Đảo chìm đã nổi...

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Cứ tháng tư là người ở đất liền lại nô nức đến với Trường Sa. Chuyện đến với Trường Sa bây giờ khá bình thường. Như chỉ riêng trong năm nay, theo kế hoạch có đến hơn 15 chuyến tàu đưa gần cả ngàn người trong đất liền ra thăm và làm việc với các đảo ở Trường Sa. Nhưng cứ nghe ba chữ “đi Trường Sa” là vẫn thấy rạo rực, háo hức.

Trong hành trang đi Trường Sa chuyến “mở mùa” năm nay, tôi mang theo Đảo chìm của nhà thơ - nhà văn - người lính hải quân Trần Đăng Khoa.

Đảo chìm là cuốn tiểu thuyết - truyện ký người thật việc thật về Trường Sa của hơn 20 năm trước, từng tái bản cả chục lần và được nhà văn Lê Lựu gọi là “thần bút”. Cứ mỗi lần nghe đến hai chữ “Trường Sa” là tôi (và có lẽ rất nhiều người khác nữa) lại nhớ đến những anh lính hải quân như Hai Ùm, Tư Xồm, Thiêm; nhớ đến cố tư lệnh Giáp Văn Cương trong Đảo chìm...

< Tàu Vàm Cỏ 24 chở 2000 tấn cát đá xi măng ra để xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. đảo vào mùa xuân năm 1988.

Trong chuyến đi, tôi đã được đặt chân lên đảo Đá Nam, Đá Tây. Đó là hai trong số những hòn đảo chìm của huyện đảo Trường Sa mà phó đô đốc Trần Thanh Huyền - chính ủy quân chủng hải quân - xác nhận rằng vài mươi năm trước, nó y như những gì Trần Đăng Khoa viết: ”Nó chỉ là một cái vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ dựng một cái lều bạt dã chiến”.

Chỗ ở của những người lính giữ đảo chìm ngày trước chỉ là những chiếc giường sắt ba, bốn tầng trong chiếc lều bạt dã chiến. Khi thủy triều lên ào một cái làm ngập tầng một thì người lính lóp ngóp ôm đồ lên tầng hai. Thủy triều lên tầng hai lại lóp ngóp leo tầng ba...

Nhưng bây giờ, trên cái vũng cát lờ phờ ấy là một Đá Nam sừng sững ba tầng, rộng vài trăm mét vuông. Ở Đá Tây còn hơn thế nữa với ba điểm A, B, C bao quanh một cái vũng rộng mênh mang làm chỗ nuôi cá lồng theo công nghệ hiện đại.

Những người lính ở Đá Tây, Đá Nam bảo rằng sự khác biệt lớn nhất của đảo chìm bây giờ so với ngày xưa không phải ở chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ vững chãi của đảo.

Thế là cái gì? Trong Đảo chìm, Trần Đăng Khoa kể về chuyện biển động khiến tàu không thể thả xuồng chuyển đồ tiếp tế vào đảo. “Thế thì chuyển thư đi! - Tư Xồm quát vào ống nói - Chúng tớ không “nhịn” thư được, hiểu chưa! Đám thủy thủ trên tàu đành phải bóc từng bức thư, đọc qua máy thông tin hai oát”!

Còn bây giờ, cánh lính đảo vào lúc rảnh đều nhoay nhoáy nhắn tin hoặc gọi thẳng về nhà cho người thân. Thế là cái định mức 6 tờ giấy trắng, 6 bì thư mỗi quý theo quy định cấp phát nhu yếu phẩm trở nên lạc hậu! Một “nhân vật” khác được cánh lính đảo yêu thương là “anh năng lượng sạch”. Một anh lính xứ Nghệ trên đảo Đá Nam đã ghẹo chúng tôi: ”Ở đây bọn em sướng hơn các bác ở đất liền là không sợ “Ơ-Vê-En!” (EVN). Vâng, những tấm pin mặt trời, những cột điện gió đầy rẫy ở các đảo đã khiến Trường Sa không có khái niệm... sợ cúp điện.

Đá Tây, Đá Nam, Trường Sa của chúng ta đã đổi khác, vững chãi hơn từng tháng, từng ngày. Sự vững chắc lớn mạnh của Trường Sa chính là từ trong lòng người dân Việt luôn hướng về vùng đất thương yêu của Tổ quốc giữa biển khơi xa.

Theo TTO, ảnh internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc