Bắc Hà có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những phong tục đón tết riêng, đôi khi kéo dài nhiều ngày, gọi là mùa tết.
Mỗi kiểu ăn tết của đồng bào đều biểu hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình tạo nên một miền văn hoá đa sắc màu còn lưu giữ được khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở Bắc Hà, dân tộc Phù Lá sống thành từng làng, mỗi làng có vài chục nóc nhà, chủ yếu ở các xã Lùng Phình và thôn Chỉu Cái thuộc xã Na Hối. Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn tết mừng năm mới.
Người Phù Lá ăn tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.
Khi hoa đào nở thắm hồng sườn núi, hoa mận trắng xoá những sườn đồi cũng là lúc đồng bào các dân tộc Phù Lá tạm gác lại mọi công việc sản xuất để vui tết, đón xuân. Ngoài bánh chưng, bánh dầy, các món ăn ngày tết của người Phù Lá không cầu kỳ mà vẫn phong phú, đa dạng và độc đáo gồm món luộc, canh xương, áp chảo, nướng, rang và xào…
Để chuẩn bị đón tết, từ tháng chạp, đồng bào đã dự trữ củi, rau lợn, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Không chỉ phụ nữ mới khéo tay, đàn ông Phù Lá cũng rất giỏi nghề làm yên ngựa. Chả vậy mà vào dịp tết, họ làm rất nhiều yên ngựa mang đến chợ bán để lấy tiền mua sắm thức ăn, quần áo, quà cho bố mẹ và các con.
Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép cho con cùng các hàng hóa phục vụ cho ngày tết như: hương, tiền giấy vàng, muối, dầu sao cho đủ phục vụ trong 15 ngày tết.
Ngày 30 tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc hoặc tre về để quét dọn trong nhà và đặt bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Đêm 30 tết, các thầy cúng đến bên bàn thờ tổ tiên để cúng trời, cúng đất, xin các vị thần, tổ tiên ông bà phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, cả bản làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Mâm lễ cúng năm mới của người Phù Lá không thể thiếu thủ lợn và rau dài. Trong đêm giao thừa và ngày mồng 1 tết, người Phù Lá rất kiêng kị trong việc tiếp xúc với các đồ vật sắc, nhọn như: kim, dao, rựa vì cho rằng những thứ đó không đem lại may mắn cho gia đình.
Tết là một dịp để cả cộng đồng họp mặt. Vào ngày mồng một Tết, mọi người đều mặc bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc tết bố mẹ, ông bà và người thân, hàng xóm.
Các gia đình đến chúc nhau năm mới mạnh khỏe, trồng được nhiều thóc, ngô, nuôi được nhiều lợn, gà, sau đó chúc rượu và ăn tết vui vẻ. Trong rộn rã tiếng khèn, điệu hát, lời ca, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu; thanh niên nam nữ tíu tít hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, chơi cù, đánh má lẹ, kéo co, bắn nỏ, hát đối…
Phong tục đón tết của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Theo Denthan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét