Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Toàn bộ người Mông ở hai bản Túng Quá Lìn và Chúng Phùng đều bảo trong rừng Tây Côn Lĩnh có hổ. Một con hổ lớn vừa về bản bắt trâu bò của dân, nên không ai dám vào rừng nữa.

< Đỉnh Chiêu Lầu Thi cũng có độ cao gần bằng Tây Côn Lĩnh.

Thi thoảng tôi vẫn vào trang Phuot.net (trang web của giới du lịch bụi), để theo dõi giới du lịch bụi chinh phục các đỉnh núi. Mấy năm nay, đã có tổng số 6 đoàn tuyên bố chinh phục thành công đỉnh Tây Côn Lĩnh! Họ kể lại chuyến đi khủng khiếp ấy bằng lời và những hình ảnh núi non hiểm trở. Tuy nhiên, thực tế, họ đã leo nhầm!

Hoàng Su Phì là nơi tập trung một số mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh. Những mỏm núi này có độ cao không kém Tây Côn Lĩnh là mấy. Đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, cao tới 2.402m, đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Phùng cao ngót 2.400m. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể.

Kỳ 3: Chinh phục Tây Côn Lĩnh ở... Bốt Đen!

Hoàng Su Phì là nơi tập trung một số mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh. Những mỏm núi này có độ cao không kém Tây Côn Lĩnh là mấy. Đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, cao tới 2.402m, đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Phùng cao ngót 2.400m. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể.

Những nhóm du lịch bụi thường đi xe máy hoặc xe đạp từ cửa khẩu Thanh Thủy, theo đường mòn biên giới đến xã Lao Chải. Từ đây, họ cuốc bộ về phía biên giới để tìm đến mỏm núi Bốt Đen. Hành trình trèo lên mỏm núi này mất vài giờ đồng hồ. Sở dĩ, tên ngọn núi này là Bốt Đen vì trên đó có một cái bốt đổ nát do thực dân Pháp xây dựng từ thời Pháp thuộc. Khi những nhóm du lịch bụi đến được Bốt Đen, thì khẳng định đã đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh!

< Đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Nhưng thực ra, Bốt Đen chỉ là một mỏm núi bình thường, cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Bốt Đen là một trong số hàng chục ngọn núi nhấp nhô xung quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đứng trên đỉnh Bốt Đen vào những ngày quang mây, cũng không thể nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh, vì nó nằm sau những mỏm núi khác.

Việc trèo lên hai đỉnh núi là Chiêu Lầu Thi và Bốt Đen thì quá dễ dàng, vì hai ngọn núi này là điểm du lịch của huyện Hoàng Su Phì. Đỉnh Bốt Đen vốn là đồn bốt thời Pháp, nên có đường mòn lên, chỉ đi mất vài tiếng. Còn đỉnh Chiêu Lầu Thi có cảnh quan đẹp, có loại chè Tuyết Shan búp tím ngon tuyệt vời, nên đã được mở đường lên đến gần đỉnh để khai thác du lịch. Còn đỉnh Gia Long vốn có một số di tích đổ nát của “vua Gia Long”, ông “vua” của người La Chí, giống như “vua Mèo” Vương Chí Sình, nên cũng đã được một số người thám hiểm.

< Từ bản Chúng Phùng chỉ đi một lát là hết đường mòn.

Một số đoàn thám hiểm từng trèo lên một trong số mấy đỉnh núi này, đã vội khẳng định chinh phục thành công Tây Côn Lĩnh là sai lầm. Tôi đã từng trèo lên cả ba đỉnh là Chiêu Lầu Thi, Gia Long và Bốt Đen. Chỉ có đỉnh Tây Côn Lĩnh vẫn thách thức, trêu ngươi quyết tâm của tôi.
Sau chuyến đi thất bại vào năm 2007, năm 2008 và 2009, tôi tiếp tục trở lại bản Chúng Phùng để chinh phục Tây Côn Lĩnh. Tuy nhiên, cả hai lần tôi đều không thuê được người dẫn đường. Đi khắp bản, đến từng nhà nhờ vả, vẫn không thuê được ai dẫn lên đỉnh núi.

Năm 2008, toàn bộ người Mông ở hai bản Túng Quá Lìn và Chúng Phùng đều bảo trong rừng Tây Côn Lĩnh có hổ. Một con hổ lớn vừa về bản bắt trâu bò của dân, nên không ai dám vào rừng nữa. Tôi không tin rừng Tây Côn Lĩnh có hổ, song Bí thư Thào Seo Cá của bản Túng Quá Lìn và Bí thư Giàng A Cáo của bản Chúng Phùng đều khẳng định như đinh đóng cột rằng có hổ xuất hiện. Người Mông không dám vào rừng vì sợ hổ, thế là tôi lại quay về.

< Phải bám vách núi và khe suối để đi.

Năm 2009, sau khi nhờ được hai anh chàng Thào A Vương và Giàng Seo Quáng ở bản Chúng Phùng gùi đồ và dẫn đường vào rừng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, tôi rất vui. Công cho hai ngày dẫn đường là 1 triệu đồng và trả trước. Đêm ấy, tôi ngủ sớm để lấy sức sáng mai đi từ lúc gà gáy. Thế nhưng, sớm hôm sau, hai anh chàng này trả lại tiền và từ chối dẫn đường, vì trong rừng có… ma!

Theo lời những người ở bản Chúng Phùng, từ ông già đến thanh niên, thì mới đây, trong rừng Tây Côn Lĩnh có một con ma kỳ quái. Con ma mang khuôn mặt của đứa trẻ con, nhưng mái tóc lại dài lướt thướt. Thợ săn đêm trong rừng thường xuyên gặp nó bay lơ lửng trên ngọn cây, mái tóc quẹt xuống đất. Con ma chết oan nên cứ vừa bay vừa khóc.

< "Người rừng" Trần Ngọc Lâm có thể chinh phục mọi đỉnh núi mà không cần người dẫn đường.

Đồng bào Mông sống ở núi cao, hiểm trở, đi rừng rất giỏi, nhưng có điểm đặc biệt là sợ… ma. Họ nhìn đâu cũng ra ma, nào là ma gà, ma bếp, ma sau nhà, ma cây, ma suối, ma núi, ma ngũ hải… Dù đi rừng nhiều, song họ không bao giờ dám bước chân vào những khu rừng mà cha ông họ chưa từng đến, vì họ nghĩ cha ông chưa đi đến tức là khu rừng đó có ma. Người Mông sống ở những khu vực rất cao, nhưng lại không bao giờ vượt quá độ cao 2.000m. Theo họ, ở độ cao trên 2.000, cũng có rất nhiều… ma. Thế là, chuyến đi đã thất bại. Đỉnh Tây Côn Lĩnh ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ.

< Thân cây ngàn năm tuổi đã mục nát và tự đổ xuống.

Sau 3 lần chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh thất bại, tôi nhận thấy rằng, không thể phụ thuộc vào người Mông ở bản Chúng Phùng nữa. Tuy nhiên, tự mình cũng không thể vào rừng được. Nếu không dự đoán được thời tiết, gặp mưa ở cái lạnh độ âm, thì chắc chắn để lại xương cốt trong rừng thẳm. Đấy là chưa kể lạc đường, chết đói, hoặc gặp thú hoang…

Đang lúc không biết làm cách nào chinh phục được “nóc nhà Đông Bắc”, thì “người rừng” Trần Ngọc Lâm, từng có 10 năm sống trong rừng Hoàng Liên Sơn bảo: “Tất cả các đỉnh núi cao nhất Tây Bắc chú đã trèo hết. Đi một ngày không tới thì đi một tuần, một tuần chưa đến thì một tháng. Khắc đi khắc đến, chả có gì đáng ngại. Chỉ cần có tấm bản đồ địa hình là đi được”.

Thế là, tôi lên Lào Cai, rồi cùng ông Trần Ngọc Lâm và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh, đều là những người mê rừng rú, sang Hoàng Su Phì quyết đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam.

Còn tiếp

» Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối)
» Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc” (Kỳ 6)
» Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)

Phạm Ngọc Dương - Theo VTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc