Rời Hà Nội vào chiều thứ 6 chúng tôi tiến về Hà Giang để bắt đầu cho hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Tây Côn Lĩnh là một vùng đất giáp biên giới Trung Quốc nơi trên bản đồ đường bộ ghi độ cao 2427m. Tuy nhiên, trong đợt chinh phục độ cao của chúng tôi lần này không phải chỉ là những dấu chân mà thêm những vòng lăn của chiếc xe hai bánh. Những vòng lăn này sẽ lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh nơi có chiếc cột ghi khu vực biên giới.
Sáng hôm sau từ Hà Giang chúng tôi tiến đến cửa khẩu Thanh Thủy để rẽ sang con đường đi về xã Xín Chải. Nơi ngã 3 đến Xín Chải chúng tôi bắt đầu xa dần những con đường bê tông để bắt đường hành trình chinh phục khó khăn trên những con đường đất, đá và những con đường nhỏ tí sát vực.
< Con đường nhỏ để đưa xe qua suối.
3 chiếc xe của chúng tôi lăn tròn những chiếc bánh trên những con đường đất. Trời nắng chói chang, đánh lên mặt đường màu vàng lóa mắt.
Xe cứ chầm chậm lăn còn bánh xe vẫn bám chặt lấy con đường đất. Chúng tôi thầm nghĩ, may mắn thay nếu trời mưa con đường sẽ trở nên lầy lội và sẽ ghim chặt xe chúng tôi lại.
Cứ đi trên những con đường đất, chúng tôi đến bên cạnh suối. Đang định đi tiếp theo con đường dọc suối, bất chợt nhận ra bên kia con suối nhỏ là một con đường nữa. Đợi cả đoàn đi đến, chúng tôi dừng chân nghỉ ăn trưa rồi lại tiếp tục lên đường. Đến đây, chúng tôi không thể ngồi trên xe để mà tiếp tục lăn bánh được.
< Từng chiếc xe đi qua chiếc cầu gỗ nối 2 con đường.
Để sang con đường bên kia, chúng tôi phải giữ xe để xe khỏi tuột ra khỏi con đường dốc nhỏ xíu toàn đất đá nhỏ dẫn xuống suối. Khi cả đoàn chúng tôi đang hì hục bên chiếc xe, đàn em nhỏ ở trong một lớp học ra tất cả ngoài hiên ngồi xếp hàng ngang xem chúng tôi đưa xe qua suối.
Có lẽ các em thấy lạ lắm bởi những người Kinh băng qua con đường này làm gì, có gì hấp dẫn họ đến nơi này? Khi qua được đến bên kia, tôi vẫn thấy ánh mắt tò mò của các em dõi theo đoàn chúng tôi. Bởi về sau này tôi mới hiểu, con đường chúng tôi sắp đi không phải là đường đi dành cho xe máy mà là đường dành cho người đi hay còn gọi là đường “trâu bò đi”.
Con đường giờ chỉ còn duy nhất tiếng động cơ của 3 xe chúng tôi, khi đi qua một ngôi nhà hiếm hoi ven đường những ánh mắt tò mò của người dân nơi đó lại dõi theo chúng tôi hệt như lúc chúng tôi kéo xe qua suối.
< Đi xuyên qua những tán lá cây giữa rừng.
Đường càng lúc càng khó đi khi thì chúng tôi cho xe lăn bánh chầm chầm qua con đường bé xíu với vực kề bên, khi thì nhấc xe ra khỏi chỗ bị mắc kẹt, khi thì đẩy xe ra khỏi chỗ trượt bánh trên đường.
< Phút dừng chân phiêu du bên đường.
Đến bãi đất rộng, đoàn chúng tôi cho xe dừng bánh tự pha cho mình những ly café thơm phức và tiếng nhạc từ chiếc loa gắn trên chiếc mp3 vang lên giữa núi rừng hòa quyện vào gió của đại ngàn.
Thả chân đong đưa bên bờ vực, chúng tôi nhìn về con đường đất và những quả đồi trước mặt từ từ nhâm nhi ly café nhỏ xíu thấy ‘phiêu’ lạ thường.
< Bê xe qua thân cây đổ chắn ngang đường.
Rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường bởi chúng tôi biết trong rừng sẽ rất nhanh tối. Chúng tôi phải đi tìm cho mình một chỗ bằng phẳng để có thể dựng lều để ngủ qua ngày hôm nay. Xe lại tiếp tục lăn bánh trên con đường đất đá ấy, tìm được một chỗ ưng ý trời đã chạng vạng tối, chúng tôi nhanh chóng phân công công việc.
Hai người đi kiếm củi, hai người dựng lều và hai người làm đồ ăn tối. Công việc được phân chia hợp lý cho từng các thành viên trong đoàn, ai cũng đều có phần việc riêng của mình. Tôi được phụ trách phân công đi kiếm củi, khi mang được củi về thì lều đã dựng xong, món thịt bò chỉ chờ than hồng là đem lên nướng trời lúc đó đã sập tối.
Trong cái tiết trời se lạnh giữa rừng, 6 người trong đoàn chúng tôi ngồi quây quần lại lên bữa ăn do chính tay chúng tôi làm, bên những chiếc lều chính tay chúng tôi dựng, bên ánh lửa chính tay chúng tôi nhóm. Chúng tôi giờ đây như những thành viên trong một ngôi nhà nhỏ đang quây quần bên bữa ăn tối dưới trời ngàn sao, bên tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa, bên ánh nến vàng giữa đại ngàn.
Tiết trời se lạnh, càng khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Câu chuyện về chuyến đi được chúng tôi chia sẻ bên đống lửa ấm cúng cho đến khi lửa tàn và trăng đã lên cao.
< Đắm chìm với bình minh.
Thức dậy sớm để đón chào bình minh, chúng tôi thu dọn lại đồ đạc bởi theo dự kiến trong ngày hôm nay thôi, chúng tôi sẽ chinh phục được đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Khi vượt qua giữa bạt ngàn lau, tôi biết đã đến gần đỉnh lắm rồi nhưng những người ngồi sau không thể ngồi trên xe máy được mà phải xuống đi bộ. Bởi chốc chốc lại nghe tiếng ga xe máy rú lên giữa rừng, xe mắc kẹt liên tục tôi lại hì hục kéo và đẩy cho chiếc xe. Người mệt nhoài, đói và lạnh đã vắt kiệt sức lực của các thành viên trong đoàn.
< Dọn đường để đưa xe qua con đường nhỏ xíu sát vực.
Khi gặp đoạn sạt dài tầm 10m mà đường đi dốc quanh co chỉ đủ cho một người đi chúng tôi lo lắng thật sự. Tất cả đứng đó, không biết làm sao để có thể đi tiếp. Nhìn xe, rồi lại nhìn vực rồi lại nhìn những hạt mưa. Mệt mỏi, lo lắng. Những khoảng thời gian im lặng như đóng băng đoạn sạt ấy bởi đích thì đã gần đến mà chúng tôi thì không thể quay ngược trở lại.
Lần lượt từng ý kiến của các thành viên trong đoàn được đưa ra rồi tất cả lại lắc đầu. Buồn bã, khuôn mặt mọi người đều u buồn trong sự thất vọng. Bởi tất cả mọi người đều hiểu, dù chỉ sơ sẩy một chút thôi chúng tôi sẽ rơi xuống vực.
< Cả đoàn trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Thời gian cứ thế trôi đi, mưa cứ thế gõ nhè nhẹ trên những tán lá rừng và chúng tôi vẫn đứng đó bên bờ vực. Rồi bất ngờ, một thành viên dường như đã tổng hợp được các ý kiến của các thành viên khác và đưa ra được một phương án hợp lý để có thể đưa xe qua miệng bờ vực ấy. Một người đứng trước xe để ôm bánh xe trước chỉnh sao cho bánh không chệch khỏi đường, 3 người còn lại giữ dây thừng để cho xe không tuột xuống quá nhanh. Và chúng tôi đã thành công khi đưa từng chiếc xe qua một.
Và như thế chúng tôi đã lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh nơi có cột mốc ghi "Khu vực biên giới". Chụp bức ảnh lưu niệm và trở về nơi bắt đầu cuộc hành trình với kỷ niệm mà chúng tôi sẽ mãi chẳng bao giờ quên.
Đỗ Quang Trung
Blog.Yume
Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
“Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
...
Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét