Hoàng Su Phì - Pờ Ly Ngài - Nàng Đôn - bản Pá - rẽ mây lên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (P8)

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Theo nhà báo Phạm Ngọc Dương: "Thi thoảng tôi vẫn vào trang Phuot.com (web của giới du lịch bụi), để theo dõi giới du lịch bụi chinh phục các đỉnh núi.
Mấy năm nay, đã có tổng số 6 đoàn tuyên bố chinh phục thành công đỉnh Tây Côn Lĩnh! Họ kể lại chuyến đi khủng khiếp ấy bằng lời và những hình ảnh núi non hiểm trở. Tuy nhiên, thực tế, họ đã leo nhầm."

"Hoàng Su Phì là nơi tập trung một số mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh. Những mỏm núi này có độ cao không kém Tây Côn Lĩnh là mấy. Đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, cao tới 2.402m, đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Phùng cao ngót 2.400m. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể."
Vậy thì chuyến lên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh kỳ này của Battramdao có đúng là lên đỉnh núi này hay không?

Giantia: Tôi cũng đã đọc bài viết của nhà báo Phạm Ngọc Dương và cũng có ý định trinh phục Tây Côn Lĩnh. Như vậy ngọn núi bạn đã đi có phải là Tây Côn Lĩnh như nhà báo PND đã nói không. Theo bài viết thì chặng đường cũng như quang cảnh rất khác bài báo viết.

< Tôi chở Giàng Seo Quá đánh vật với con đường bùn lầy.

Battramdao: Thực ra tại khu vực đó, núi non trùng điệp san sát nhau, hơn nữa không có bản đồ địa hình chi tiết trong tay thì cũng khó xác định được đỉnh núi đó tên là gì. Có điều chắc chắn là đỉnh núi chúng tôi trèo lên đó là đỉnh cao nhất quanh đó và chỗ chúng tôi đứng có độ cao đo bằng GPS là 2.163m, từ chỗ đó lên đến đỉnh tôi đoán là khoảng 200m nhưng cũng có thể hơn vì không đo chính xác được.

< Đến đây thì thoát rồi.

Battramdao: Ở đó là vùng giáp ranh với xã Hồ Thầu nên cũng có thể là đỉnh Kiều Liên Ti chứ không phải đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ngọn núi của đồng chí Dương trèo lên không phải ngọn núi này và rất tiếc là không thấy đồng chí ấy mang GPS lên đo độ cao và đánh dấu tọa độ để kiểm chứng. Hai đỉnh núi Kiều Liên Ti và Tây Côn Lĩnh nằm gần nhau nên cũng rất khó để biết chính xác, ngay cả dân địa phương cũng không nắm rõ.
Lúc nào đó có điều kiện tôi sẽ đi lại đường của P. N. Dương để xem thực hư thế nào.

Trở về với cuộc hành trình từ núi về Hoàng Su Phì của Battramdao và Hoangnguyen. 


Lúc này trời tự nhiên hửng được một chút, mây bay dập dìu trên những thửa ruộng bậc thang. Qua nhiều khoảng quanh co lầy lội thì đường tốt dần, rồi cuối cùng cũng đến Pờ Ly Ngài.
< Đường về thị trấn Hoàng Su Phì vòng vèo bên kia núi.

Pờ Ly Ngài sáng chủ nhật, vắng vẻ.
< Sông Chảy đây rồi.
< Mảng ruộng bậc thang này mùa lúa chín thì ăn đứt Chế Cu Nha, La Pán Tẩn.
11h thì chúng tôi về tới thị trấn Hoàng Su Phì. Chia tay Giàng Seo Quá về trường, chúng tôi vứt vội xe vào nhà nghỉ Hoàng Anh rồi phi vào chợ phiên đang lúc náo nhiệt nhất. Ở đây thấy có 2 dân tộc chính là Mông và Nùng, chỉ có thể phân biệt nhờ vào quần áo.
Để biết thêm về phiên chợ tại vùng cao này, các bạn xem đoạn trích:

Trung tâm thương mại huyện Hoàng Su Phì được xây dựng khá quy mô, nhưng mỗi phiên chợ đồng bào vẫn quen tụ họp dọc hai bên tuyến đường chính.
Đồng bào mang đến chợ những nông sản, vật phẩm mình làm ra hay kiếm được từ rừng để bán và mua về những đồ dùng, thức ăn cần thiết cho gia đình trong cả tuần hoặc có khi cả tháng.
< Gái Nùng này. Người Nùng gần như ai cũng ăn trầu, kể cả các cô gái rất trẻ.

Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất ở chợ phiên Hoàng Su Phì là những người đàn ông hay đàn bà dân tộc Nùng với lủng liểng dây, vòng bạc... trên người, họ chính là những “cửa hàng” kim hoàn di động. Ngoài ra những sạp hàng bán da trâu đã phơi khô, cắt nhỏ và buộc thành từng bó cũng là sản vật đặc trưng của phiên chợ này - Da trâu là một trong những chất liệu không thể thiếu trong công đoạn nhuộm vải chàm.
Còn đặc sản “lợn cắp nách” được bán vo theo con chứ không bán theo cân (Theo Baomoi)

Chúng tôi rẽ vào khu ăn uống của chợ, kia rồi, có một hàng bán Thắng Cố. Thắng cố là món ăn mà mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi có một hương vị riêng. Tôi phải vào ăn thứ xem thắng cố Hoàng Su Phì như thế nào mới được.
Hoangnguyen gọi một bát thắng cố và một chai rượu.
Thắng cố ở đây bao gồm tiết, lòng, mỡ lòng và một vài thứ gì đó chắc là của con bò nấu nhừ lẫn với nhau. Tên hoangnguyen gắp một miếng ăn thử, bỏ vào mồm nhai nhếu nháo được mấy cái thì phun ra phì phì. Hắn nhăn mặt tợp mấy ngụm rượu cho đỡ khiếp rồi ngồi im không dám ăn nữa. Tôi cũng chọn thử một miếng cho mình. Vừa cắn miếng thịt thì cảm giác có một lớp mỡ bò quấn ngay vào lưỡi, vào răng mà không thể nhổ ra được. Hóa ra, loại thắng cố mà người Kinh vẫn sợ chính là loại thắng cố ở đây. Thắng cố ở đây nấu sẵn nên rất nguội, đồng thời nhiều mỡ nên khi ăn mỡ bò bám ngay vào miệng gây cảm giác rất ghê, không quen không thể ăn được. Chúng tôi đầu hàng, chống đũa ngồi nhìn xung quanh.

Lúc này mới liếc sang bàn bên cạnh, có bốn cô gái và một chàng trai đang ngồi uống rượu với nhau rất vui vẻ, trong đó có một em xinh như mộng. Cô gái này tuy là người dân tộc nhưng cử chỉ rất điệu đà và nhí nhảnh, cô ta có một khuôn mặt thông minh, sáng sủa và cũng khá láu lỉnh, có duyên (ảnh trên).
Ngồi ngắm bát thắng cố và cô gái kia một lúc, làm ngụm rượu, hai chúng tôi thanh toán tiền rồi đi ngắm chợ tiếp.

Tôi phải công nhận là con gái Hoàng Su Phì xinh thật, đi chợ gặp rất nhiều cô xinh mà họ rất hoạt bát, vui vẻ chứ không khé kín như phụ nữ ở Đồng Văn.

Còn tiếp
Battramdao (Phuot.com)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc