Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô ở Cao Bằng mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống.
Người Lô Lô quan niệm khi bước sang năm mới trong nhà không chỉ có ngũ cốc, mà phải có nhiều củi và nước - biểu hiện một năm làm ăn sung túc.
Ngoài mặt tâm linh thì việc tích trữ đó còn thể hiện như là một nguyên tắc sống được truyền từ đời này qua đời khác để tồn tại được ở mảnh đất đầy khắc nghiệt này.
Chỉ những lúc rét và khô hạn nhất, nhiệt độ thường chỉ vài độ C mới thấy hết tác dụng của phong tục này. Cách Tết khoảng 3-4 ngày, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đổ rác với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới.
Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.
Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác. Đối với người Lô Lô dù khá giả hay nghèo, Tết đều phải có thịt lợn đen treo trên gác bếp. Cỗ Tết được coi là to và sang thì ngoài món thịt lợn đen hay món gà trống thiến, phải có nhiều món khác như món cá lam thơm ngon nổi tiếng.
Để có được cá lam người ta thường vào rừng tìm những con suối, con khe có loài cá này sinh sống. Cá bắt về được làm sạch rồi mổ bỏ ruột, tẩm muối và một số loại lá rừng, rồi cho vào ống tre để nướng. Khi cá vừa chín tới thì bầy ra đĩa. Cá lam nướng đạt tiêu chuẩn phải không còn mùi tanh, thơm mùi tre non và lá rừng nhưng cũng không được mất đi hương vị của cá.
Ngoài ra, phải kể thêm các món như nhái nướng, nhái rang, món nhện nướng, châu chấu, cào cào rang... Đó là những món được đồng bào cho là món ngon, chỉ khi nào có khách quý đến chơi Tết mới được đem ra mời nhắm rượu.
Để kiếm được những con côn trùng thơm ngon bổ dưỡng này, người Lô Lô phải vào rừng lật từng viên đá, ống bương, ống tre mục hay vạch từng chiếc lá, có khi đi cả buổi cũng chỉ tìm được vài con mang về nhà. Món bánh chưng ở đây cũng khác hẳn bánh dưới xuôi, người ta không gói theo hình vuông mà gói theo kiểu hình dài rồi buộc lạt chặt, khi chín bánh cong xuống và được gọi là bánh lưng gù.
Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, già trẻ gái trai đều thức. Các cụ bà cùng các cháu nhỏ quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu với đồ nhắm. Các thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô. Khắp nơi hương khói thơm lừng, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ tiếng chúc mừng của gà gáy sáng. Với người Lô Lô, tiếng gà gáy đầu tiên trong bản đó chính khoảnh khắc đón giao thừa. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới.
Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về ăn Tết với con cháu. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả bản làng.
Theo Denthan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét