” của đất nước tươi đẹp này.
Cảm giác khi đôi chân đặt lên “nóc nhà Đông Bắc” thật khó tả. Tôi đã có 3 lần tìm đường lên đỉnh núi này thất bại. Hình như đã có vài giọt nước mắt hạnh phúc, chưa kịp chảy xuống má, đã bị gió như bão của Tây Côn Lĩnh cuốn đi mất.
Chúng tôi thay nhau trèo lên ngọn đỗ quyên để nhìn ra tứ phía. Chiếu trên bản đồ, thấy thị xã Hà Giang cách đỉnh Tây Côn Lĩnh không xa lắm, nhưng núi non trùng điệp, mây mù giăng kín nên chẳng nhìn thấy gì. Phóng tầm mắt về hướng Tây Bắc, qua bản làng nhỏ xinh của xã Lao Chải, thấy nước bạn Trung Quốc rộng lớn mênh mông, núi non trùng điệp. Từ đỉnh Tây Côn Lĩnh, nhìn rõ cả cái cổng làng của nước bạn.
< Ghi tên mình...
< ...để lưu dấu trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Chúng tôi mở nắp chai rượu thóc Nàng Đôn nổi tiếng của Hà Giang để chia vui. Uống hết chai rượu, thầy thuốc Phạm Văn Thanh lấy bút ghi tên nhóm chúng tôi vào tờ giấy, gói vào túi nilon, cho vào chai rượu rồi vặn chặt nắp lại. Anh Thanh buộc dây vào cổ chai rồi treo lủng lẳng trên một cây đỗ quyên trên đỉnh núi.
Sau khi đào được một balô cây thuốc cực quý trong rừng đỗ quyên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chúng tôi rời “nóc nhà Đông Bắc”. Tôi đề xuất mở đường theo hướng Tây Bắc, xuống xã Lao Chải, rồi cắt chân núi tìm về bản Chúng Phùng. Theo tính toán, hành trình này mất khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, Vàng Seo Vần bảo không thể đi vào khu rừng phía Tây Bắc được, vì đó là bãi mìn khổng lồ. Ông Lâm có nhiều năm ở chiến trường, nên ông bảo thông tin Vần nói là đúng. Thời chiến tranh biên giới, cả hai bên đều giăng mìn khắp ngả.
Chúng tôi dạo chơi, tìm cây thuốc chán chê, rồi quay về địa điểm dựng lều trước khi trời tối. Hành trình cuốc bộ một ngày đã đưa tôi trở lại bản Chúng Phùng. Đỉnh Tây Côn Lĩnh lại chìm nghỉm trong mây mù như triệu năm nay vẫn thế.
Phạm Ngọc Dương
» Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối)
» Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc” (Kỳ 6)
» Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét