Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 4)

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chuyện về đèo Mã Phục 
.
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất, tính tất cả các con đèo đi từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, trên trục đường QL 3 hoặc các đường tỉnh lộ được bắt đầu như cái xương cá chạy trên địa phận Cao Bằng. 

Tên đèo Mã Phục (Mã là ngựa - Còn phục tức là... gục ngã - Em chả biết tiếng Hán hay Nôm nhưng cứ vải thưa che mắt thánh mà dịch nôm na ra thế có phải không các bác? ) gợi nhớ đến cái cảnh ngày xa xưa, thời ngựa thồ hàng hoá lên biên giới, đến con đèo này, ngựa khoẻ cũng phải chồn chân, gục ngã vì độ cao của đèo ? Không rõ có phải thế không? Nhưng xem ra chỉ đúng với ngày xưa, chứ hiện giờ xe máy ô tô chạy ầm ầm số 2 số 3 leo vun vút... Thế mới biết các cụ chúng ta ngày xưa khổ nhỉ?
.
Đèo chạy vòng vèo mấy tầng, đâu hình như 4 tầng tính tới đỉnh đèo nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách. Đường đèo như một cái lò xo, đứng từ chân đèo nơi có cái bảng xi măng kẻ chữ to tướng: Đèo Mã Phục, đề phòng tai nạn... sẽ thấy con đèo cũng bình thường.

Núi không cao, cây cối thấp lè tè, không xanh tốt, chỉ đôi khi một đám sương mù từ đâu lan toả khiến phong cảnh thêm phần thi vị, lãng mạn chứ tuyệt nhiên không hùng vĩ hoành tráng như Ô Quy Hồ, như Mã Pì Lèng, như Khau Phạ, Pha Đin.... Cũng không có miếu thờ, không hương khói nghi ngút đầy sự tâm linh và oan trái... Nó bình dị và đẹp một cách nên thơ.

Khi lên đèo, đầu tiên sẽ phải vượt qua liên tục mấy khúc cua tay áo. Dốc cũng không đến nỗi cao lắm như Pha Đin... Vượt qua 2 tầng đường và 3 khúc cua gắt, bắt đầu nhìn thấy quang cảnh ruộng nương, bản làng phía xa xa và bắt đầu cảm thấy cái đẹp của đèo Mã Phục ...
Đứng ở tầng đường thứ 3, chỗ đoạn nhô ra cao nhất và phong quang nhất, sẽ thấy toàn cảnh đèo và cái thung lũng bên dưới.

Núi đá mơ màng trong sương sớm mang nét chấm phá thủy mạc ...Ruộng bậc thang chảy tràn từ trên sườn núi xuống, lúc mờ lúc ảo, chỗ xanh xanh màu cỏ chỗ thâm thâm màu đất, xa xa nương ngô xanh ngát và bản làng thấp thoáng những mái ngói sẫm màu. Thỉnh thoảng một gốc cây cổ thụ cô độc mọc lên giữa đồng như một chứng nhân thời gian còn sót lại từ thủa hồng hoang....

Con đèo Mã Phục đẹp và nên thơ chính bởi cái thung lũng bên dưới nó. Cái thung lũng có những ngọn núi đá vôi bao xung quanh tạo ra một vòng cung hẹp, những nương ngô xanh ngát.....những thửa ruộng bậc thang mang màu thâm trầm của đất tràn trề từ triền núi đổ xuống thung lũng, thảng hoặc những làn sương mỏng mảnh "vắt" từ trên đỉnh núi chậm chạp bay qua ...
Chúng tôi đứng ở đỉnh đèo, ngắm nhìn khoảng không bao la ngút tầm mắt và bức tranh thiên nhiên đẹp hài hoà và thanh bình thật khó tả.

Đường đèo Mã Phục không rộng và không nguy hiểm lắm, phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh với một cánh đồng bao la, dãy núi đá vôi phía Tây như bức tường thành, có chỗ ngay cạnh đường là vô số những tảng đá vôi lô nhô, nhọn hoắt hoặc lúp xúp mọc tạo thành những sa bàn thạch đẹp kỳ vĩ....

Mùa chúng tôi đi, cả Trùng Khánh đầy những cánh đồng trồng loại cây có hoa màu trăng trắng, khi cắt ngọn, để trơ cái thân thì cả cánh đồng rực lên màu đỏ của rượu chát, đẹp vô cùng.... Chúng tôi ngừng lại hỏi một cô dân tộc Nùng đang lúi húi bên bờ ruộng thì cô trả lời bằng cái giọng lơ lớ: Ồ ! đây là cây Pắccooc đấy.... (Pắccooc chứ không phải cây Mắccooc cho quả ăn được)
Chả biết tôi nghe có đúng không?!

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8...

Về đèo Mã Phục...

Cách Cao Bằng 22 km là đèo Mã Phục. Đèo cao 620 m, du khách phải vượt qua 7 vòng cua dốc mới tới đỉnh. Đỉnh đèo là một bãi đất phẳng khá rộng, là nơi nghỉ chân của những khách bộ hành qua đèo.
Gọi là đèo Mã Phục vì ở hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi lớn, thành dốc đứng, chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đó là một nếp uốn đá vôi lớn mà đỉnh của nếp uốn đã bị phá hủy, hai cánh còn lại châu đầu vào nhau tựa như hai con ngựa. Lại có người nói, đèo Mã Phục còn được gọi là Ngựa Phục, Ngựa Quỳ, vì ngựa chạy lên đèo quá mệt mà quỵ xuống. Dưới chân đèo Mã Phục, những thửa ruộng bậc thang nhiều màu xếp từng bậc như nối đuôi nhau chạy.Nhiều bức mang nét chấm phá thủy mạc như cảnh đèo Mã Phục mờ trong sương.

Bài thơ Gió lạnh biên cương viết khi tác giả Vũ Thành Chung vượt đèo Mã Phục, nơi biên cương trước cổng thành nhà Mạc, ngậm ngùi cảm tác, mang lại một không gian thăm thẳm hun hút, ấn tượng cho người đọc.

Mã Phục khuất nẻo chơi vơi
Hồn người chấp chới, ma trơi nhập vào
Thành nhà Mạc - Lửa binh đao
Bao năm xương trắng máu đào sơn khê
Nấm mồ không biết lối về
Câu thơ đứt một não nề cỏ hoa

“Qua đèo Khau Liêu lên đèo Mã Phục, luồn qua rừng vầu, xuyên qua rừng trúc.. ” Cao Bằng là đèo Mã Phục, là đèo Khau Liêu với đường núi quanh co, s­ương mù trắng xoḠvực sâu thăm thẳm. ­Đường xa dốc núi ngoằn ngèo mà ta không đoán được là sẽ đi lên hay đi xuống, rẽ trái hay rẽ phải. Ta muốn thu vào mắt mình tất cả những dãy núi những hàng cây...
Và thấy yêu Tổ quốc mình biết bao...

Theo Blog Nguoi Caobang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc